Phóng to |
Bà Ngô Thị Huệ (bìa phải) - phu nhân cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh - đến viếng nữ anh hùng lực lượng vũ trang Hồ Thị Bi và chia buồn cùng gia đình - Ảnh: Hoàng Thạch Vân |
Vĩnh biệt “Nữ kiệt miền Đông” Hồ Thị Bi
Người đảng viên 75 tuổi Đảng, “nữ kiệt miền Đông”, người con ưu tú của 18 thôn vườn trầu, quê hương Nam kỳ khởi nghĩa... đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 95 lúc 20g30 ngày 12-10. Bà sinh năm 1916 tại xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định (nay là TP.HCM).
Suốt chiều tối qua, lời xướng tang liên tục vang lên với niềm tiếc thương vô hạn, các vị nguyên lãnh đạo và lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đến viếng, gửi vòng hoa cùng lời chia buồn sâu sắc nhất với gia đình nữ anh hùng Hồ Thị Bi trước nỗi đau không gì bù đắp được. Đoàn lãnh đạo Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ VN TP.HCM cùng nhiều cơ quan, ban ngành cũng đã đến viếng, chia buồn cùng gia đình người nữ cán bộ bất khuất, trung kiên, nhân hậu, người đảng viên cộng sản Việt Nam trọn đời phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng của Đảng...
Theo chương trình tang lễ, lễ truy điệu đại tá Hồ Thị Bi diễn ra lúc 7g30 ngày 15-10, sau đó an táng tại nghĩa trang TP (Thủ Đức).
Vĩnh biệt chị Năm hậu phương Nhiều người, rồi sách vở vẫn gọi đại tá anh hùng Hồ Thị Bi là “nữ kiệt miền Đông” vì những chiến tích lẫy lừng, từng nhiều phen làm giặc Pháp phải khiếp vía. Nhưng những đồng chí, những em, cháu gần gũi của bà ít gọi vậy. Hôm qua, hay tin bà mất, họ đến đứng chật cả con hẻm nhỏ trên đường Thích Quảng Đức (Q.Phú Nhuận) với một niềm nghẹn ngào rất riêng dành cho chị Năm hậu phương - tên thân thương họ gọi bà. Ông Hai Sang (đại tá Nguyễn Kim Sang, 83 tuổi), nguyên chủ nhiệm chính trị Bộ tư lệnh 779, lần giở lại tấm thẻ thương binh, rồi mấy cái giấy khen đã ố màu được cấp từ những ngày mới tập kết. Giọng ông Sang bồi hồi: “Không có chị Năm, chắc mấy kỷ vật này tui chẳng còn giữ được”. Đó là những kỷ vật chị Năm Bi đã cất hộ ông từ năm 1961 đến tận ngày giải phóng, không suy suyển một thứ gì. Mà đâu phải mình ông, sau nghị quyết 15 của Đảng, cũng như ông Sang, hàng ngàn chiến sĩ, cán bộ miền Nam tập kết, lại từ miền Bắc trở ngược vào Nam. Bà Hồ Thị Bi lúc này là cán bộ ở Cục Cán bộ làm công tác chính sách với anh chị em đi B. Và hàng ngàn anh em miền Nam từ miền Bắc trở lại chiến trường đã được bà tiếp nhận, ký gửi tất cả kỷ vật, giấy tờ quan trọng nhất suốt mười mấy năm. Rồi giải phóng, bà lại làm công việc ngược lại, tìm đơn vị để trao gửi các anh em từng kỷ vật, nhiều anh em hi sinh cũng được tìm đến tận gia đình để gửi lại. “Không ruột thịt mà ngày gặp lại chị Năm, nhận lại kỷ vật, ai cũng rưng rưng” - ông Hai Sang nói. Câu chuyện ấy chỉ là một chi tiết trong chuỗi nỗi niềm “ngày Bắc, đêm Nam” mà cô Năm Bi vừa là người trong cuộc vừa là người chia sẻ, động viên. Lọm khọm đến chia buồn với gia quyến, đôi vợ chồng đại tá Nguyễn Văn Lai (86 tuổi) và Lê Thị Ngà (85 tuổi) - hai trong số những đồng chí trong chi đội 12, rồi sau này là trung đoàn 312 thời chống Pháp tập kết ra Bắc với cô Năm Bi - kể: “Hồi tập kết ra Bắc, cùng với anh Ba Tô Ký, chị Năm Bi là chỗ dựa tinh thần lớn nhứt, anh em có gì khúc mắc là chị Năm, anh Ba tới liền”. Cả ông Hai Sang và ông Lai đều còn nhớ những ngày ở Sư đoàn 338 tại Xuân Mai (Hà Nội) khi đang huấn luyện sắp sửa vào Nam, cứ cuối tuần lại có chị Năm đến thăm. Ai có khúc mắc tâm tư đều được anh Ba và chị Năm trực tiếp gỡ rối để nhẹ lòng lên đường. Không chỉ đồng chí, anh em mà bà con xóm giềng ở hẻm 166 Thích Quảng Đức kể lại đến tận những ngày khỏe mạnh cuối cùng bà vẫn trao gửi sự tận tụy ấy đến mọi người. “Con hẻm này hồi xưa lầy quá chừng, hồi đó bà Năm đã hơn 90 tuổi mà cũng ráng lọ mọ chống gậy đến mấy nhà quanh ngõ vận động bà con chung tay sửa sang” - bà Võ Thị Nga, bí thư chi bộ 1B nơi bà Hồ Thị Bi sinh hoạt, kể lại. 95 tuổi, quãng đời từ một “nữ kiệt miền Đông” đến “chị Năm hậu phương”, từ những ngày xung trận đánh địch đến những ngày ở hậu phương miền Bắc nói như ông Hai Sang thì đều là những điểm tựa - một hậu phương vững chắc làm đồng chí, anh em thêm vững dạ an lòng. Và hôm nay bà Hồ Thị Bi mất, những đồng chí, anh em ấy đến để vĩnh biệt một “nữ kiệt” của non sông - một hậu phương của riêng mình. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận