30/11/2013 13:27 GMT+7

Tiếc!

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TT - Đó là cảm xúc của những người dự phiên tòa xét xử bị cáo Lê Diên Hải (33 tuổi, quê Phú Thọ) ở Tòa án nhân dân TP Hà Nội ngày 29-11. Tiếc cho một mối tình, tiếc cho người con gái nhân hậu, thủy chung và tiếc cả cho bị cáo!

Đâm chết người yêu cũ đang mang thai

YRY7jVFN.jpgPhóng to
Bị cáo Lê Diên Hải - Ảnh: Việt Dũng

Bị cáo và chị P.T.A. quen và yêu nhau từ những ngày mới là học viên lớp kế toán của một trường trung cấp tại Chương Mỹ (Hà Nội). Họ yêu nhau suốt 10 năm ròng rã. T.A. ra trường, học liên thông lên cao đẳng, đại học rồi có việc làm ổn định. Chị là kế toán trưởng của một công ty. Chị vẫn chờ Hải ổn định công việc để tính chuyện cưới xin. Cuối năm 2012, thấy không còn chờ đợi được nữa nên T.A. chủ động chia tay. Hải vào TP.HCM tìm việc làm.

Ngày 6-3-2013, Hải từ TP.HCM bay ra Hà Nội gặp T.A. muốn nối lại quan hệ tình cảm. Lúc này T.A. đang ở cùng anh trai và chị dâu tại nhà trọ ở làng Phú Đô (Mễ Trì, Từ Liêm), Hải được ba người cho ở chung. Trưa 18-3-2013, Hải đến công ty đón T.A. về nhà. Sau khi ăn uống, nghỉ ngơi và quan hệ, cả hai cãi nhau về việc có quay lại hay không. T.A. không đồng ý, Hải thì muốn níu kéo. Hải đã dùng tay bóp cổ T.A. đến khi chị không thở được nữa. Sợ T.A. chưa chết, Hải dùng kéo đâm một nhát vào ngực, sau đó lấy 700.000 đồng cùng xe máy của người yêu rồi bỏ trốn lên Hòa Bình. Chiều cùng ngày, chị dâu của T.A. đi làm về thì phát hiện thi thể em mình nằm lạnh lẽo trong phòng trọ với chiếc kéo còn cắm trên ngực. Một ngày sau Hải bị bắt.

Mất hết lý trí?

Bị cáo đứng trước vành móng ngựa, cơ thể cao to nhưng rúm ró với hai tay bị còng. Mỗi lời luận tội của chủ tọa lại khiến bị cáo cúi đầu thấp hơn, cả cơ thể như muốn đổ về phía trước bất cứ lúc nào.

Bị cáo trả lời chủ tọa bằng giọng lí nhí: “Bị cáo cố gắng để hàn gắn lại tình cảm nhưng T.A. nói muốn chấm dứt. T.A. nói không tin tưởng bị cáo. Bị cáo đã gặp T.A., rủ đi ăn, đi chơi, đi mua sắm một số thứ, đã sống cùng T.A. như vợ chồng trong phòng trọ, tình cảm rất gắn kết. Nhưng đến khi bị cáo đề nghị quay lại thì T.A. không đồng ý. T.A. không chửi mắng hay xúc phạm gì bị cáo cả, nhưng vì bị cáo nghĩ chia tay thì từ nay bị cáo không còn người để yêu nữa. Bị cáo rất yêu T.A., bị cáo mất hết lý trí, bị cáo rất hối hận...”

Vị chủ tọa nghiêm giọng với bị cáo: “Bị cáo không mất lý trí. Bóp cổ xong bị cáo còn lấy kéo đâm cho chết. Đâm xong bị cáo còn đắp chăn kín người T.A., còn lục tủ lấy tiền, lấy xe củaT.A. rồi bỏ trốn. Nếu mất hết lý trí, bị cáo đã không làm được như vậy”.

“Bị cáo lái xe bỏ trốn nhưng hoảng loạn nên va quẹt vào người đi đường mấy lần, phải dừng xe lại. Bị cáo mua hai gói thuốc chuột để uống nhưng không chết, chỉ bị đau bụng. Sau đó bị cáo ngủ thiếp đi ở Hòa Bình...”. Những lời biện hộ ấy của bị cáo không được hội đồng xét xử chấp nhận. Phút được nói lời sau cùng, bị cáo quay xuống nhìn bên nhà bị hại nói với đôi mắt đỏ hoe: “Xin hai bác hãy tha thứ cho cháu, để cháu có cơ hội được làm lại từ đầu, được phụng dưỡng hai bác thay cho T.A.. Cháu biết mình đã làm những việc không thể chấp nhận, gây đau thương mất mát cho hai bác. Cháu rất hối hận vì việc làm của mình...”.

Không cứu được mạng sống

Gia đình bị hại đề nghị truy tố thêm bị cáo tội hiếp dâm, vì cho rằng bị cáo và T.A. đã chia tay, không thể có chuyện T.A. tự nguyện quan hệ tình dục mà là do bị cáo ép buộc hoặc dùng vũ lực trước khi xảy ra sự việc. Gia đình cũng yêu cầu các khoản bồi thường theo luật định và đề nghị xử tử hình bị cáo, vì từ khi xảy ra sự việc gia đình bị cáo không thăm hỏi gì nhà bị hại. “Gia đình bị cáo cũng tàn nhẫn như bị cáo” - đại diện bị hại nói trước tòa.

Trước hành vi cương quyết của gia đình bị hại, vị đại diện viện kiểm sát nói: “Việc còn tình cảm hay không chỉ có người trong cuộc mới biết, chứ không phải thể hiện bằng văn bản. Chúng ta xác định chị T.A. vẫn còn tình cảm với bị cáo ở chỗ chị và anh trai đã cho bị cáo sống chung nhà, lại còn giao phương tiện cho bị cáo đi. Đây cũng có thể là sự nhân hậu của chị T.A.. Bị cáo có tội nhưng gia đình bị cáo không có tội. Gia đình nạn nhân mất một đứa con, gia đình bị cáo cũng mất một đứa con. Gia đình bị cáo là gia đình cách mạng, có công với đất nước, bị cáo là con trai duy nhất của gia đình có ba chị em gái. Tôi nói vậy để mong gia đình nạn nhân hãy biết chia sẻ nỗi đau của gia đình người khác. Gia đình mình có một nỗi đau thì gia đình bị cáo cũng có một nỗi đau...”.

Trước những lời nói của vị đại diện Viện kiểm sát, phía bị hại vẫn cương quyết đề nghị xử tử hình bị cáo.

Mặc dù có ông nội là liệt sĩ, được hưởng tình tiết giảm nhẹ do ăn năn hối cải nhưng trước hành vi “không thể chấp nhận được” của bị cáo, hội đồng xét xử vẫn tuyên bị cáo tử hình về tội giết người, 4 năm tù về tội cướp tài sản. Tổng hợp cho cả hai hình phạt là tử hình.

10 năm Hải và T.A. yêu thương nhau, cả hai bên gia đình đều biết mặt nhau. Gia đình bị hại nói trước tòa rằng đã rất tôn trọng và mong Hải thành người một nhà. Họ đã cùng với T.A. vun vén cho tình cảm ấy suốt 10 năm ròng rã. Nhưng sau khi T.A. mất, gia đình có lục lại đồ đạc của chị thì thấy có cuốn nhật ký của T.A. ghi lại những nỗi đau khổ, tuyệt vọng về mối tình không có kết thúc đẹp của chị, khi Hải yêu chị nhưng vẫn dùng dằng với người yêu cũ, rồi có người yêu mới. Nhiều lần chị nói chuyện cưới xin, Hải vẫn trả lời “đợi anh ổn định công việc” trong khi chị đã 30 tuổi.

Luật sư Nguyễn Ánh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) bào chữa chỉ định cho bị cáo ngồi lặng nhìn bố bị cáo đi liêu xiêu ra về. Ông nói: “Gặp bị cáo trong trại giam thấy bị cáo khóc suốt. Tôi hỏi bị cáo tại sao T.A. là cô gái hiền lành, công việc ổn định, yêu bị cáo như thế mà bị cáo vẫn chần chừ, gia đình T.A. lại đã cưu mang bị cáo rất nhiều như thế. Phân tích mãi, thấy bị cáo ngớ ra, bảo “thú thực em chưa nghĩ đến chuyện gia đình, em cũng không nghĩ điều gì sâu xa hơn. Hơn 30 tuổi vẫn còn muốn bay nhảy, chơi bời. Thật đáng tiếc...”.

“Ông ơi, cho tôi gặp ông một chút”

Sau khi bị cáo bị dẫn đi, bố bị cáo đứng run rẩy nói với bố bị hại: “Ông ơi, xin ông cho tôi gặp ông một chút”. Ông lặp lại lời thỉnh cầu một lần nữa khi thấy bố bị hại im lặng bước đi. Bố bị hại đứng lại, gỡ đôi kính xuống để lộ đôi mắt sưng đỏ. Bố bị cáo run run khóc: “Xin ông tha thứ cho cháu nó, chị gái nó bị tàn tật, lại mới vừa sinh một đứa con không có bố, mẹ nó cũng bị liệt không đi được, tôi chăm mẹ con nó không bỏ đi đâu được. Tôi nhà quê cũng không hiểu luật thế nào...”. Bố bị hại cắt ngang lời: “Thôi ông đừng nói nữa, sao ông không nói những lời này cách đây tám tháng trước khi con tôi chết, đến bây giờ ông mới nói thì còn có ý nghĩa gì nữa”. Vị chủ tọa phiên tòa ôm cặp tài liệu ra về thấy bố bị cáo đứng quệt nước mắt, ông dừng lại nói “Sao ông không xuống xin lỗi nhà người ta một câu, phải xuống chứ”. Nói rồi, vị chủ tọa lắc đầu bỏ đi.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên