Phóng to |
Bán ngao cho thương lái |
Thời gian đã làm thay đổi mọi thứ. Giờ đây con ngao đang trở thành nguồn tài nguyên mới ở tỉnh Nam Định.
Ăn cũng ngao, ngủ cũng ngao
Cụ bà bán nước bên vệ đường, cách Giao Xuân (huyện Giao Thủy) chừng 15-20 km nhận xét: "Bây giờ ở Giao Xuân cứ đi ra đường là gặp tỉ phú". Quả thực, những căn hộ xây kiểu biệt thự nằm san sát bên lề đường. Người lái xe ôm chở tôi cho biết: "Ở đây những người có một vài tỉ chưa được xếp vào danh sách những người giàu. Thanh niên 25-26 tuổi nói chuyện tiền tỉ cứ nhẹ như lông hồng".
Ông Trần Đình Thảo, Phó chủ tịch UBND xã đưa ra một con số mà tôi chưa từng nghe thấy ở bất cứ một xã thuần nông nào: "Tỉ phú chiếm tới trên 4% tổng số hộ dân của xã, khoảng trên 40 người; nhà xây giá trị trên 1 tỉ đồng có chừng 20-30 cái. Các trường hợp này đều trong độ tuổi từ 30-40"... Tất cả đều nhờ con ngao mà ra. Năm 2004, với sản lượng 2.000 tấn, con ngao đã đóng góp vào tổng sản phẩm của xã tới 40 tỉ đồng.
23 giờ, chiếc thuyền máy chòng chành đưa tôi cùng 80 người khác ra "vây" (người dân ở đây gọi đầm ngao là vây - PV) của anh Nguyễn Văn Hiển. Sau 20 phút đi thuyền, tay chỉ về hướng chiếc chòi đặt ngoài xa, Hiển bảo: "Vây của tôi ở đó". Sinh năm 1973, trẻ tuổi nhưng Hiển lại được xếp vào danh sách những người đi đầu trong phong trào duy trì và phát triển con ngao. Anh nhớ lại: "Cuối những năm 1980, đầu 1990 người dân chưa biết làm, đất bồi để không, mọi người cứ cắm cọc để đấy gọi là lấy phần. Ai cắm bao nhiêu cũng được".
Hiển cũng lấy phần cho mình vài ha. Lấy rồi chẳng nhẽ lại để không, thế là lúc ít, lúc nhiều Hiển tiết kiệm từng đồng mua ngao thả xuống. Suốt 10 năm trời, từ năm 1992-2002, anh thả bao nhiêu thì ngao chết bấy nhiêu. Hiển thú thật: "Mình chỉ học hết cấp 2, chẳng có chuyên môn kiến thức gì nên khi ngao chết cũng chỉ đoán là chắc chết vì dịch, bây giờ nghĩ lại thì thấy chẳng có dịch gì mà nó chết chỉ đơn giản vì môi trường. Ngao không sống được trong môi trường bùn lầy mà lúc đó khu vực bãi bồi bùn đều ngập tới 40-50 cm". Khi hút bùn đi, con ngao tự nhiên phát triển mạnh.
Năm 2002, Hiển vay bên nội, bên ngoại được 25 triệu đồng, đánh bạc với con ngao lần nữa. Lần này anh thắng, hết vụ đầu năm 2003, thu về gần 400 triệu đồng. Anh tâm sự: "Bây giờ mình luôn luôn ở trong trạng thái: ăn cũng ngao, ngủ cũng ngao". Cách đầu tư cho con ngao cũng bài bản hơn trước. Hiển cho biết: "Cứ 1 ha thì mình thả khoảng 1 tỉ đồng tiền giống, ngoài ra còn thêm khoảng 30-40 triệu đồng tiền bả (một loại lưới rất dày, quây để ngao khỏi thoát ra ngoài - PV), chòi canh. Sau 2 năm, nếu thuận buồm xuôi gió thì cứ một vốn thu được bốn lời".
Còn đây là Nguyễn Văn Hiến. Ngồi đối diện với anh mà tôi không nghĩ anh có thể là tỉ phú. Căn nhà, đồ đạc và thiết bị trong gia đình... mọi thứ đều xịn, xịn hơn cả những căn hộ khang trang trên phố, nhưng chủ nhân của nó thì đích thị là một dân chài. Vợ anh thật thà: "Từ lúc chưa có gì đến bây giờ anh ấy vẫn giữ nguyên cái phong thái của ông nhà quê". Cứ suốt ngày chân đất đầu trần mà diễu.
Hiến bảo: "Chẳng gì phải sửa, đó là thói quen rồi, chả nhẽ cứ có tiền là phải sửa cả tính tình à?". Hai chân co lên chiếc ghế màu nâu sẫm, bóng lộn, Hiến thao thao kể về con ngao. Kết thúc câu chuyện về con ngao, Hiến chép miệng: "Cũng mới được vài tỉ, đâu có nhiều. Cuối năm nay nếu thuận lợi cũng thu thêm được vài tỉ nữa". Cũng xếp vào hàng "đại gia" ở Giao Xuân phải kể thêm những tên tuổi còn rất trẻ như Hưng - Thắm, Thực - Lộc, Trần Văn Khấu, Đinh Văn Vũ, Nguyễn Trường Cửu...
Sau một đêm thành tỉ phú
Về quê nhiều người nói: "Ở Giao Xuân có người sau một đêm ngủ dậy đã thành tỉ phú". Cho rằng đó chỉ là lời nói phóng đại, nên đến Giao Xuân, tiếp xúc với bất cứ ai, có cơ hội là tôi kiểm chứng thông tin này, nhưng cuối cùng tôi phải tin đó là sự thật.
Người đầu tiên là cậu lái thuyền, kể rằng cách đây hơn một năm, ở ngay xóm Xuân Hùng có người bị "ngộ” vì tiền. Vốn là người túng quẫn kinh niên, thế rồi thấy người ta vác vợt đi xúc ngao giống, ông cũng bắt chước làm theo. Năm đó ngao nở (ngao giống - PV) tự nhiên dạt về rất nhiều, lại dạt đến đúng vây nhà ông. Ngao nở có giá cao ngất: trên 1 triệu đồng/kg. Đang nghèo "truyền kiếp", bỗng dưng trở thành tỉ phú. Nằm trên một đống tiền đâm ra hoang mang, lẩn thẩn, gặp ai ông cũng cho tiền.
Người cháu của Hòa - Oanh (chồng tên là Hòa, vợ tên là Oanh) khẳng định: "Năm 2004, chỉ tính riêng tiền ngao nở tự nhiên dạt vào vây Hòa - Oanh cũng đã được khoảng 8-9 tỉ đồng". Tiền ở dưới biển, gia đình chỉ có mỗi việc vác vợt đi xúc. Cái ngày 17-4-2004 giống như một sự kiện, khắc sâu trong tâm trí người dân Giao Xuân. Đây là ngày mà người ta phát hiện ra ngao giống tự nhiên ồ ạt dạt vào bãi.
Anh Nguyễn Văn Hiển nhớ lại: "Suốt từ tháng 4 đến tháng 7, người ta chỉ có đi xúc ngao giống tự nhiên, có gia đình ngày cao điểm đã bán được 2 tỉ đồng tiền ngao nở tự nhiên. Nhiều như nhà Hòa - Oanh phải được đến 15-16 tỉ đồng. Riêng tiền tôi mua ngao nở của họ trong mấy ngày đầu cũng đã lên đến cả tỉ". Anh Hiển chỉ tay ra phía ngoài: "Ở gần đây nhà Hiến cũng bán được trên dưới 10 tỉ đồng tiền ngao nở tự nhiên". Đang chăm chút cho chiếc ô tô Camry 3.0 màu xanh rêu mới mua, anh Hòa rời tay khỏi chiếc chổi lông xác nhận: "Ờ thì cũng được mươi tỉ".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận