19/04/2012 08:31 GMT+7

Thủy điện Sông Tranh 2: Sẽ đưa ra Quốc hội

TẤN VŨ
TẤN VŨ

TT - Ngày 18-4, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam do ông Lê Phước Thanh (chủ tịch UBND tỉnh kiêm trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) đã có buổi thị sát thực tế tại đường hầm thủy điện Sông Tranh 2 trước khi vụ việc được nêu ra trước kỳ họp Quốc hội sắp tới.

Thủy điện Sông Tranh 2: chuyên gia nói khác nhà thầuSông Tranh 2 rò rỉ gấp 5 lần cho phépXử lý rò rỉ Sông Tranh 2: công nghệ Trung Quốc

8DRU64CE.jpgPhóng to

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam thị sát đập thủy điện Sông Tranh 2 sáng 18-4 - Ảnh: TẤN VŨ

Đây cũng là lần đầu tiên các phương án xử lý đập đã được chủ đầu tư công bố với sự có mặt của các chuyên gia Trung Quốc...

80 trận động đất tại khu vực thủy điện

Sau hơn một giờ đi khảo sát cả ba đường hầm chính trong thân đập, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đã có buổi làm việc với các bên liên quan đến đập Sông Tranh 2. Tại đây, ông Lê Phước Thanh bày tỏ sự lo lắng: “Trước đây công bố 30 lít/giây, bây giờ là 75 lít/giây. Tại sao càng đi sâu xuống bên dưới chân đập thì càng nhiều nước chảy ra, đề nghị nói rõ để chúng tôi có báo cáo với Chính phủ”.

Trả lời câu hỏi trên, ông Trần Văn Hải - trưởng Ban quản lý dự án thủy điện 3 - nói: “Khi nước ở cao trình 175m (tháng 11-2011) thì lượng nước rò rỉ qua thân đập đo được là 30 lít/giây. Nhưng đến khoảng giữa tháng 3-2012 thì 6/30 khe nhiệt bắt đầu chảy nước và lượng nước đo chính thức là 75 lít/giây. Trước đây chúng tôi chỉ ước lượng để có con số báo cáo, bây giờ đo đạc chính thức. Con số này khá tin cậy và thỏa mãn cho điều kiện ổn định đập”.

Tại buổi làm việc, ông Hải cho biết đã có gần 80 trận động đất lớn nhỏ xảy ra tại khu vực Sông Tranh. Trước khi xây đập có gần 40 trận và khi con đập xuất hiện tăng thêm khoảng 40 trận nữa. Đặc biệt, từ ngày 7-4 đến nay có 5-7 trận động đất diễn ra tại khu vực thủy điện này. Tuy nhiên, theo các thiết bị quan trắc đo được thì động đất nhỏ và không đột biến.

Dù vậy, ông Trần Anh Tuấn, phó chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, vẫn tỏ ý quan ngại: “Các chuyên gia của Viện Vật lý địa cầu cho hay các thiết bị đo động đất của thủy điện Sông Tranh 2 không có tác dụng, trong khi trạm quan trắc động đất đặt tại Huế lại quá xa (cách 120km đường chim bay) nên các thông số không chính xác. Chính quyền địa phương rất quan ngại việc này”.

Ông Hải trả lời: “Các thiết bị của thủy điện chỉ đo gia tốc của các chấn động đang đến với công trình. Còn thiết bị của Viện Vật lý địa cầu thì đo cả tâm chấn, nguyên nhân, xa gần... điều đó chúng tôi không quan tâm bởi chúng tôi cần các thông số phục vụ cho chính công trình của mình”.

Phương án sửa chữa

Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Quảng Nam Dương Chí Công cho biết sau khi khảo sát đường hầm sáng 18-4 đã cho thấy: nước chảy trong thân đập rất nhiều, các khe thu nước chỉ thu được một nửa. Ông Công thắc mắc: “Bây giờ là mùa hè, bêtông đang nóng giãn nở, khi bêtông nở thì các khe nhiệt nhỏ lại mới đúng. Ở đây các khe nhiệt ngày càng giãn ra giữa lúc nhiệt độ tăng cao là biểu hiện bất thường gì?”.

Trình bày tại buổi làm việc, ông Hải cho biết sau khi lấy ý kiến của 16 chuyên gia đầu ngành thủy điện, thủy lợi, xây dựng được Tập đoàn Điện lực VN (EVN) và Bộ Công thương đồng ý, phương án sửa chữa được đưa ra như sau: kiểm tra vị trí rò rỉ, phân tích nguyên nhân, bịt kín các điểm phát hiện rò rỉ trên, dưới mặt nước và các điểm có khả năng rò rỉ tại phía thượng lưu đập, đào rãnh trên khe, khoan lỗ phụt xuyên khe, khoan sẵn ống phụt và bịt kín lại rãnh đó; sau khi chôn sẵn và bịt kín, khoan phun hóa học và bơm keo polyurethan (PU) sao cho keo bịt kín được mặt rò rỉ. Sau khi khoan phụt xong dán kín bằng vật liệu SR lên bề mặt khe nhiệt đợi đến khi các vật liệu này ổn định và hoàn tất.

Cũng theo ông Hải, đây là phương pháp đã được các chuyên gia Trung Quốc ứng dụng thành công tại đập Tam Hiệp, riêng tại VN thì đây là lần đầu tiên. “Chúng tôi đã xem các đối tác trình bày bằng hình ảnh, video... Sẽ có thợ lặn xuống dưới và thi công. Sau đó chúng tôi cũng nghiệm thu qua hình ảnh và video” - ông Hải nói. Kinh phí thuê các chuyên gia, mua vật liệu xử lý đập được EVN đầu tư và sẽ cố gắng hoàn thành trước ngày 31-8.

Kết thúc buổi làm việc, ông Lê Phước Thanh kết luận: “Nếu chủ đầu tư không thực hiện khắc phục đúng thời gian thì tôi sẽ đề nghị Chính phủ chỉ đạo EVN dừng tích nước mùa mưa tới. Phía EVN phải lắp quan trắc dù đắt bao nhiêu cũng phải làm, đồng thời xây dựng ngay phương án di dời dân khi đập có sự cố. Chúng tôi sẽ chính thức đưa vấn đề này ra trước kỳ họp Quốc hội vào tháng 5”.

TẤN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên