Đề nghị tổng kiểm tra thủy điện Sông Tranh 2Thủy điện Sông Tranh 2: xả nước tối đa khắc phụcThủy điện Sông Tranh và chuyện gỗ xấu làm lưng tủ
Phóng to |
Đập tràn thủy điện Sông Tranh 2 - Ảnh: Đ.Nam |
Quan trắc lòng đập lần này, ngoài Viện Vật lý địa cầu còn có các chuyên gia của Viện Cơ học. Tiến sĩ Lê Huy Minh - phó viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, trưởng đoàn khảo sát - cho biết trong lịch sử vùng đất Quảng Nam có những trận động đất khá lớn. Năm 1715 ghi nhận động đất tại vùng này là 4,7 độ Richter (khoảng cấp 5), tâm chấn cách mặt đất khoảng 15km. Năm 1919, năm 1957 có trận động đất 4,8 độ Richter (cấp 6). Thời gian gần đây động đất liên tục xuất hiện với tần suất dày và nhiều rung chấn. Đây là các trận động đất do phát sinh đới đứt gãy Hưng Nhượng - Tà Vi - Trà Bồng (Quảng Ngãi).
Nghiên cứu kỹ tác động của động đất
Theo tiến sĩ Minh, động đất nhiều nhưng việc con đập có ảnh hưởng hay không cần phải phân tích các số liệu đo đạc, chưa thể kết luận chính thức vào lúc này. Nhưng những rung chấn như vậy làm người dân hoang mang lo sợ là có cơ sở. Để nghiên cứu kỹ tác động của động đất đến công trình thủy điện cũng như bờ đập cần có các trạm quan trắc, cụ thể là năm trạm được đặt trong vòng ba huyện quanh hồ thủy điện. “Trước mắt, đề nghị Ban quản lý dự án thủy điện 3 kiểm tra các khe nhiệt, phạm vi kiểm tra ở phía thượng lưu sâu vào thân đập từ 1,5-2m bằng phương pháp georadar. Ban quản lý phải báo cáo Tập đoàn Điện lực VN (EVN) xin kinh phí thực hiện ngay việc này” - tiến sĩ Minh cho biết.
Yêu cầu cho thợ lặn kiểm tra bề mặt bêtông Theo ông Nguyễn Tài Sơn - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện I (đơn vị tư vấn thiết kế xây dựng đập thủy điện Sông Tranh 2), nguyên nhân chính của việc thấm nước tại các khe nhiệt (vốn không cho phép) là do có khiếm khuyết trong kết cấu chống thấm của khe nhiệt và hệ thống thu nước phía thượng lưu trong thân đập. Cần phải khôi phục hệ thống thoát nước như thiết kế và khoan bổ sung lỗ thoát nước thay thế các lỗ bị tắc không sửa chữa được. Đối với giải pháp khắc phục sự cố đập Sông Tranh 2, ông Sơn đề nghị phải cho thợ lặn kiểm tra mô tả bề mặt bêtông tại vị trí khe nhiệt xem có dấu hiệu bất thường nào không... Từ đó đưa ra phương án xử lý có thể gồm các giải pháp: bơm keo trương nở hoặc ximăng và phụ gia từ hành lang trong thân đập, chống thấm ở bề mặt bêtông thượng lưu tại khe nhiệt. Ngoài ra, chủ đầu tư phải khẩn trương hoàn thiện hệ thống thiết bị quan trắc và tiến hành đo đạc, đánh giá sự làm việc của công trình một cách hệ thống. |
Rò rỉ qua thân đập 75 lít/giây
Tại buổi làm việc, các chuyên gia cho hay hiện số liệu đo đạc của 600 sensor (thiết bị theo dõi các chấn động liên quan đến sự dịch chuyển của đập) lắp trong thân đập đã có. Tuy nhiên, các thông số quan trọng nhất liên quan về độ dịch chuyển của thân đập thì đoàn công tác vẫn chưa nhận được.
Tại buổi làm việc, đoàn chuyên gia thống nhất kiến nghị chính quyền tỉnh Quảng Nam hỗ trợ tiền mua năm máy quan trắc động đất (hơn 1,2 tỉ đồng) để lắp đặt quanh thủy điện. Đồng thời phải gấp rút có một đề tài nghiên cứu cấp nhà nước cho công trình đập thủy điện Sông Tranh 2 về động đất và an toàn đập lúc này. Theo đó, sẽ nghiên cứu tác động của động đất có ảnh hưởng gì đến thủy điện và trong tương lai công trình sẽ còn bị ảnh hưởng như thế nào. Ngoài ra, chi phí lắp đặt vận hành khảo sát nghiên cứu khoảng 4,8 tỉ đồng cũng đang đưa vào đề án.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu cho biết: “Ban quản lý thủy điện 3 phải báo cáo ngay cho EVN quan trắc hoặc thuê các đơn vị quan trắc động đất về làm việc tại đây. Tôi sẽ có công văn gửi EVN về việc này và EVN phải chi tiền để mua các thiết bị”.
Kỹ sư Nguyễn Minh Tuấn, chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Quảng Nam, thẳng thắn: “Việc nhiều đoàn chuyên gia đến đây bằng tay không, xem qua bằng mắt thường rồi đưa ra kết luận làm chúng tôi không an tâm. Cần thiết lúc này là lật lại trong quá trình thi công, các nhà khoa học, các chuyên gia của nhiều viện phải cùng kết hợp, nghiên cứu, đánh giá lại việc thi công thì mới đầy đủ và chính xác hơn...”.
Tại cuộc làm việc, ông Trần Văn Hải, trưởng Ban quản lý dự án thủy điện 3, thừa nhận: lượng nước rò rỉ qua thân đập chính xác là 75 lít/giây chứ không phải 30 lít/giây như công bố trước đó (khuyến cáo của Cục Giám định về các công trình xây dựng, Bộ Xây dựng) chỉ cho phép không vượt quá 15 lít/giây). Hiện tại nước trong lòng hồ đã xuống ở cao trình 155m (trên 15m so với mực nước chết). Hiện EVN có chỉ đạo không hạ thêm mực nước để đảm bảo hiệu suất phát điện cao nhất.
Theo ông Hải, đơn vị thi công đang có ít nhất ba phương án xử lý sự cố con đập lúc này, các phương án vẫn đang nằm trong giai đoạn thiết kế. Hiện có một số chuyên gia nước ngoài đã đến để hợp tác, nghiên cứu, nhận định vấn đề. “Nước thấm 75 lít/giây vẫn an toàn. Ở Mỹ có đập thấm 500 lít/giây nhưng vẫn tồn tại” - ông Hải nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận