Phóng to |
Công nhân khắc phục sự cố ở đập thủy điện Sông Tranh 2 - Ảnh: Tấn Vũ |
Tham dự đoàn công tác còn có Cục trưởng Cục Kiểm định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng Lê Quang Hùng, đặc phái viên của Chính phủ về năng lượng điện Thái Phụng Nê cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và chính quyền huyện Bắc Trà My.
Cũng như các buổi khảo sát trước, báo chí không được tham dự và mọi con đường vào khu vực này đều bị khóa kín. Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết sau hơn một giờ khảo sát các đường hầm chính trong thân đập bị rò rỉ nước, đoàn công tác có cuộc họp kín tại nhà điều hành của Ban quản lý dự án thủy điện 3.
Tại cuộc họp, các chuyên gia đưa ra nhiều phương án khắc phục sự cố rò rỉ nước tại bờ đập thủy điện này, đặc biệt là trong các đường hầm. Phương án ưu tiên là khắc phục phần thấm nước gây hiện tượng rò rỉ nước ở phía thượng lưu của con đập.
Trước đó, lãnh đạo Bộ Công thương cũng thống nhất phương án sẽ mời một số chuyên gia đầu ngành về thủy điện, giảng viên của các trường đại học từng phản biện và có ý kiến đóng góp về thủy điện Sông Tranh 2 trong thời gian qua tham dự hội thảo tìm giải pháp khắc phục sự cố của đập. Tuy nhiên, sau cuộc họp chiều qua, phương án này bị bác bỏ vì lý do các giải pháp khắc phục và sự cố của đập hoàn toàn nằm trong khả năng giải quyết của các cơ quan liên quan. Ông Trần Văn Hải, trưởng Ban quản lý dự án thủy điện 3, cho hay hiện tại các lỗi rò rỉ của con đập đang được các nhà thiết kế vẽ lại bản vẽ chi tiết để khắc phục trong thời gian sớm nhất.
Đích thân khảo sát trong lòng đập, chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My Đặng Phong cho hay huyện có phần cảm thấy an tâm khi mực nước hạ xuống thấp và nước trong lòng đập được thu gom. Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu cũng nói trước mắt chính quyền tỉnh đồng tình với cách giải quyết của Bộ Công thương. Theo ông Thu, những ngày qua thủy điện đã tăng cường phát hết công suất của hai tổ máy, nên lượng nước trong hồ xuống gần 7m so với tuần trước. Đến chiều 1-4, mực nước tại hồ đo được là 160m (cao hơn mực nước chết 20m).
Theo báo cáo, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) ưu tiên cho nhà máy tiến hành phát điện tối đa, làm giảm nhanh nước lòng hồ để khắc phục sự cố. Dù đồng ý với phương án này nhưng ông Thu cũng lo lắng về việc thủy điện Sông Tranh 2 xả cạn nước hồ trong khi mùa khô chưa đạt đỉnh sẽ khiến vùng hạ lưu sông Thu Bồn có nguy cơ bị nhiễm mặn.
Ghi nhận của PV Tuổi Trẻ tại hiện trường cho thấy đến chiều 1-4, vai trái bờ đập chính vẫn bị thấm nước và nhiều khe nước nhỏ xì thẳng từ thân đập ra bên ngoài. Toàn bộ mặt đập bị thấm nước. Tại hành lang kỹ thuật có hai ống nước bằng nhựa lớn được bắt dính vào tường chạy dọc theo đường hầm, đưa nước thẳng từ lòng bờ đập đổ ra ngoài, bên ngoài nhiều ống nhựa thu gom nước vẫn ào ạt chảy.
Theo Ban quản lý dự án thủy điện 3, với cường độ xả nước qua tuôcbin như hiện tại (230m3/giây), nếu thời tiết không mưa lớn, trong vòng 10-15 ngày mực nước hồ sẽ về mực nước chết (140m). Đập thủy điện Sông Tranh 2 được thiết kế gồm sáu cửa xả tràn và không có cửa xả đáy, lượng nước trong lòng hồ chỉ có đường thoát duy nhất là qua hai tổ máy phát điện.
Rút đơn kiện, được hỗ trợ bổ sung 1,5 tỉ đồng Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang vừa ký quyết định điều chỉnh, thay đổi một số nội dung về việc tiếp tục hỗ trợ đối với 19 hộ dân ở thôn 6, thuộc xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My. Đây là các hộ dân từng “cố thủ” không chịu di dời ra khỏi lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 khi thủy điện này tích nước. Lý do: mức hỗ trợ di dời thấp, không hợp lý. Ngay sau đó, 19 hộ dân này đã kiện UBND huyện Nam Trà My và EVN. Theo quyết định điều chỉnh vừa ban hành, phía tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ 19 hộ dân trên khoản tiền hơn 1,5 tỉ đồng nếu các hộ thống nhất rút đơn kiện địa phương và EVN. Trong trường hợp các hộ dân không thống nhất rút đơn kiện sẽ không được hưởng khoản hỗ trợ nói trên. Theo danh sách, hộ có mức hỗ trợ cao nhất gần 175 triệu đồng, hộ thấp nhất gần 39 triệu đồng. VÕ TRƯỜNG |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận