Phóng to |
Thiếu đất sản xuất, người dân sống cạnh thủy điện Sông Kôn 2 phải khai hoang trồng lúa trên những đồi đất cằn cỗi Ảnh: Phan Chung |
Hơn trăm hộ dân đang rơi vào tình cảnh khó khăn. Dù họ đã liên tục gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng để yêu cầu được bồi thường nhưng sự việc trên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Thiếu ăn triền miên
Ông Alăng Nghéo (74 tuổi) là một trong những người trong thôn Bút Tưa, xã Sông Kôn có đất sản xuất bị ngập sâu dưới lòng hồ thủy điện Sông Kôn 2 nhiều nhất. Ông nói: “Nhà tôi có mười ngọn đồi để trồng lúa, trồng sắn nhưng giờ bị nước ngập mất tám ngọn rồi. Hai ngọn đồi còn lại không đủ để nuôi 13 miệng ăn trong nhà”. Tương tự, Alăng Ớt, người cùng thôn, bị mất hơn 1.500m2 đất nông nghiệp khiến sản lượng lúa thu được hằng năm của gia đình anh giảm từ 2,4 tấn xuống còn 0,5 tấn.
“Từ khi đất sản xuất bị thu hẹp, bà con trong thôn liên tục bị thiếu đói. Nhiều người phải lên rừng phát rẫy nhưng rẫy mới đất rất xấu, xa nhà lại không có đường vào nên chỉ có đàn ông khỏe mạnh mới đi làm được. Một số hộ gia đình đã chặt cả vườn keo, vườn quế gần nhà để chuyển sang trồng cây ngắn ngày” - trưởng thôn Bút Tưa Alăng Điều cho biết.
Tình trạng mất đất sản xuất do Nhà máy thủy điện Sông Kôn 2 cũng xảy ra tại xã Jơ Ngây. Chủ tịch UBND xã Jơ Ngây Huỳnh Ngọc Thanh cho biết hai năm qua, địa phương liên tục nhận được đơn khiếu nại của người dân về việc đền bù đất và tài sản trên đất sản xuất nông nghiệp chưa thỏa đáng. Hiện có 78 hộ dân tại xã Jơ Ngây đã gửi đơn khiếu nại liên quan đến hoạt động của Nhà máy thủy điện Sông Kôn 2.
Theo ông Bùi Văn Thảo - phó trưởng Phòng tài nguyên môi trường huyện Đông Giang, hiện có 151 hộ dân tại bốn xã có đơn khởi kiện Nhà máy thủy điện Sông Kôn 2 về việc bồi thường chưa hết đối với đất, tài sản trên đất bị ảnh hưởng do nhà máy. Theo kết quả thanh tra vừa công bố, số diện tích đất nông nghiệp của người dân bị ngập nhưng chưa được đền bù hiện nay là trên 108.000m2.
Sẽ xem xét đền bù
Theo ông Bùi Văn Thảo, nguyên nhân chính của việc mất đất của người dân xuất phát từ việc nâng cao trình hơn 1m so với thiết kế tại hồ chính của thủy điện Sông Kôn 2 (từ 278m lên 279m). Chính vì vậy, một số đất đai, tài sản của người dân trong khoảng cao trình từ 278m đến 279m đã chìm ngập trong nước. Ngoài ra, việc tích nước, vận hành hồ chứa cũng đã làm sạt lở, ngập úng đất đai, tài sản nằm phía trên mốc giới đền bù.
Ngày 25-10, ông Đỗ Trung Hải - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Geruco Sông Kôn 2 - thừa nhận việc tích nước tại lòng hồ thủy điện đã làm ngập một số tuyến đường, khiến nhiều ruộng rẫy của người dân bị cô lập. Tuy nhiên, ông Hải lại cho rằng: “Riêng việc nâng cao trình lên gần 1m so với thiết kế là do công ty đang thử nghiệm thiết bị van lật được lắp đặt trên tràn xả lũ. Đây là một sáng kiến mang hiệu quả kinh tế cao”.
Cũng theo ông Hải, sau khi hoàn tất việc kiểm kê thiệt hại của người dân, phía công ty sẽ tạm ứng chi phí để bồi thường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận