12/09/2013 07:46 GMT+7

Thường vụ Quốc hội than trời bảo hiểm y tế

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - “Ăn của dân không từ một cái gì” - Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã thốt lên tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về bảo hiểm y tế (BHYT) trong ngày 11-9.

"Ăn của dân không từ một cái gì"

xSMO5yvn.jpgPhóng to
Vụ “Nhân bản phiếu xét nghiệm” tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) có dấu hiệu trục lợi bảo hiểm y tế, hậu quả là bệnh nhi Phạm Văn Đạt (3 tuổi) bị viêm phế quản lại có cùng kết quả xét nghiệm với người 40 tuổi bị tâm thần - Ảnh: Dương Ngọc

Phiên họp cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT giai đoạn 2009-2012” rất nóng bỏng khi nhiều vấn đề bất cập được đem ra mổ xẻ.

Báo cáo giám sát do Ủy ban Các vấn đề xã hội chủ trì cho thấy giai đoạn 2009-2012, tỉ lệ dân số tham gia BHYT tăng từ 58,2% lên 66,8%.

Như vậy, sau bốn năm thực thi luật, đã có thêm 8,6% dân số tham gia BHYT. Tuy nhiên, đến cuối năm 2012 vẫn còn 18 tỉnh có tỉ lệ tham gia BHYT dưới 60%, trong đó có bốn tỉnh đạt mức thấp dưới 50% dân số của tỉnh tham gia BHYT (Nam Định 49%, Tây Ninh 49%, Kiên Giang 48% và Bình Phước 46%).

Người lao động tham gia BHYT chỉ đạt 50%, trong đó khu vực tư nhân chỉ đạt 20-30%.

Chữa bệnh bằng thẻ BHYT: chích đau hơn

"Ăn của dân không từ một cái gì"

Nhân chuyện BHYT, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng đề cập nhiều tiêu cực trong xã hội khiến một người “thường xuyên đi cơ sở” như bà “càng đi càng thấy buồn”. Từ chuyện cán bộ MTTQ VN một số xã ở Hà Tĩnh ăn chặn tiền chính sách của người nghèo, rồi chuyện một hiệu trưởng ở miền núi vừa bị khởi tố vì ăn chặn tiền hỗ trợ của các em học sinh dân tộc thiểu số, đến cái liều văcxin tiêm cho một cháu nhưng đã bị chia ra tiêm cho hai cháu ngay tại Hà Nội... Bà Doan bức xúc lên tiếng: “Bây giờ ăn của dân không từ một cái gì”.

Báo cáo nêu rõ: “Kết quả giám định BHYT cho thấy có tình trạng lạm dụng BHYT cả về phía cán bộ y tế cũng như người có thẻ BHYT và cán bộ bảo hiểm xã hội. Những vi phạm phổ biến là lạm dụng xét nghiệm, thuốc, hóa chất, kê đơn thuốc ngoài danh mục cho phép, kê khống tiền thuốc, bệnh nhân nằm ghép nhưng vẫn thanh toán mỗi người/giường bệnh.

Ngoài ra, còn xảy ra tình trạng lập hồ sơ bệnh án khống (như làm giả kết quả xét nghiệm), sử dụng chung xét nghiệm ở một số bệnh viện để thanh toán với quỹ BHYT...

Có nơi cán bộ y tế ở bệnh viện sử dụng thẻ BHYT của người thân để làm thủ tục lấy thuốc ở bệnh viện, người có thẻ BHYT lạm dụng thông qua việc cho mượn thẻ, đi khám nhiều nơi trong ngày để lãnh thuốc (nhất là các bệnh mãn tính), cho thuê thẻ BHYT và thuê người bị bệnh mãn tính đi khám chữa bệnh để lấy thuốc đem bán (theo kiểm tra của Bảo hiểm xã hội VN, có trường hợp thẻ BHYT ở tỉnh Đồng Nai được sử dụng 157 lần khám chữa bệnh trong năm)”.

“Tôi đi tiếp xúc cử tri, các bác về hưu nói rằng đi khám chữa bệnh bằng BHYT mà không có tiền là rất mệt, y bác sĩ chích thuốc vào người cũng đau hơn. Thuốc kê cho người bệnh dùng thẻ BHYT cũng không nhiều... Tôi đề nghị làm rõ chuyện này có hay không, y đức trong khám chữa bệnh BHYT là thế nào?” - Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn lên tiếng.

Ông Sơn nói rất bức xúc khi trong thời đại ngày nay mà vẫn có chuyện xảy ra như “nhân bản” xét nghiệm ở Bệnh viện Hoài Đức, nó như một thứ tội ác mà “làm việc như vậy lẽ ra phải mang ra bắn chứ đừng có đùa”.

Cũng phản ảnh bức xúc của cử tri, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nêu: “Người ta nói bức xúc nhất là quy định chưa rõ về sử dụng quỹ BHYT, tuyến nào cũng muốn giữ bệnh nhân lại để thanh toán tiền. Báo chí nêu có trường hợp bệnh rất nặng, có trường hợp hai mẹ con chết ở bệnh viện tuyến huyện, nguyên nhân là do tuyến huyện không cho chuyển lên tuyến trên vì chuyển lên thì phải chuyển bảo hiểm. Chất lượng thì đúng như anh Sơn nói, có nhiều người nói thà không đưa thẻ BHYT ra còn tốt hơn, vì chìa cái thẻ ra bị tiêm còn đau hơn nữa”.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng đa số người tham gia BHYT chưa biết rõ quyền lợi và trách nhiệm của họ khi đến khám chữa bệnh tại bệnh viện, việc người bệnh có BHYT phải đóng thêm một số khoản chi ngoài quyền lợi hưởng BHYT hoặc phải lặp lại các xét nghiệm chẩn đoán khi chuyển tuyến điều trị vừa gây tốn kém và bức xúc cho bệnh nhân, vừa lãng phí quỹ BHYT.

Những hạn chế về y đức, thái độ phục vụ, tinh thần trách nhiệm và cách ứng xử của một số cán bộ, nhân viên y tế tại một số bệnh viện công đã làm giảm lòng tin của người bệnh, gia tăng bức xúc trong dư luận xã hội.

eK0dUXjT.jpgPhóng to
Chen chúc đăng ký khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế ở Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM) - Ảnh: H.T.Vân

Bộ trưởng Bộ Y tế: “Không nên kết luận bức tranh xám quá”

Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu: “Hiện nay quỹ BHYT kết dư khoảng 13.000 tỉ đồng. Con số này chưa chắc đã tốt, bởi nó liên quan đến việc chi trả cho người bệnh. Người có thẻ BHYT kêu là được cấp toàn thuốc vớ vẩn, đi bệnh viện rất cực. Phần lớn người có BHYT đến bệnh viện than vãn vì không được đối xử công bằng như những người có tiền, rồi chuyện chi trả chậm, bớt xén... Vậy khắc phục tình trạng này thế nào?”.

Trình bày quan điểm của mình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bộc bạch: “Những sự kiện xảy ra vừa rồi gây bức xúc thì một là có tham nhũng, tiêu cực, hai là đạo đức, lương tâm của y bác sĩ”.

Theo bà Tiến, BHYT là lĩnh vực đặc thù, ở ta lại quản lý rất chồng chéo, phức tạp. Bộ Y tế quản lý nhà nước nhưng không được quản lý tiền, chủ tịch quỹ là ở Bộ Tài chính, còn quỹ BHYT thuộc Bảo hiểm xã hội quản.

“Như vậy chúng tôi quản lý nhà nước về ngành, nhưng tiền cũng không có, quân cũng không có, quyền thì không đủ... Còn nhìn nhận bức tranh thế nào, tôi cho rằng chính sách an sinh xã hội của ta tốt hơn nhiều nước, vì vậy cũng không nên kết luận bức tranh xám quá” - bà Tiến nói.

Tăng hỗ trợ người nghèo

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Theo đó, dự luật quy định nguyên tắc thực hiện BHYT bắt buộc (thay vì tự nguyện như hiện nay). Bổ sung quy định mức hưởng BHYT theo thời gian tham gia bảo hiểm. Bổ sung quy định giảm dần mức đóng BHYT khi toàn bộ thành viên trong hộ gia đình tham gia BHYT...

Trả lời câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng là “sửa luật này có lợi gì cho dân?”, bà Tiến đáp: “Người dân có lợi hơn hẳn, trước hết là cho người nghèo, cận nghèo được hưởng mức cao hơn. Bổ sung quy định nâng mức hưởng của thân nhân người có công, người thuộc hộ cận nghèo từ 80% lên 95% và nâng mức hưởng của người thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội từ 95% lên 100%. Đối với bệnh hiểm nghèo còn được hỗ trợ cả tiền ăn, tiền đi lại”.

Để thực hiện chính sách này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh cho biết mỗi năm ngân sách sẽ phải chi thêm 8.000-10.000 tỉ đồng “nhưng Chính phủ nhận thức rằng đây là một chính sách an sinh rất có ý nghĩa”.

Về vấn đề BHYT bắt buộc, bà Tiến giải thích: “Trung Quốc và Thái Lan đều đã thực hiện như vậy. Nếu không bắt buộc chúng ta sẽ có lựa chọn ngược, tức chỉ người ốm yếu mới mua bảo hiểm, như vậy không đúng ý nghĩa của BHYT là sự chia sẻ rủi ro”.

Tuy ủng hộ quan điểm này nhưng nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn về tính khả thi. “Nói là bắt buộc nhưng rất khó bắt buộc, bởi không có chế tài gì với người không thực hiện. Dân người ta muốn đóng thì đóng mà không đóng cũng không làm gì được. Vì vậy tôi nghĩ dùng chính sách để khuyến khích tham gia BHYT thì phù hợp hơn” - bà Trương Thị Mai - chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội - bình luận.

Chích đau là vấn đề y đức

Trao đổi với Tuổi Trẻ sau phiên họp, một chuyên gia về BHYT cho rằng việc chích đau hay không là do vấn đề y đức. Theo chuyên gia này, bệnh viện quá tải, y đức của nhân viên y tế, lương thấp... là những vấn đề dẫn đến chuyện “chích đau”. Mà muốn cải tổ thì phải cải tổ toàn bộ như giảm tải bệnh viện, cải cách chế độ tiền lương và cải thiện y đức cho cán bộ y tế.

Từ đầu năm 2013, hàng chục lớp học về y đức đã được Bộ Y tế triển khai trong cả nước. Tuy nhiên, hình thức học rất cũ, chủ yếu một chiều, chưa quy định rõ các hình thức chế tài khi vi phạm về y đức nên hiệu quả chưa cải thiện được y đức nói chung. “Muốn nâng chất lượng dịch vụ y tế thì tiến tới phải tính đúng tính đủ giá dịch vụ, tạo cạnh tranh khi cung cấp dịch vụ y tế. Giá dịch vụ gồm bảy yếu tố cấu thành, nhưng hiện mới tính ba yếu tố. Năm 2012 đã điều chỉnh viện phí trên 400 dịch vụ, nhưng thời gian điều chỉnh giá mới được 5-6 tháng, hiệu quả cải thiện chất lượng còn phải chờ” - chuyên gia này cho hay.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên