19/12/2013 12:49 GMT+7

Thương vụ không tiêu hết tiền...

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Vai trò của thương vụ VN tại nước ngoài rất lớn, là cầu nối để đưa hàng VN tiếp cận các thị trường. Thế nhưng, tại hội nghị tham tán thương mại 2013, hàng loạt yếu kém đã được nêu ra, trong đó lộ cả việc các thương vụ tiêu không hết tiền, chưa bám sát thị trường...

17nTUpXt.jpgPhóng to
Các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị tham tán thương mại 2013 - Ảnh: C.V.Kình

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, ngoài một số thành tựu, hoạt động của các thương vụ còn không ít hạn chế. Cụ thể, không ít thương vụ chưa chủ động đổi mới phương thức hoạt động theo nhiệm vụ mới. Quan hệ của một số thương vụ với doanh nghiệp nước sở tại và doanh nghiệp trong nước chưa gắn kết, còn bị động.

Không tận dụng được ưu đãi

Đáng lưu ý, dù ở nước ngoài nhưng một số thương vụ cũng chưa nắm được đầy đủ những cơ hội, thách thức trong hội nhập, đặc biệt là tận dụng thành quả trong đàm phán để cung cấp cho doanh nghiệp kịp thời. Có rất nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp nhưng việc tận dụng của doanh nghiệp vẫn hạn chế. Số ít thương vụ xây dựng trang web, cập nhật thông tin.

Thậm chí, theo báo cáo của Bộ Công thương, dù có “kinh phí đặc thù” riêng ngoài kinh phí chi thường xuyên nhưng năm 2012, các thương vụ cũng... tiêu không hết tiền vì nhiều lý do. Cụ thể, nếu năm 2012 kinh phí đặc thù (dùng tổ chức hội thảo, diễn đàn kết nối doanh nghiệp, kiểm tra xác minh thông tin theo yêu cầu từ trong nước...) được cấp lên đến 10 tỉ đồng nhưng số ngân sách được sử dụng chỉ ở mức 6,95 tỉ đồng.

Trong văn bản góp ý từ các hiệp hội, doanh nghiệp về hoạt động của các thương vụ gửi Bộ Công thương, các hiệp hội Thép, Cà phê cacao, Chế biến xuất khẩu thủy sản... và 33 sở công thương các tỉnh thành đã thẳng thắn nêu những tồn tại của thương vụ, như: một số trường hợp thông tin từ thương vụ bó gọn phạm vi hẹp, không kịp thời, không thường xuyên. Tính năng động, tích cực trong phối hợp của một số thương vụ chưa cao.

Phải “lăn lộn” với công việc

Phát biểu chỉ đạo, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng trong các nhiệm vụ của thương vụ như làm sao để mở thị trường, xúc tiến thương mại, làm cầu nối cho doanh nghiệp... chắc chắn có vấn đề phải làm tốt hơn. Với 122 cán bộ là tham tán, tùy viên... ở nước ngoài, theo Phó thủ tướng, so với 133 tỉ USD xuất khẩu năm 2013 của VN thì rất nhỏ. Nhưng so biên chế hơn 600 công chức của Bộ Công thương, rồi so chi phí cho một cán bộ ở trong nước thì chi phí cho một cán bộ ở nước ngoài không nhỏ... Ông Vũ Đức Đam cũng thẳng thắn: “Phải nhìn nghiêm túc, trong 133 tỉ USD xuất khẩu, có bao nhiêu trong đấy anh em không phải làm gì cả. Samsung, Intel đâu cần xúc tiến của mình?”. Tiếp tục hỏi có bao nhiêu thứ có thể làm được mà đã làm không tốt? Ông Đam nêu: Có cái đau xót, như cá da trơn, gần như chỉ VN làm thôi, tại sao để khó? Xuất khẩu lúa gạo cũng không qua thương vụ...

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam “đặt hàng” các cán bộ thương vụ phải là nhà tư vấn chính sách cho Chính phủ, trước hết là Bộ Công thương. Vừa hiểu tình hình trong nước, vừa đang ở nước ngoài, cán bộ thương vụ có thể đóng góp cách nhìn và tư vấn cả vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, hay tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Trước những cái khó của thương vụ Bộ Công thương nêu, Phó thủ tướng yêu cầu các bộ cần phối hợp để cán bộ ở nước ngoài làm việc tốt. Nếu không, ông Vũ Đức Đam cho rằng “đau” không chỉ ở thiệt hại kinh tế, mà là khả năng thiệt hại của sản phẩm, mà đằng sau là chục triệu nông dân. Cần có cơ chế để anh em làm tốt công việc. Phó thủ tướng tâm sự: “Phải đưa đất nước mình đi lên, không thể nói chúng ta giỏi mà chúng ta cứ nghèo hơn người ta được”.

Doanh nghiệp, tham tán chưa “gặp” nhau

Tại buổi đối thoại giữa các tham tán với doanh nghiệp tại Bộ Công thương ngày 18-12, phát biểu của doanh nghiệp và tham tán, đáng lạ, là không “gặp” nhau. Nhiều ý kiến doanh nghiệp chỉ kiến nghị vấn đề thuế, thủ tục xin giấy chứng nhận xuất xứ, không liên quan nhiều đến thương vụ. Chỉ có một vài ý kiến liên quan thì doanh nghiệp và thương vụ lại “vênh” nhau. Như bà Lê Thị Thu Hằng từ Công ty TNHH thương mại và đầu tư Minh Hằng (chuyên về xuất nhập khẩu trái cây) cho biết công ty của bà rất cần thương vụ hỗ trợ ở khâu xác minh tư cách pháp lý của các đối tác làm ăn ở nước ngoài. “Riêng thông tin này thì chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm” - bà Hằng nói.

Tuy nhiên khi phát biểu, ông Nguyễn Ngọc Hải - tham tán thương mại tại Iran - cho rằng thời đại hiện nay mà doanh nghiệp kêu thiếu thông tin là không thể chấp nhận được. Với sự tồn tại của các phòng xúc tiến thương mại địa phương, các hiệp hội... ông cho rằng việc cung cấp thông tin cho doanh nghiệp là hoàn toàn có thể thực hiện được nếu có sự quan hệ, trao đổi chặt chẽ giữa các cơ quan xúc tiến thương mại trong nước và thương vụ ở nước ngoài.

Hương Giang

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên