Cứ như vậy, mỗi năm trôi qua, vị Tết Hà Nội lại thêm một chút đậm đà hơn trong lòng, kể cả với những người trẻ Hà thành.
Tấp nập từ những con phố sắm Tết Hà Nội
Thời tiết se lạnh. Khắp mọi góc phố đều ngập tràn sắc xuân. Người Hà Nội rủ nhau đi mua sắm chuẩn bị đón Tết. Con phố nào cũng rộn ràng, đặc biệt là những dãy phố chuyên bán các mặt hàng phục vụ Tết.
Góc Hàng Mã bày bán rất nhiều món đồ trang trí nhà cửa như giấy đỏ dán tường, bao lì xì, đèn nhấp nháy và nhiều dây phụ kiện để treo quanh cành đào, cây quất.
Tết Hà Nội, góc Hàng Lược lại rực rỡ với từng chùm hoa giả um tùm đủ màu sắc. Ở đây cũng có một khu chợ bày bán nhiều đồ trang trí nhà bằng sành sứ, đồng, nhôm giả cổ thích hợp với những căn nhà theo phong cách cổ kính được rất nhiều người ghé thăm.
Dọc Hàng Ngang, Hàng Đào, quần áo, trang sức, tóc giả thu hút chị em vào sắm sửa một bộ cánh đẹp du xuân.
Muốn mua bánh mứt, trầu cau, trà, cà phê,... người ta nghĩ ngay đến dốc Hàng Than hoặc dọc Hàng Buồm. Muốn mâm cỗ đủ đầy các món chuẩn vị Bắc, người dân Hà thành đến thẳng siêu chợ Hàng Bè có đủ nem rán, bánh chưng, củ hành muối, giò thủ cho đến những niêu cá kho trứ danh.
Đào, quất, lay ơn, đồng tiền... được bày bán dọc các vỉa hè hoặc các xe đi rong. Chợ Tết đông đúc. Dọc các phố cổ ở trung tâm những ngày này tuyệt nhất vẫn là đi bộ ngắm cảnh, mua sắm, thưởng thức sự tấp nập, vẫn thích thú hơn là đi xe máy hoặc ô tô, vì chỉ có thể nhích từng chút một giữa những dòng người.
Tết Hà Nội rộn ràng đến từng khu chợ dân sinh
Các bà, các mẹ, các cô một ngày đi chợ vài lần, tay xách nách mang, tíu tít hơn mọi khi. Họ hỏi nhau đã mua sắm những gì rồi, đã có gà, bánh chưng, miến, giò, măng..., đã cắm lọ hoa nào chưa, cành đào kia nhiều nụ quá giá bao nhiêu tiền?
Cả ngõ gặp nhau trong chợ nhưng cảm giác vui hơn ngày thường. Đến tận chiều 30 Tết, nhiều người vẫn vội vàng tạt vào chợ mua thêm một vài món còn thiếu, rồi vãn dần chợ chiều.
Đợi chờ khoảnh khắc giao thừa
Đêm 30, đường phố vắng tanh, ai về nhà nấy, chờ đợi thời khắc giao thừa linh thiêng để xuất hành đầu xuân.
Nhà nhà cùng nhau ăn bữa cơm cuối năm, bày biện bàn cúng giao thừa, chuẩn bị bài văn khấn rồi quây quần ngồi xem Táo quân như một điều gì đó phải là như vậy. Người lớn thì đi ra đi vào trong nhà xem còn gì chưa chuẩn chỉnh.
Những người trẻ, gia đình trẻ đưa con cái hướng về mạn trung tâm - hồ Hoàn Kiếm, đi dạo, nghe nhạc ở sân khấu ngoài trời và tận hưởng màn pháo hoa mãn nhãn ở đầu cầu Hà Nội trong tiếng hò reo của mọi người xung quanh.
Lúc này, bạn có thể bắt gặp nhiều gia đình đang thắp hương giao thừa. Nhiều nhà đang nâng ly chúc mừng năm mới. Một số người mua cành hoa, cây mía tượng trưng lộc xuân, hí hửng chạy nhanh về nhà xông đất. Và cũng có những gia đình lên bộ áo dài nhung gấm, cùng nhau đi chùa cầu an ngay trong rạng sáng mồng một.
Cùng nhau đi chúc Tết họ hàng
Ngay cả khi chiều 30 vừa ăn tất niên thì sáng mồng một gặp lại nhau vẫn có cảm giác tươi mới đến kỳ lạ.
Với những gia đình nhiều thế hệ, sáng mồng một thường để ưu tiên đi chúc Tết các bậc cao niên. Con cháu sẽ đi đến từng nhà các ông, các bà, các bác chúc Tết. Thông gia hai bên đến thăm nhau. Học trò đến thăm thầy cô, rồi tiện thể họp lớp. Đồng nghiệp đến chúc Tết, rồi cỗ bàn ăn uống, trò chuyện rôm rả.
Người ta cứ bảo trong năm gặp nhau chán rồi sao cứ Tết gặp lại vẫn thấy mới, thấy vui và phấn khởi khác ngày thường. Thế mới là Tết, mới cho ta cái cảm giác mọi điều đều mới mẻ, vui vẻ và khoan khoái như vậy.
Dạo phố, du xuân, lễ chùa
Trên phố, người ta rủ nhau đi chụp ảnh, tận hưởng không khí xuân về trên từng mái ngói xô nghiêng, từng tán cây, ngọn cỏ và thời tiết se se. Năm nay, áo dài lên ngôi. Hẳn là người ta sẽ đi chụp ảnh nhộn nhịp hơn những năm trước.
Có bộ ảnh khoe xuân, mạng xã hội cũng từ đó mà tưng bừng, rực rỡ hơn nhiều. Việc chia sẻ những khoảnh khắc đẹp trong dịp Tết với người thân, bạn bè ở phương xa thông qua mạng xã hội cũng là cách để kết nối với nhau và rút gần khoảng cách nhớ nhung với những ai chưa thể đoàn tụ trong những ngày đặc biệt như vậy.
Còn ở địa phương của bạn, Tết đến, mọi người thường làm gì? Hãy cùng chia sẻ không khí xuân ở khắp cả nước nhé.
Ảnh: MINH HUYỀN
Cuộc thi "Khoảnh khắc Tết của tôi"
Cuộc thi Khoảnh khắc Tết của tôi là dịp để bạn đọc giới thiệu những khoảnh khắc đẹp, những trải nghiệm khó quên nhất trong dịp Tết cùng người thân, bạn bè.
Mỗi bài viết tối đa 1.000 chữ bằng tiếng Việt, khuyến khích kèm theo ảnh, chùm ảnh hoặc video.
Bài dự thi chia sẻ lại những điểm dừng chân lý tưởng, vùng đất độc đáo. Qua câu chuyện bạn kể, bạn sẽ giúp nhiều người có cơ hội được biết đến những vùng đất mới, những địa điểm không nên bỏ lỡ khi du xuân.
Đó có thể là bài viết ghi lại những khoảnh khắc bạn bè, người thân sum họp, ăn Tết và vui chơi cùng nhau.
Đó là những ghi chép, kể lại về những trải nghiệm cá nhân từ chuyến đi, chuyến công tác xa nhà trong những ngày Tết mà bạn từng trải qua.
Bài thi ảnh làm nổi bật vẻ đẹp của danh thắng, địa điểm hay vùng đất mà bạn đã tới. Đây là dịp để kể lại những sắc màu rực rỡ và khung cảnh đẹp của Việt Nam hoặc các quốc gia mà bạn đến.
Từ 25-1 đến hết 24-2, bạn đọc có thể gửi bài dự thi về địa chỉ khoanhkhactet@tuoitre.com.vn.
Lễ trao giải và tổng kết dự kiến diễn ra vào tháng 3-2024. Cơ cấu giải thưởng bao gồm 1 giải nhất (15 triệu đồng tiền mặt và quà tặng), 2 giải nhì (7 triệu đồng và quà tặng), 3 giải ba (5 triệu đồng và quà tặng).
Chương trình có sự đồng hành của HDBank.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận