03/01/2021 14:21 GMT+7

Thương những người đã từng ghé đến trần gian

PHẠM HẢI MIÊN
PHẠM HẢI MIÊN

TTO - Chưa đầy năm, 'người mẹ' trẻ đã an ủi 140 'đứa con' - những thai nhi mà nếu không có tình thương của chị chắc là cô quạnh lắm.

Thương những người đã từng ghé đến trần gian - Ảnh 1.

Thắp nhang, dọn dẹp nơi an nghỉ cho “các con” là một phần công việc của “người mẹ” trẻ bên cạnh việc sẵn sàng lên đường đón nhận thêm những người đã từng ghé đến trần gian - Ảnh: PHẠM HẢI MIÊN

Có những đứa con chỉ mới là giọt máu, có đứa đã đứt lìa tay chân. Dẫu đã có nhiều người làm công việc nhận và chôn thi thể thai nhi nhưng dường như chưa đủ. Công việc này đâu phải ai cũng có thể làm được nếu chưa đủ tình thương... "Người mẹ" trẻ Lê Thị Hương Giang (28 tuổi, thôn Hạnh Trí, xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) có thể xem như ở số ít những người trẻ tuổi đã có đủ tình thương ấy.

Nghĩa cử đẹp thấu trái tim yêu thương

Một ngày mưa bay trái mùa cuối năm, chúng tôi ghé thăm nghĩa trang thôn Hạnh Trí, nơi mà báo Tuổi Trẻ từng đưa tin về đôi vợ chồng mù sống bên góc nghĩa trang. 140 ngôi mộ nhỏ xinh như nhau với những hộp sữa nhỏ đặt cạnh bình hoa trên tấm bia ghi mã số và tên thánh của từng em. 

Nhang đã thôi đỏ lửa, hương đã dừng tỏa bay vì những hạt mưa. Không khí trầm mặc nhưng đâu đó, có lẽ những sinh linh buồn đang mỉm cười vì các em đã được an nghỉ một cách tử tế.

May mắn chúng tôi gặp Giang khi chị vừa đi phát quà Giáng sinh cho những người đồng bào Raglai trở về. Tuy đã thấm mệt nhưng chị nói nếu ngay lúc ấy có người điện thoại, chị sẽ lên đường ngay để tiếp tục nhận về những sinh linh cần được ủi an.

Mấy năm về trước, trong một lần tình cờ lướt Facebook, chị Giang bị đánh động bởi công việc chôn thi thể thai nhi của vị linh mục tên Tịch tại Đồng Nai. Như chạm thấu trái tim thương cảm, chị Giang giữ trong lòng ý định cũng phải làm công việc ý nghĩa này.

Như một cơ duyên, ngay khi ý định nung nấu thành hành động, chị nghe tin giáo xứ chuẩn bị quy hoạch lại khoảng đất trống của nghĩa trang. Chị mạnh dạn trình bày ưu tư cùng cha xứ. Cha xứ đồng thuận. Thế rồi thai nhi đầu tiên được chị chôn cất tử tế vào tháng 2-2020.

Khoảng thời gian đầu, chị gặp rất nhiều khó khăn. Từ phương tiện đi lại, kinh phí, từ những người cộng tác hay những lời ra tiếng vào. Những ngày đầu bắt tay làm việc lại trúng ngay thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát phải giãn cách xã hội, ưu tư như chất chồng thêm. 

Thế nhưng, những khó khăn ấy không đánh gục được ý chí và lòng yêu thương các con của chị. Lần nào cũng vậy, nhận được tin báo hay điện thoại, chị đều vội vàng đến những bệnh viện, nhà hộ sinh hay có khi là những thùng rác, gốc cây... để đưa các con về chôn cất, để linh hồn các con vơi đi sự lạnh lẽo, cô quạnh.

Thương những người đã từng ghé đến trần gian - Ảnh 2.

Gần 1 năm, 140 “đứa con” đã được an nghỉ trong tình thương của “người mẹ” trẻ - Ảnh: PHẠM HẢI MIÊN

Mối dây gắn kết lạ lùng

Trong những người con đã yên nghỉ nơi phần đất của nghĩa trang này, chị Giang dường như bị ám ảnh với sinh linh mã số 054. Trước ngày chị lên Đức Trọng (Lâm Đồng) để nhận con, chị kể chính chị đã gặp một giấc mơ lạ. Trong giấc mơ ấy, chị thấy mình phải lo hậu sự cho một sinh linh đã lớn và thành hình với khuôn mặt như thiên thần.

Quả thật như thế, hôm đến nhận xác con, người mẹ ở Đức Trọng đớn đau gửi trao đứa con yêu dấu vừa bị sẩy thai. Người mẹ ấy có nỗi niềm riêng, chị không phải là người dân địa phương nên không thể chôn cất con mình tử tế. Sau lần gặp gỡ đó, người mẹ trẻ cũng giữ liên lạc với chị Giang để khi có dịp cô sẽ về Ninh Thuận thăm con.

Ngày hôm đó, từ Lâm Đồng chị trở về Ninh Thuận đúng 12 giờ đêm. Khi mở thùng xốp, chị ngỡ ngàng và đã rơi nước mắt khi khuôn mặt thiên thần trong giấc mơ nay không còn vì con đã mất được vài hôm. Cơ thể con đã lớn, đã thành hình, những chiếc áo quan sẵn có không thể giúp con yên nghỉ thoải mái nên chị phải gõ cửa các trại hòm trong xã lúc nửa đêm để có thể mua áo quan lớn hơn.

Dưới cơn mưa trái mùa lất phất, Giang nói mới hôm qua có hai bé không nhìn thấy ánh sáng mặt trời, chị vừa xây xong nấm mộ thì trời mưa, không thì các con sẽ lạnh lắm. Tất cả những chi tiết, câu chuyện xung quanh mỗi sinh linh được Giang ghi vào sổ tay, cất giữ cho riêng mình.

Những ngày đầu, chỉ có gia đình hiểu và chia sẻ với công việc của chị. Rồi có thêm một đôi vợ chồng cộng tác. Buổi ban sơ dường như cô đơn với công việc ấy, chị tự nhủ với bản thân mình đang làm một việc tốt, làm bằng con tim nên chỉ quan tâm đến những ai cùng rung động trước việc đã có một con người ghé đến trần gian dù chỉ là trong phút chốc. 

Chị tin các con sẽ cầu nguyện cho công việc của chị và mừng thay, mọi việc chị làm vẫn ổn định cho đến tận bây giờ.

Trong khoảng thời gian đến ngày hôm nay, lại có thêm nhiều người cùng chung tay. Một khoản tiền nho nhỏ, một vài tấm khăn liệm hay những chiếc áo quan, bông hoa, hộp sữa… được họ gửi về từ nhiều nơi. 

Tất cả đều mong muốn các sinh linh xấu số được chôn cất tươm tất như bao người đã khuất. Mọi thứ đều được công khai minh bạch, các khoản chi tiêu đều được chị đăng tải rõ ràng và cụ thể trên Facebook cá nhân.

"Bạn" không về, mong "các con" gìn giữ

Mỗi buổi chiều hằng ngày, chị Giang đều đến nghĩa trang lo nhang khói, nhổ cỏ dọn dẹp và tâm sự với các con. Có những ngày lỡ hẹn, dù đã đến nơi nhưng không nhận được thêm một sinh linh bé bỏng mang về, chị chỉ biết tâm sự cùng các con đang yên nghỉ xung quanh. Chị mong các con lắng nghe và gìn giữ "người bạn" của các con vậy.

Mong những mã số không còn tăng lên

Càng dấn thân với công việc này, chị Giang cho biết đã nghĩ đến một điều gì đó lâu bền như ở một vài nơi đã xây dựng được ngôi nhà nhỏ để cưu mang những người mẹ trẻ lỡ lầm. Thực hiện được điều này, các thai nhi sẽ được chào đời, sẽ bớt đi những dằn vặt, cắn rứt từ chính những người mẹ ấy.

Một ngày trôi qua mà không nhận được cuộc điện thoại hay tin nhắn nào về việc đi nhận các con, chị Giang nói chị cảm thấy vui buồn lẫn lộn. Vui vì có thể không có sinh linh nào bị bỏ rơi, nhưng buồn vì lỡ có sự bỏ rơi rồi mà chị không được biết...

Ai rồi cũng phải về với lòng đất như các con, nhưng được chôn cất tử tế đâu phải bào thai nào cũng được may mắn. Như những người đã làm công việc này trước chị, Giang nói ước mong lớn hơn tất cả là những mã số tại các nghĩa trang thai nhi sẽ không còn tăng lên.

Người đàn ông cầm 4 sổ đất vay tiền làm nghĩa trang cho thai nhi Người đàn ông cầm 4 sổ đất vay tiền làm nghĩa trang cho thai nhi

TTO - Một người nông dân giấu vợ, đem cầm bốn sổ đất để mua mảnh đất làm nghĩa trang chôn thai nhi. Không chỉ vậy, ông còn thuyết phục nhiều cô gái giữ lại sinh linh trong bụng.

PHẠM HẢI MIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên