29/04/2019 07:12 GMT+7

Người đàn ông cầm 4 sổ đất vay tiền làm nghĩa trang cho thai nhi

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Một người nông dân giấu vợ, đem cầm bốn sổ đất để mua mảnh đất làm nghĩa trang chôn thai nhi. Không chỉ vậy, ông còn thuyết phục nhiều cô gái giữ lại sinh linh trong bụng.

Người đàn ông cầm 4 sổ đất vay tiền làm nghĩa trang cho thai nhi  - Ảnh 1.

Ông Trần Ngọc Hùng, người đã mang 4 sổ đất đi cầm để mua đất làm nghĩa trang cho thai nhi - Ảnh: MY LĂNG

Người nông dân ấy tên Trần Ngọc Hùng, 63 tuổi, ở xã Lộc Thanh, thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng).

Để các em không chết lần thứ hai

Ông Hùng cho biết sáng nay vừa chôn một em - cách mà ông dùng để gọi thay cho từ "thai nhi". "Em nhỏ lắm, chỉ là cục máu tròn vo" - ông Hùng rầu rầu nói. 

Dẫn phóng viên đến một ngôi mộ thấp ngang mặt đất, ông Hùng ngồi xuống, bùi ngùi: "Đây là em đầu tiên chúng tôi chôn, ngày 19-1-2009. Đến giờ đã hơn 10.000 em. Những em nhỏ thì để trong hộp nhựa. Em lớn thì đóng quan tài. Nghĩa trang có gần 400 em lớn".

Người đàn ông hơn 60 tuổi lặng đi. Một hồi lâu, ông xúc động bảo: "Lần nào mang các em về, chúng tôi cũng đau lòng lắm. Các em lớn, gần 2kg mà vẫn bị bỏ đi. Các em nhỏ thì chỉ còn là những mảnh vụn. Chúng tôi phải cố hình dung ra các bộ phận cơ thể để sắp xếp lại hình hài rồi mới chôn cất. Mình cứ hình dung ra một đứa bé đang bò, đang cười, giờ bị cắt nát ra thành từng khúc, đau lòng lắm...".

Hơn 10 năm mang các thai nhi về chôn cất, ông Hùng không thể quên một buổi sáng cách đây khoảng 8 năm, ông ôm 5 sinh linh vô tội, em nào cũng nặng hơn 1kg về nghĩa trang. "Một em người ta vứt ở công viên, tôi bế trên tay về. Đi đến bãi rác thì người ta gọi phải vòng trở lại, nhặt được một em nữa, cũng hơn 1 ký. Về đến Suối Đỏ lại có người gọi, có một em nữa. Về gần nghĩa trang thì nghe điện thoại nữa, thêm hai em. Hết chỗ treo, tôi phải treo vào móc. 

Tôi khóc từ trên đường về. Về đến nghĩa trang đặt 5 cái quan tài nhỏ sát nhau, nước mắt cứ chảy. Đó là một buổi sáng không thể quên của cuộc đời tôi" - ông Hùng kể, đôi mắt người đàn ông ngập nước, đỏ hoe.

Ngừng một hồi vì xúc động, người đàn ông có trái tim nhân hậu chia sẻ: "Cha mẹ bỏ các em mà mình được mang về chôn cất, thì phải coi như con cháu của mình mới có tinh thần chăm sóc cho chúng nó được".

Người đàn ông cầm 4 sổ đất vay tiền làm nghĩa trang cho thai nhi  - Ảnh 2.

Ông Trần Ngọc Hùng (trái) và ông Trần Văn Hy - hai người nông dân nhiều năm nay mang các thai nhi về chôn và chăm sóc mộ phần - Ảnh: MY LĂNG

Cơ duyên nào khiến người nông dân ấy không màng đến việc mưu sinh để lo cho những thai nhi đã bị cha mẹ chúng từ bỏ? "Trong lần đi từ thiện, trên đường về đến xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh tôi thấy một đám đông nên tò mò đứng lại xem thì thấy một thai nhi bị chó ăn hết một bên chân! Người dân bảo đứa bé bị vứt vào thùng rác. 

Tôi thương quá, ước mình có mảnh đất chôn cất các em, để các em không bị vứt vào thùng rác, không phải chết hai lần thương tâm như thế" - ông Hùng nói.

Mấy ngày sau, biết có người bán mảnh đất 4.000m2 cách mặt tiền đường chỉ 100m, không có một đồng trong tay, ông Hùng gặp sáu người bạn, trong đó có ông Trần Văn Hy (64 tuổi, sau này cũng là người đồng hành với ông) xin mỗi người 5 triệu đồng. Các soeur Hội Dòng Mến thánh giá Đà Lạt giúp 20 triệu nữa. Được 50 triệu đồng, ông Hùng vội vàng đi đặt cọc và xin chủ đất cho trả 400 triệu còn lại trong một năm.

Chỉ sau 6 tháng đã có 800 thai nhi được ông Hùng và những người bạn đưa về đây chôn cất. Đến thời điểm đó, chủ đất bất ngờ đòi trả ngay 400 triệu đồng!

"Không có tiền, ông ấy lén giấu vợ, giấu mẹ mang bốn cuốn sổ đất đi cầm! Mẹ ông ấy biết, khóc, kể cho nhiều người. Những người khác biết chuyện, đến gặp hỏi ông ấy cầm sổ ở đâu, rồi họ mang tiền đi chuộc sổ về và gom tiền trả hết cho chủ đất" - ông Trần Văn Hy cho biết.

Nhắc lại chuyện này, ông Hùng bảo: "Tôi nói với mẹ tôi: Con từng bị trắng tay nhưng trời ban cho con làm ăn lại có. Giờ kẹt quá, coi như mình mất vài tấn cà phê, cũng không nghèo đi".

Thời gian đầu nhiều người chưa biết, ông Hùng và ông Hy đến các phòng khám tư dặn bác sĩ, đến các bãi rác dặn người nhặt rác và để lại số điện thoại. Nửa đêm hay gần sáng, cứ có người gọi là đi. 

"Thời gian đầu rất khó khăn. Nhiều khi không có tiền mà gần hết xăng, chúng tôi cũng không quan tâm, cứ lo đi lấy các em về được đã. Chúng tôi đi xin từng ký ximăng. Những người xây nhà dư gạch, cát, ximăng cho 1-2 bao, 1-2m3 cát... Chúng tôi xin cả những người buôn bán ở chợ cho tiền mua quan tài, xây mộ cho những em lớn" - ông Hùng nói.

Ông Hùng cho biết nhóm của ông có sáu người, chăm sóc ba nghĩa trang: hai nghĩa trang thai nhi và một nghĩa trang chôn người vô thừa nhận. Riêng nghĩa trang này do ông và ông Hy, gần đây có thêm ông Trần Bình Trọng chăm sóc.

Những người như các ông ấy thật là hiếm. Phải có lòng hi sinh lắm mới làm được. Tôi rất cảm phục.

Ông NGUYỄN MẠNH HÙNG (trưởng thôn Thanh Xuân 1)


Nếu bỏ con sẽ bị ám ảnh cả cuộc đời

Ông Hùng nói điều ông mừng nhất là đã cứu được 400 đứa trẻ không phải nằm ở nghĩa địa. Ông đã nhiều lần chở những cô gái bằng tuổi cháu mình, con mình đến bệnh viện khi họ đau đẻ. Ông nhận những cô gái ấy là con dâu, con gái, là cháu... để họ không xấu hổ, bối rối. Ông từng bốn lần đỡ đẻ ngay trên đường đến bệnh viện.

Hiện tại ở mái ấm Tín Thác của Hội Dòng Mến thánh giá Đà Lạt có hơn 70 đứa trẻ, trong đó khoảng 50 bé đang đi học. Thời gian đầu, khi mái ấm chưa có nhiều người biết đến, để phụ các soeur nuôi những đứa trẻ ấy, ông và những người bạn của mình ra chợ xin từng trái cà chua, mớ rau... mang về nấu ăn cho bọn trẻ.

Thu nhập của gia đình ông Hùng từ việc làm vườn, trang trải cuộc sống ổn định. Nhiều năm nay, ông bàn với vợ thuê thêm người làm vườn để ông có nhiều thời gian lo cho bọn trẻ và chăm sóc nghĩa trang.

Hơn 10 năm nay, ông Hùng nhận được nhiều cuộc gọi của các bác sĩ ở phòng khám tư nhờ ông đến khuyên nhủ những trường hợp thai đã quá lớn. 

"Có khi tôi ra, có cô đã cầm xe để lấy tiền phá thai! Tôi luôn nhấn mạnh: Người đời cười cháu chỉ cười một lần thôi. Nhưng nếu cháu bỏ con mình, cháu sẽ bị ám ảnh cả cuộc đời. 

Tôi thuyết phục các cô ấy giữ lại con, đưa về để các soeur chăm đến ngày sinh. Những cô gái trẻ bị đàn ông lừa gạt thì mình còn có thể thuyết phục. Nhưng những người trên 40 tuổi bị vỡ kế hoạch thì rất khó, không thể cứu các con được" - ông Hùng cho hay.

Ông chiêm nghiệm: "Trách người con gái 1, thì trách người đàn ông 10. Vì đa số đều là những cô gái trẻ bị đàn ông lừa gạt. Đàn ông đã có vợ mà dối gạt con gái người ta". 

Ông Nguyễn Thái Hoàn (phó chủ tịch xã Lộc Thanh) cho biết: "Nhiều năm nay các ông ấy ngày đêm thầm lặng, hi sinh tất cả tiền bạc, thời gian, sức khỏe... để làm việc này. Đây là việc làm rất đáng quý, đáng trân trọng".

Ông Nguyễn Mạnh Hùng (trưởng thôn Thanh Xuân 1) nói: "Không có các ông ấy, nhiều sinh linh bị vứt như rác vậy". Một bác sĩ ở TP.HCM cho biết: "Tại các bệnh viện lớn, thai nhi lớn được vào các tĩnh, những thai nhỏ thì được phân loại, để trong bao rác thải y tế riêng và được xử lý theo quy trình xử lý rác thải y tế. Tuy nhiên vẫn có nhiều nơi làm "bậy", vứt rác thải y tế lung tung".

Hơn 10 năm nay, những người đàn ông U70 này đã chứng kiến không ít người mẹ tìm đến nghĩa trang này, khóc vì ân hận và gửi lời xin lỗi đến đứa con mà mình đã tước đi cơ hội làm người của nó. Lời xin lỗi muộn màng chua xót gửi đi trong gió cũng chẳng thể lấy lại sự sống cho sinh linh vô tội đã nằm dưới đất...

Để lại di chúc cho những đứa trẻ

Ông Hùng bất ngờ chia sẻ ông đã viết di chúc để lại mảnh đất 4.000m2 ngay mặt tiền đường dành cho những đứa trẻ mà ông cứu được ở mái ấm Tín Thác.

"Khi không có tôi thì tụi nhỏ vẫn kiếm tiền nuôi nhau được, có cuộc sống ổn định. Đất ngay mặt tiền đường, tụi nhỏ chia thành nhiều gian hàng làm kiôt bán điện thoại, tiệm uốn tóc... tự nuôi bản thân" - ông Hùng nói.

Rồi ông dặn các bạn nhỏ mái ấm phải có trách nhiệm tiếp nối việc làm của ông. "Để khi tôi không còn thì vẫn có người tiếp nối công việc này. Tôi đã tập cho thằng con cả đi lấy rau, lấy củ cho các em ở mái ấm" - ông Hùng nói, mắt rưng rưng...

Nghĩa trang hài nhi Nghĩa trang hài nhi

TT - Ở thành phố biển Nha Trang có một nghĩa trang do một nhóm thiện nguyện lập ra để chôn cất các thai nhi xấu số bị tước quyền làm người. Các em phần lớn được nhặt ở các bệnh viện và phòng khám tư... Không phân biệt tôn giáo, các em được chôn cất theo đúng phẩm giá làm người.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên