02/08/2016 10:20 GMT+7

Thương Ngôi nhà mơ ước

TRẦN THỊ MINH HUYỀN
TRẦN THỊ MINH HUYỀN

TTO - Buổi tối mưa, fanpage của chương trình Ngôi nhà mơ ước (HTV) viết dòng thông báo cho khán giả:

Một cảnh quay của chương trình Ngôi nhà mơ ước tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh: T.M.H.
Một cảnh quay của chương trình Ngôi nhà mơ ước tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh: T.M.H.

“Kính gửi khán giả yêu thương của Ngôi nhà mơ ước

Trong tuần qua, Ngôi nhà mơ ước đã nhận được rất nhiều lời nhắn từ khán giả hỏi về chương trình Ngôi nhà mơ ước không còn phát sóng vào tối thứ bảy như mọi khi? Và chương trình cũng tiếc nuối thông báo: Ngôi nhà mơ ước đã dừng phát sóng từ thứ bảy vừa rồi... Hành trình của Ngôi nhà mơ ước không thể tiếp tục cùng quý vị đến với những mảnh đất, những mảnh đời...

Xin cảm ơn khán giả đã thương chương trình gần 11 năm nay...” (25-7-2016).

Dòng thông báo đưa lên nhận lại nhiều chia sẻ, lộ diện nhiều khán giả âm thầm của chương trình: “Tôi đọc những dòng tâm sự mà nước mắt rưng rưng và nếu có một điều ước, chỉ xin Ngôi nhà mơ ước được tiếp tục”,“Rồi đây tối thứ bảy không còn được ngồi cùng gia đình xem Ngôi nhà mơ ước, không còn được nghe giọng nói thân quen ấm áp như đi sâu vào lòng người. Rồi đây những mảnh đời cần bàn tay giúp đỡ của Ngôi nhà mơ ước sẽ ra sao?”, “Một chương trình thật là nhân văn mà ngưng hoạt động như vậy thì thật đáng buồn! Buồn vì ngoài kia còn rất nhiều mảnh đời bất hạnh”, “Thật tiếc, vì còn quá nhiều người cần Ngôi nhà mơ ước”, “Đừng dừng lại, xin đừng dừng lại Ngôi nhà mơ ước ơi”…

Ai cũng hiểu rằng chương trình truyền hình luôn phải có nhiều khán giả và cần nguồn kinh phí lớn để sinh tồn nên dẫu có kịch bản nhân văn, người dẫn chuyện sâu sắc, những góc quay cần cù đêm ngày, những đời người được yêu thương, tất cả vẫn không kháng cự nổi những cuộc đổi thay của thời cuộc truyền hình và thị hiếu mới. Hành trình của chương trình đã phải dừng chân sau 551 tuần phát sóng.

Còn nhớ, Ngôi nhà mơ ước là chương trình tiên phong đưa nghệ sĩ nổi tiếng đến với người dân, đưa câu chuyện truyền hình bằng xương thịt đến người dân, họ thụ hưởng và tham gia là nhân vật chính của truyền hình...

Họ là ai? Là những người lính kháng chiến giờ khum lưng, dầm mưa trong vườn đu đủ. Họ là người đàn bà ven sông có ngón tay ươn lở vì mủ rau dại mà mỗi khuya đi mót về bán. Họ là những người đàn ông miền Tây Nam bộ găm trong người gốc sốt rét rừng từ chiến trường Campuchia... Họ là những người bị tâm thần, hoặc lụi tàn với một cơ thể đang yếu dần trong cơn suy thận, suy tim. Hễ loài người có bi kịch gì thì những lao động nghèo, những đồng bào bé nhỏ và thiệt thòi ấy mang theo bi kịch đó.

Ai cũng nhìn rõ mưu sinh của họ. Họ sống lụm bạc cắc, rị níu vào cọng kèo nèo, đầu cá cơm, lục bình trôi sông, những bụp dừa nước, những cặn mủ cao su, những con cá sặt ít ỏi, những hột muối xát rát bàn chân... Họ ăn miếng cháo lõng bõng nấu bằng cơm khô mốc đỏ, húp nước cơm, ăn lá mì chấm muối ớt, lục bình luộc, nước mắm kho...

Và họ sống trong những mái nhà rách nhất, dột nhất. Lồ ô cũng rách, tôn cũng rách, dừa nước cũng rách, lá tranh cũng rách, mành trúc cũng rách, gỗ cũng rách...

Nhưng họ cũng có nụ cười và cho chúng ta nụ cười. Không phải là những nụ cười rần rần từ những tình huống. Không phải nụ cười cho đã quai hàm. Nụ cười từ trong lòng ngân lên, nụ cười mang giá trị bước ngoặt cuộc đời và nhiều khi nụ cười biểu lộ trong giọt nước mắt...

Có lẽ chương trình có nhiều nước mắt không hợp thời nữa, nhưng đâu phải khóc cho họ rồi xong. Khán giả khóc để yên lòng vì đồng loại được thương, được bớt khổ. Và thấy cái nghèo, mới biết cuộc đời chúng ta hên lắm, quên dần những trách oán, than thở để làm việc nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn...

Thương cho một “thương hiệu truyền hình”, thương cho Ngôi nhà mơ ước suốt gần 11 năm đã góp phần biến nhiều giấc mơ thành hiện thực, nhưng cũng phải thua cuộc trong “cuộc chiến rating”. Có lẽ khán giả vẫn đang chờ đợi, một ngày nào đó, sẽ có những chương trình tương tự như Ngôi nhà mơ ước...

541 ngôi nhà sau hành trình gần 11 năm

Ngôi nhà mơ ước đã kết thúc hành trình của mình sau gần 11 năm phát sóng. Số cuối cùng của chương trình phát sóng lúc 20g ngày 16-7 trên HTV7.

Bắt đầu lên sóng từ tháng 12-2005, trong hành trình gần 11 năm, chương trình đã có 541 ngôi nhà mơ ước được xây dựng khắp các tỉnh thành từ Quảng Trị, Quảng Bình đến Cà Mau. Kinh phí xây dựng mỗi căn trị giá ban đầu từ hơn 20 triệu đồng, nay lên đến khoảng 55 triệu đồng/căn ở tỉnh và từ 60 - 70 triệu đồng/căn ở thành phố.

Sự kết thúc của chương trình này khiến nhiều khán giả tiếc nuối bởi đây là chương trình truyền hình ít ỏi còn sót lại mang tính an sinh xã hội. Những mảnh đời lam lũ, vất vả được kể bình dị, mộc mạc và toát lên tinh thần lạc quan.

Bà Vũ Thùy Hương - phó giám đốc Đông Tây Promotion, đơn vị hợp tác với HTV sản xuất chương trình Ngôi nhà mơ ước - cũng bày tỏ sự tiếc nuối: “Tôi cũng là người gắn bó với chương trình ngay từ những ngày khó khăn đầu tiên nên cũng buồn lắm. Từ đầu năm 2016 chúng tôi cố gắng đi tìm nhà tài trợ mới nhưng chưa có”.

Đại diện Đài truyền hình HTV cũng cho biết Ngôi nhà mơ ước tạm ngưng để thay đổi, làm mới mình.

H.LÊ

TRẦN THỊ MINH HUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên