Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các nhà đầu tư tại cuộc tọa đàm ngày 30-5 - Ảnh: LÊ KIÊN |
“Đây là thời điểm chín muồi, có tính chất quyết định để các bạn Hoa Kỳ, với thương hiệu, kinh nghiệm, công nghệ và nguồn lực tài chính dồi dào, tham gia mạnh mẽ hơn vào tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước” |
Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh điều này tại cuộc tọa đàm hợp tác đầu tư Hoa Kỳ - Việt Nam, tại New York sáng 30-5 (giờ New York, tức tối cùng ngày, giờ VN).
Cuộc tọa đàm với hơn 20 lãnh đạo các quỹ đầu tư và doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ được chuẩn bị tích cực bởi chủ tịch quỹ đầu tư Harbinger Philip Falcone và nguyên trợ lý ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell. Điều thú vị là nó diễn ra ngay tại New York, nơi là “đại bản doanh” của tỉ phú Donald Trump trước khi ông đắc cử tổng thống Mỹ.
“Hai bên cùng thắng”
Dẫn đề tọa đàm, ông Philip Falcone giới thiệu rằng 10 năm trước ông đến VN đầu tư vào dự án Hồ Tràm, đến nay phát triển rất tốt. “Tôi tin rằng có rất nhiều cơ hội đầu tư vào VN cho doanh nghiệp Mỹ sau cuộc tọa đàm lịch sử này” - ông nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giới thiệu với các nhà đầu tư về chính sách đối ngoại, tình hình phát triển kinh tế của VN. Ông khẳng định nền kinh tế VN có độ mở lớn, ngày càng hội nhập sâu với kinh tế quốc tế. VN không ngừng đổi mới thể chế pháp luật, thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước phát triển.
Tại đây, Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh quyết tâm xây dựng chính phủ liêm chính, hành động, kiến tạo phát triển, vì người dân và doanh nghiệp. VN tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn nữa, mục tiêu trước mắt là vào tốp Asean 4 và cao hơn nữa trong tương lai. VN mong muốn thu hút đầu tư ở những lĩnh vực mà Mỹ có thế mạnh như công nghệ cao, năng lượng, cơ sở hạ tầng, tài chính, ngân hàng.
Đề cập vấn đề mất cân đối thương mại, Thủ tướng giải thích: Chúng ta đang mất cân đối về thương mại, nhưng tốc độ xuất khẩu của Mỹ vào VN tăng rất cao, tới 77%. Ngày mai tôi sẽ chứng kiến các ký kết lớn của các tập đoàn lớn của Mỹ vào VN, với những dự án đầu tư đầy hứa hẹn như của Exxon Mobil 10 tỉ USD, thì thương mại sẽ cân bằng hơn. Các dự án đầu tư sẽ phát huy lợi thế của hai nước, có lợi cho cả đôi bên. VN xuất khẩu vào Mỹ những sản phẩm người dân Mỹ ưa dùng như cá, tôm, trái cây, giày dép…
“Một đôi giày Nike xuất sang Mỹ, VN chỉ hưởng lợi 22%, còn 78% là người Mỹ hưởng lợi. Các nhà đầu tư Mỹ hiểu rất rõ điều này” - Thủ tướng nói.
Đại sứ Mỹ tại VN Ted Osius bày tỏ “cảm ơn Thủ tướng và các tập đoàn VN đã đến đây tham gia cuộc tọa đàm này”. Ông Ted cho biết với tăng trưởng xuất khẩu của Mỹ sang VN tăng 77% từ năm 2014-2016, VN ngày càng trở thành thị trường xuất khẩu lớn của Mỹ. “Với những hợp tác như của Exxon Mobil thì hoạt động đầu tư của Mỹ ngày càng quan trọng vào VN. Thủ tướng mong muốn thu hút đầu tư từ Mỹ để tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân. Chúng tôi cam kết hợp tác chặt chẽ với Chính phủ VN, cả hai nước Việt - Mỹ đều là những người chiến thắng khi chúng ta vượt qua những khó khăn, thách thức và việc hợp tác đem lại lợi ích cho cả hai chúng ta” - đại sứ nói.
Nguồn: Tổng cục Hải quan - Đồ họa: VĨ CƯỜNG |
“Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đừng chậm chân”
Sau khi nghe ý kiến của lãnh đạo các quỹ đầu tư, các tập đoàn, Thủ tướng cảm ơn các nhà đầu tư đã quan tâm đến môi trường đầu tư VN, đến các lĩnh vực có nhiều lợi thế như du lịch, dược phẩm, đào tạo phi công… và mời Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu.
“Với những vấn đề đặt ra hôm nay, tôi tin rằng chúng ta bổ sung cho nhau những cái chúng ta thiếu, tìm thấy ở nhau những cơ hội hợp tác. Chúng tôi không muốn các doanh nghiệp Hoa Kỳ chậm chân hơn các đối tác khác” - ông Nguyễn Chí Dũng nói. Ông cho rằng các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã tìm hiểu những cơ hội ở VN và các lĩnh vực còn nhiều tiềm năng nên đã đặt ra rất trúng những lĩnh vực có thể hợp tác như hệ thống bán lẻ.
“Quý vị đề cập đến VN với thị trường gần 100 triệu dân, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và đây là cơ hội đầu tư tiềm năng. Du lịch cũng mang lại cơ hội lớn. Chúng tôi có nhiều danh thắng. Mỗi tháng chúng tôi đón khoảng 1 triệu khách quốc tế và tiềm năng vẫn còn rất lớn. VN rất ổn định về chính trị, môi trường xã hội rất tốt, không có những nguy cơ cao về khủng bố cũng như những vấn đề xã hội khác” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Trước khi kết thúc tọa đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh một lần nữa rằng đây là thời điểm chín muồi để các nhà đầu tư Hoa Kỳ đầu tư mạnh mẽ vào VN, tham gia quá trình tái cơ cấu kinh tế của VN bằng tiềm lực tài chính, kinh tế, công nghệ và năng lực quản trị của mình.
GS EDMUND MALESKY (khoa khoa học chính trị, ĐH Duke, chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á): Có thể thiết kế lại TPP Để cân bằng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, TPP có thể được thiết kế lại thành một hiệp ước song phương để Mỹ tiếp tục duy trì tầm ảnh hưởng của mình như một trong những đối tác kinh tế năng động nhất ở Đông Nam Á trong khi VN có thể theo đuổi những cơ hội thị trường mới ở Mỹ. Một lựa chọn khác là Mỹ có thể cân nhắc việc quay lại bàn đàm phán để bắt đầu lại từ đầu cuộc đối thoại đa phương với các thành viên TPP. Trên phương diện kinh tế, VN đã giã từ những ngày làm kế hoạch hóa tập trung và giờ trở thành một trong những xã hội có tinh thần khởi nghiệp nhất. Một cuộc khảo sát của Pew gần đây cho thấy 95% dân số tin rằng họ sẽ có cuộc sống tốt hơn trong một nền kinh tế tự do, và 95% ủng hộ thương mại quốc tế. Theo số liệu thống kê mới nhất, VN có hơn 400.000 doanh nghiệp đang hoạt động (trong đó 96% là doanh nghiệp tư nhân). Đầu tư trực tiếp và thương mại từ Mỹ, cũng như viện trợ song phương của Mỹ, đã góp phần vào sự biến đổi này. Một trong những hợp tác song phương nổi bật nhất của hai nước là chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (giờ đã vào năm thứ 13), một dự án được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) để xếp hạng môi trường đầu tư các tỉnh, thúc đẩy quản trị và cải cách hành chính nhằm cải thiện năng suất của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, một nhà kỹ trị để lại dấu ấn với các nỗ lực cắt giảm thủ tục hành chính để thúc đẩy hoạt động đầu tư, sẽ có thể tìm được tiếng nói chung để thiết lập một mối quan hệ cá nhân tích cực với Tổng thống Trump. TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ (giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế - SCIS, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM): Sẽ bàn về hiệp định kinh tế toàn diện? Nhiều khả năng hai bên sẽ thảo luận về một hiệp định kinh tế toàn diện song phương Việt - Mỹ trong bối cảnh Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức không còn Mỹ. So với một số nước châu Á khác, VN đã có nền tảng thỏa thuận với Mỹ dựa trên đàm phán TPP: những vấn đề gai góc nhất tưởng chừng không dễ vượt qua như vấn đề công đoàn hay mua sắm chính phủ hai bên cũng tìm được tiếng nói chung. Vì thế nếu xúc tiến lại một vòng đàm phán thương mại song phương sẽ không tốn nhiều thời gian nếu hai chính phủ cảm nhận được tín hiệu đèn xanh của nhau. Cần nhắc thêm rằng điểm cốt lõi của TPP mà VN và Mỹ đã thỏa thuận được với nhau không phải là cắt giảm hàng rào thuế quan mà trên hết là các điều kiện về vấn đề phi thuế quan, liên quan đến chuẩn mực và các quy định trong chuỗi sản xuất. Cánh cửa này khó qua, nhưng nếu mở được đồng nghĩa với việc thúc đẩy một lượng đầu tư của các tập đoàn Mỹ vào các lãnh vực dịch vụ và công nghiệp của VN”. |
Hi vọng doanh nghiệp Việt thu hút vốn từ Mỹ Chiều 29-5 (tức rạng sáng 30-5, giờ VN), tiếp phó chủ tịch Tập đoàn Nasdaq, ông Bob McCooey, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng có những doanh nghiệp Việt thu hút vốn ở thị trường chứng khoán Mỹ. Ông Bob McCooey là doanh nhân đầu tiên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp khi tới New York, bắt đầu chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ ngày 29-5. Cuộc gặp diễn ra sau khi Nasdaq ký một thỏa thuận với Tập đoàn VNG của VN để tiến tới IPO trên sàn chứng khoán Nasdaq. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ VN luôn hoan nghênh và sẽ tạo mọi điều kiện cho việc hợp tác giữa Nasdaq với VNG nói riêng, các công ty VN nói chung được thành công. Ông cũng mong muốn tới đây có những doanh nghiệp Việt đầu tư vào thị trường Mỹ. Trong ngày làm việc đầu tiên, Thủ tướng đã dành phần lớn thời gian để gặp gỡ, lắng nghe ý kiến các tầng lớp người VN ở Mỹ. Tại cuộc tiếp một số doanh nhân, trí thức gốc Việt, Thủ tướng đánh giá cao những nỗ lực, đóng góp tích cực của các doanh nhân, trí thức người Việt ở nước ngoài thời gian qua đã góp phần thúc đẩy quan hệ VN - Hoa Kỳ phát triển toàn diện, nâng cao uy tín cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ. “Làm thế nào để trí thức, nhất là lớp trẻ người Việt ở Hoa Kỳ, đóng góp được nhiều hơn cho Tổ quốc?” - Thủ tướng nhắc lại câu hỏi của một trí thức Việt kiều và hứa sẽ tiếp tục suy nghĩ, nghiên cứu về những ý kiến, đóng góp của họ trong cuộc gặp. “Các anh chị có thể trực tiếp viết thư cho Thủ tướng để góp ý, hiến kế” - Thủ tướng bày tỏ. Thủ tướng cũng nêu quyết tâm sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sự phát triển, đóng góp cho cộng đồng người VN ở nước ngoài vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Cùng ngày, Thủ tướng đã tiếp vợ chồng giáo sư Ngô Thanh Nhàn và bà Merle Ratner. Thủ tướng cảm ơn những nỗ lực, hỗ trợ và đóng góp tích cực của hai ông bà trong việc thúc đẩy quan hệ giữa nhân dân hai nước VN và Hoa Kỳ, đặc biệt trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh, ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin VN. Thủ tướng đã ghi nhận những chia sẻ, góp ý của ông bà về các việc cần làm để thúc đẩy khắc phục hậu quả chiến tranh thời gian tới. |
Sau cuộc tọa đàm, Thủ tướng và đoàn cấp cao VN rời New York đến Washington D.C. Tại thủ đô nước Mỹ, dự kiến Thủ tướng có nhiều cuộc gặp quan trọng với chính giới và doanh nhân Mỹ: tiếp đại diện thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer, Bộ trưởng nông nghiệp Hoa Kỳ Sonny Perdue, chủ tịch toàn cầu Tập đoàn Hilton Christopher Nassetta, phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới Victoria Kwakwa. Thủ tướng sẽ dự tọa đàm với Phòng Thương mại Hoa Kỳ, Hội đồng kinh doanh Asean - Hoa Kỳ và dự tiệc chiêu đãi tại đây. Ngày 1-6, Thủ tướng tiếp tục có lịch hoạt động dày đặc với chính giới và doanh nhân Mỹ, trước khi đến Nhà Trắng hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận