“Thượng mã phong” mà tôi bàn đến ở đây không liên hệ đến đời sống tình dục tình diếc mà các vị thầy thuốc vẫn thường nói đến.
Phóng to |
“Thượng mã” tức là cưỡi ngựa. Năm nay là năm Giáp Ngọ, nói đến chuyện cưỡi ngựa là đúng đạo lý rồi. “Phong” ở đây nằm trong từ kết “phong trào” (triều) - Gió và nước triều. “Phàm việc gì làm ồn ào lay động một thời, như gió thổi như nước dâng, gọi là phong trào” - Đào Duy Anh, Hán - Việt từ điển.
Cán bộ ta ngày nay đi xe chứ không còn cưỡi ngựa. Giả thiết có một anh nào đó chơi ngộ, cưỡi con ngựa chạy vào cơ quan làm việc, thì sẽ bị mắng ngay. Vả chăng, con ngựa hay phóng uế bậy bạ, không ngoan như cái xe. Xe cá nhân - tục gọi là xe gắn máy, thì chẳng bõ bèn gì, đi công tác mà chạy nó thì rất mất… quan điểm quần chúng. Vì vậy, phải đi xe công bảng xanh của cơ quan; xe càng mới càng tốt.
Vậy, thượng mã phong là phong trào cán bộ đi xe công của cơ quan nhà nước “ồn ào lay động một thời, như gió thổi như nước dâng” đã từng làm chúng ta lé mắt. Vào năm ngựa mà không bàn về chuyện xe công thì e rằng bạn đọc trách tôi là nhà báo quan liêu, hổng nắm được cái nước màu gì. Bèn bàn như vầy:
Trong não trạng của một số người, chiếc xe công làm nên đẳng cấp của nhân vật lãnh đạo các sở ngành, phòng ban. Biểu hiện dễ thấy nhất của quyền lực là chiếc xe xịn, xe càng xịn càng tốt. Khi ngồi lên xe, họ phải ngồi vào ghế số 4, băng sau bên phải vì họ tin ghế ấy là ghế có chữ “thọ” lâu dài.
Muốn mua xe công, phải được ngành tài chính duyệt giá. Giá duyệt bình thường là trên dưới 600 triệu đồng 1 chiếc. Thế nhưng lãnh đạo mà đi chiếc xe 600 triệu thì… mất khí thế quá. Phổ thông nhất vẫn là xe Toyota của Nhật; chiếc Altis có giá từ 746 triệu đồng đến 914 triệu đồng; chiếc Camry 3.0 có giá từ 999 triệu đồng đến 1.292 triệu đồng; chiếc Land Cruiser rừng núi sình lầy giá từ 2,4 tỉ đồng đến 2,7 tỉ đồng. Đó là chưa nói đến các hiệu khác như BMW, Mercedes… Ngựa đua ở trường Phú Thọ giải nghệ, được bán mỗi con giá 15 triệu đồng. Ngồi trên chiếc Land Cruiser là cưỡi… cỡ 1.800 con ngựa.
Cho nên, tài chính duyệt bi nhiêu thì duyệt, phần lãnh đạo cơ quan phải “chạy” thêm. Tiền thêm vào có thể là tiền cơ quan, cũng có thể là tiền của 1 thí chủ hiến tặng trên cơ sở có hoàn lại vài món béo bở bất khả thuyết sau này. Cá biệt, lãnh đạo có thể được thí chủ tặng hẳn cho chiếc xe mới cáu thì trong trường hợp này không ngu gì làm xe bảng xanh, bèn chơi qua bảng trắng, để bu nó đứng tên.
Bởi có chiếc xe công cực khổ sơn trường như vậy nên phải dùng nó cho đáng đồng tiền bát gạo. Đi họp 2 cây số: xe công. Đi chơi vài ngàn cây số: xe công. Về nhà cuối tuần: xe công. Bu nó và mấy em đi chợ: xe công. Các cô, các cậu đi học: xe công. Đám cưới: xe công. Làm lễ chung cho cả địa phương: xe công. Hễ ông trưởng đi một chiếc thì ông phó cũng đi riêng một chiếc.
Xe công chạy về huyện xã nghèo xa xôi, bụi bay mịt mù. Ngắm cảnh đó rồi so với cảnh anh nông dân vác cây cuốc, ghìm con bò đứng nép sát bên đường, thấy chẳng ăn nhập gì nhau cả. Hồi xưa, mấy bà già hay rầy con cái: “Chạy như ngựa!”. Câu đó trớt huớt rồi, thưa các cụ. Bây giờ phải rầy là: “Chạy như xe công!” thì mới hợp thời trang thế kỷ 21.
“Thượng mã phong” đã và đang là một cái mốt. Thượng mã phong trong phòng the vì mây mưa quá độ có thể chết nhưng “thượng mã phong” trên xe công thì lại sướng. Vì vậy, không lãnh đạo nào sợ “bịnh” này. Xe công phô bày khí tượng của lối sống phồn vinh, quyền lực. Tham nhũng thì người ta trị được, dù là chỉ cho hưởng án treo nhưng lãng phí kiểu chạy xe công thì chỉ kêu gọi chung chung. Chưa thấy có anh nào lãng phí món này mà về vườn cưỡi ngựa!
Nhân năm ngựa, tôi nói chuyện thượng mã phong. Đây là một chứng mãn tính, chưa có thuốc chủng ngừa và thuốc đặc trị. Tôi chỉ còn biết năn nỉ các vị lãnh đạo sở ngành, phòng ban bớt bớt dùng xe công một chút. Bớt chút thôi là đã đội ơn rồi!
Tuổi Trẻ Cười số 492 ra ngày 15/1/2014 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận