Một nhóm cưa rễ cây trâm sau khi đã cắt tỉa ngọn - Ảnh: BỬU ĐẤU
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, việc người dân bứng cây trâm để bán diễn ra hơn một tháng nay ở 2 xã Núi Tô và Cô Tô, huyện Tri Tôn. Đặc biệt, khu vực quanh hồ Soài Check, nơi người dân trồng trâm nhiều nhất.
Hiện nhiều cây trâm hàng chục tuổi đã bị bứng gốc mang ra điểm tập kết dọc theo hồ Soài Check chờ vận chuyển đi nơi khác.
Hàng loạt cây trâm hàng chục năm tuổi bị bứng
Đang chỉ huy một nhóm người đang chặt tỉa và bứng cây trâm, anh Công (ở huyện Thoại Sơn) cho biết cây trâm được thương lái thu mua với giá 6 - 50 triệu đồng/cây tùy loại.
Thường thu mua xong họ thuê một nhóm 3 - 5 người đào, bới và cắt tỉa với giá dao động 3 - 5 triệu đồng/cây. Việc vận chuyển có nhóm khác lo.
Cây sau khi bứng lên được cắt tỉa chừa ít rễ và đất để thương lái vận chuyển đi làm cây cảnh phong thủy ở các tỉnh phía Bắc.
Chỉ riêng khu vực này đã có 3 nhóm đang đào cho 4 thương lái.
"Tôi nghe họ nói mua mang ra Hà Nội trồng trong các dự án gì đó. Các thương lái này chỉ mua những cây trâm có tuổi đời 30 - 50 năm tuổi. Tụi tôi chỉ biết bứng, còn vận chuyển họ lo đâu đó hết rồi" - anh Công nói.
Các cây trâm sau khi bứng và cắt tỉa được tập kết gần Hồ Soài Check chờ vận chuyển đi - Ảnh: BỬU ĐẤU
Chính quyền huyện Tri Tôn đang bó tay trước tình trạng nhiều cây trâm cổ thụ bị bứng trong thời gian ngắn - Ảnh: BỬU ĐẤU
Người phụ nữ Khmer bán trâm chín bên đường ở núi Tô - Ảnh: N.T.ĐĂNG
Vùng Bảy Núi vốn được biết đến với "đặc sản" thốt nốt và trâm, mùa trâm chín thậm chí đi vào tuổi thơ của nhiều người. Trâm thường cho trái từ đầu mùa mưa đến hết tháng 8, 9. Trái trâm vào vụ có giá 50.000 - 200.000 đồng/kg tùy loại.
"Cứ bứng cây kiểu này, sắp tới vùng Bảy Núi chắc không còn trâm để ăn nữa rồi. Họ bán mỗi cây vài triệu đồng thì rẻ quá nếu so với thời gian trồng mấy chục năm trời", anh Châu Đa (ở xã Núi Tô) nói.
Thương lái ồ ạt mua
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Văn Cường - trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tri Tôn - cho biết thời gian qua thương lái ồ ạt đến mua hàng trăm cây trâm cổ thụ đẹp vận chuyển đi nơi khác.
Địa phương cũng rất bức xúc về tình trạng trên nhưng hiện không có văn bản nào cấm việc mua bán loại cây này vì cây do người dân trồng quanh thửa ruộng chứ không nằm trong khu vực rừng phòng hộ của tỉnh.
"Chúng tôi đã kiến nghị Sở NN&PTNT tỉnh xuống khảo sát và đề xuất UBND tỉnh có cơ chế bảo tồn cây trâm như thốt nốt. Nếu không ngăn chặn được sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mỹ quan, môi trường và đặc sản đặc thù của vùng", ông Cường nói.
Nhiều cây trâm cổ thụ tuổi đời 40 - 50 năm tuổi đã được bứng lên để bên đường chờ ngày mang đi - Ảnh: BỬU ĐẤU
Năm 2015, người dân các xã Văn Giáo, An Cư, Tân Lợi, Thới Sơn, huyện Tịnh Biên cũng ồ ạt bán cây thốt nốt cho thương lái để vận chuyển ra các tỉnh phía Bắc.
Khi báo chí thông tin, UBND tỉnh An Giang đã ban hành quy định bảo vệ cây đặc thù. Đến nay tình trạng mua bán cây thốt nốt đã không còn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận