Ông Nguyễn Chí Nhân, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho biết Việt Nam chưa ban hành chính sách quản lý nên toàn bộ các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đang lưu thông trên thị trường đều là hàng lậu, không có nguồn gốc xuất xứ, tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe cho người tiêu dùng.
Thông tin được ông Nguyễn Chí Nhân - Trưởng ban Pháp chế - Thông tin - Đào tạo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA), nêu ra tại hội thảo "Thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam: Khuyến nghị chính sách" do Hiệp hội tổ chức ngày 19-3.
Sản phẩm lậu bán công khai nhưng khó xử lý
Tuy nhiên chất lượng sản phẩm không ai chịu trách nhiệm, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Thậm chí, có một số sản phẩm có chất cấm gây ngộ độc, nhưng được vẫn được bày bán, thậm chí ở gần trường học.
Trên thực tế, Việt Nam chưa ban hành chính sách quản lý nên toàn bộ các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đang lưu thông trên thị trường đều là hàng lậu, không có nguồn gốc xuất xứ, tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe cho người tiêu dùng. Trong đó, thuốc lá điện tử lậu chiếm tới 90% thị trường thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam.
Từ thực tế quản lý mặt hàng này trên thị trường, bà Hà Thị Doánh - Vụ Chính sách - Pháp chế - Tổng Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) cho hay lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra kiểm soát, cho thấy thuốc lá thế hệ mới chủ yếu là nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Theo đó, mặt hàng này chưa có chính sách quản lý rõ ràng để xác định đây là "hàng cấm" hay hàng kinh doanh có điều kiện. Dẫn tới chủ yếu xử phạt hành vi kinh doanh hàng nhập lậu, hoặc không rõ ràng nguồn gốc, với mức xử phạt khá thấp từ 50 - 100 triệu đồng, không đủ sức răn đe.
"Các cơ quan chức năng khi kiểm tra, xử lý đều đặt câu hỏi, thuốc lá điện tử có được coi hàng cấm hay không? Qua rà soát các quy định cho thấy không có cơ sở đây là hàng cấm, nên xử phạt chủ yếu là hành vi hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ" - bà Doánh nói.
Từ thực tế trên, quan điểm cấm hay đưa thuốc lá thế hệ mới vào quản lý cũng được tranh luận tại hội thảo. Bà Đinh Thị Thu Thủy, phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), vẫn bảo lưu quan điểm: "Tất cả các văn bản của Bộ Y tế gửi Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ngành từ trước đến nay đều đề xuất cấm sản xuất kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá mới trong đó có thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng".
"Bộ vẫn lắng nghe các ý kiến khác đặc biệt là những đối tượng đang chịu sự tác động, những lo lắng từ cơ quan quản lý khi hoạch định chính sách, trong đó có tính toán đến nguồn thu thuế. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải quan tâm đến năng lực quản lý hiện nay của Việt Nam có đảm bảo hay không nếu cho phép thuốc lá thế hệ mới hay là phải cân nhắc các vấn đề liên quan đến sức khỏe người dân", bà Thủy nhấn mạnh.
Cũng theo bà Thu Thủy, hiện nay sản phẩm thuốc lá mới chưa được quản lý rõ ràng và vẫn còn có các cách hiểu khác nhau dẫn đến tình trạng nhập lậu diễn biến phức tạp cho nên cần có một văn bản pháp lý thống nhất rõ ràng thế nào là thuốc lá thế hệ mới. Và cơ quan quản lý Nhà nước sẽ quản lý dòng sản phẩm này dưới hình thức cấm hay kinh doanh có điều kiện.
Các cơ quan quản lý cần nghiên cứu để có báo cáo đánh giá tác động đầy đủ trình lên Chính phủ cũng như là gửi tất cả các bộ ngành, các đối tượng chịu sự tác động, trong đó có Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam và các doanh nghiệp thuốc lá để cùng đánh giá một cách khách quan, công bằng, công tâm về các sản phẩm này ở thời điểm hiện nay cũng như khi đưa ra các chính sách trong tương lai.
Ghi nhận những ý kiến đa chiều của các Bộ, ngành cũng như của các chuyên gia, bà Đinh Thị Thu Thủy đại diện Bộ Y tế cho biết, Bộ lắng nghe ý kiến phản hồi của các bên để có cơ sở thuyết phục Quốc hội, từ đó, ban hành các chính sách phù hợp.
Nên quản hay nên cấm thuốc lá thế hệ mới?
Tuy nhiên, ông Cao Trọng Quý, trưởng phòng Công nghiệp Tiêu dùng thực phẩm, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) - lại cho rằng việc chưa có chính sách quản lý và sản phẩm chưa được lưu hành tại thị trường nên người tiêu dùng tiếp cận dễ dàng. Dẫn tới, nhiều sản phẩm được nhập lậu không chính thức ở Việt Nam và không được quản lý về chất lượng.
Với quan điểm cần xây dựng chính sách quản lý mặt hàng này cho phù hợp thực tiễn, ông Quý cho hay Bộ Công Thương đã lấy ý kiến các bộ ngành về vấn đề này và hầu hết đều có thống nhất cần có chính sách quản lý. Theo đó, trong quá trình sửa đổi nghị định quản lý kinh doanh thuốc lá, sẽ có hình thức để quản lý mặt hàng này cho phù hợp.
Đồng tình, ông Lê Đại Hải - phó vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp - cho hay thuốc lá thế hệ mới đã xâm nhập vào Việt Nam nên đã đến lúc đưa mặt hàng này vào diện quản lý. Việc này nhằm quản lý theo tiêu chuẩn, chất lượng và dán tem để kiểm soát thuế, hạn chế hàng trôi nổi, …
Trước thực trạng thuốc lá thế hệ mới đang mua bán tràn lan, dễ dàng mang lại hệ lụy xấu cho xã hội khi các sản phẩm này không kiểm soát, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng việc chọn giải pháp quản lý phải trên cơ sở khoa học, đánh giá kỹ tác động.
"Không nên lựa chọn theo hướng "không quản được thì cấm" mà cần đánh giá toàn diện các giải pháp. Nếu có đủ căn cứ khoa học cho rằng thuốc lá thế hệ mới gây tác hại ít hơn so với thuốc lá truyền thống thì tại sao lại cấm, bởi như vậy sẽ phải cấm cả thuốc lá truyền thống" - ông Cường cho biết thêm đây cũng không phải là sản phẩm nằm trong danh mục cấm theo pháp luật về đầu tư kinh doanh.
Theo đó, ông đề nghị cần sớm có khung pháp lý hoàn chỉnh để kiểm soát chặt chẽ mặt hàng này. Trong đó cần làm rõ khái niệm về thuốc lá thế hệ mới, các danh mục sản phẩm, quy định chặt chẽ tiêu chuẩn, quy chuẩn, ghi nhãn, quảng cáo, dán cảnh báo, quy định thuế, mức độ xử phạt hành chính và xử lý hình sự… đảm bảo cạnh tranh lành mạnh và đủ sức răn đe.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng có ý kiến rằng Việt Nam nên khảo cứu các kinh nghiệm quốc tế để đưa ra hướng quản lý toàn diện, đồng bộ và đồng thời đối với các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới dựa trên tính phù hợp với định nghĩa của hệ thống pháp luật Việt Nam, cũng như trên cơ sở phân tích các tác động đến người tiêu dùng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận