31/12/2012 00:03 GMT+7

Thuốc giả gây họa ở châu Phi

CẢNH TOÀN
CẢNH TOÀN

TT - Điều tra của các tổ chức y tế quốc tế cho thấy thuốc trị sốt rét giả từ Trung Quốc, Ấn Độ... đang gây ra thảm họa y tế tại các nước châu Phi.

mCEjNMDI.jpgPhóng to
Các bệnh nhân sốt rét nhỏ tuổi trong một bệnh viện ở Tanzania - Ảnh: Eurekalert

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có hơn 1 triệu người châu Phi, phần lớn là trẻ em, thiệt mạng vì bệnh sốt rét. Hồi tháng 6-2012, tạp chí y học Anh The Lancet đăng tải nghiên cứu chất lượng thuốc sốt rét ở 21 quốc gia châu Phi. Kết quả có tới 35% là thuốc giả hoặc kém chất lượng.

Báo Anh Guardian dẫn nguồn tin một số tổ chức y tế quốc tế khẳng định phần lớn số thuốc giả này đến từ Trung Quốc và Ấn Độ. Thuốc giả tung hoành đặc biệt dữ dội tại Uganda và Tanzania, hai quốc gia có tỉ lệ người mắc bệnh sốt rét cao nhất thế giới. Chỉ riêng ở hai nước này đã có tới 20 triệu trường hợp nhiễm sốt rét trong trong tổng số 94 triệu trường hợp của toàn cầu năm 2010.

Giả mà như xịn

Tại Tanzania, mỗi ngày luôn có một hàng dài xe tải chở thuốc sốt rét qua biên giới đến các bệnh viện, nhà thuốc, cửa hàng... khắp cả nước. Nhưng loại thuốc này chẳng cứu được sinh mạng ai mà chỉ có tác dụng ngược. Chỉ những chuyên gia y tế sành sỏi mới phát hiện sự khác biệt giữa thuốc giả và thuốc thật. Bao bì thuốc giả thiếu ký hiệu in mờ của nhà sản xuất, cạnh viên thuốc bị vỡ vụn...

Guardian dẫn lời bác sĩ Mechtlida Luhaga - người phụ trách bệnh viện vùng Mwanza chữa trị 700 bệnh nhân mỗi ngày - cho biết cô đã tự mình thử nghiệm loại thuốc này khi bị sốt rét. “Tôi uống thuốc nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Tôi xét nghiệm máu sau khi uống thuốc thì thấy trong máu vẫn còn nguyên ký sinh trùng gây sốt rét. Những viên thuốc này hoàn toàn là giả”.

Ở Uganda, Cơ quan Dược phẩm quốc gia (NDA) đã tịch thu nhiều gói thuốc giả và so sánh với thuốc thật. Ông David Nahamya, trưởng đoàn thanh tra NDA, cho biết chúng giống nhau đến nỗi ông chỉ có thể nói lên sự khác biệt dựa trên kết quả của phòng thí nghiệm. Ông khẳng định ngoài thuốc sốt rét còn hàng loạt thuốc khác bị làm giả như kháng sinh, thuốc chống lao, thậm chí cả thuốc tránh thai khẩn cấp.

Nhiều loại thuốc giả không có các hoạt chất trị liệu, một số loại chỉ là thuốc bổ hoặc tăng lực, thậm chí một số loại bào chế hoàn toàn sai công thức. “Đây là một cuộc khủng hoảng y tế ở châu Phi - chuyên gia Nick White thuộc Mạng lưới chống sốt rét toàn cầu (Wwarn) khẳng định - Đây là một vấn đề nghiêm trọng bị thế giới quên lãng”.

Thuốc giả không chỉ gây chết người mà còn khiến bệnh sốt rét và các bệnh truyền nhiễm khác biến đổi gen, trở nên nguy hiểm hơn. “Hiện tượng đó có thể khiến toàn bộ dược phẩm chống bệnh truyền nhiễm hiện tại trở nên vô dụng. Khi virút biến đổi gen, tất cả các loại thuốc sản xuất bây giờ cũng không chữa được sốt rét hoặc lao” - báo Business Day (Nam Phi) dẫn lời bác sĩ Roger Bate thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) cảnh báo.

Nguồn gốc Trung Quốc: 18%

Theo báo Global Post, giữa năm 2012 AEI công bố một nghiên cứu về thuốc chống sốt rét ở châu Phi. Nhóm nghiên cứu đã mua 2.652 mẫu thuốc chống sốt rét, thuốc kháng sinh cùng các loại thuốc trị lao từ 11 thành phố châu Phi và phát hiện một số lượng lớn là thuốc giả. Khoảng 18% mẫu thuốc có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Chuyên gia Patrick Lukulay, phó chủ tịch Tổ chức Hiệp ước dược điển (Mỹ), khẳng định: “Việc phần lớn các loại thuốc giả, kém chất lượng ở châu Phi đến từ Trung Quốc và Ấn Độ không phải là điều bí mật”. Theo ông, trong khi Ấn Độ đang tăng cường các biện pháp siết chặt ngành dược phẩm thì Trung Quốc vẫn chưa có bất cứ động thái gì. Chuyên gia David Nahamya nói: “Nếu có kẻ muốn làm thuốc giả, chúng chỉ cần mang gói thuốc đến Trung Quốc và có thể sản xuất hàng nghìn gói. Người Trung Quốc có thể làm giả bất cứ thứ gì”.

Theo ông Nahamya, Trung Quốc đang xâm nhập thị trường châu Phi với tất cả mọi thứ hàng hóa khác nhau. “Họ mang hàng hóa vào đây càng nhiều càng tốt để chiếm lĩnh thị trường, bất kể chất lượng”. Nhà nghiên cứu y tế toàn cầu Laurie Garett thuộc Hội đồng Đối ngoại Mỹ cũng nhấn mạnh vai trò của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng y tế ở châu Phi là “rất khủng khiếp”.

Theo chuyên gia Nick White, nạn thuốc giả ở châu Phi cũng là một thiệt hại lớn đối với các tổ chức cứu trợ nhân đạo toàn cầu. “Mỗi năm các tổ chức nhân đạo chi hàng trăm triệu tới hàng tỉ USD mua thuốc hỗ trợ người dân các nước nghèo. Thay vì thuốc thật, người bệnh lại phải sử dụng thuốc giả” - ông White bức xúc.

Ngày 28-12, phía Trung Quốc đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc như báo Guardian đã đưa. Tuy nhiên, Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: “Các nhà buôn nước ngoài nên mua thuốc từ các công ty hợp pháp qua các kênh chuẩn hóa”. Giới quan sát nhận định thực tế đó là sự thừa nhận nạn sản xuất thuốc giả ở Trung Quốc.

Theo WHO, mỗi gói thuốc sốt rét ở châu Phi chỉ có giá khoảng 4,85 USD. Tuy nhiên, ngành công nghiệp thuốc giả toàn cầu sinh lãi cực lớn và có tổng trị giá lên tới 74 tỉ USD.

CẢNH TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên