25/12/2015 09:48 GMT+7

Thuốc chưa đúng liều

HUỲNH PHONG TRANH (Tổng Thanh tra Chính Phủ) - ÁI NHÂN ghi
HUỲNH PHONG TRANH (Tổng Thanh tra Chính Phủ) - ÁI NHÂN ghi

TT - Những lĩnh vực có biểu hiện tham nhũng phức tạp, nhạy cảm nhất tại tất cả các địa phương vẫn là quản lý xây dựng đất đai, quản lý tài nguyên khoáng sản, quản lý đầu tư công về sử dụng ngân sách nhà nước, công tác cán bộ.

Biểu hiện lợi ích nhóm đang thể hiện trong hoạt động quản lý của các cơ quan nhà nước, liên kết chặt chẽ một nhóm người, có thể cùng một hay nhiều cơ quan tổ chức khác nhau.

Trong đó, lĩnh vực ngân hàng là thể hiện rõ nhất và gây thất thoát rất lớn cho xã hội. Nhiều vụ án lớn đã và đang được các cơ quan tòa án xét xử.

Nguy hiểm không kém đó là ghi nhận có tham nhũng xảy ra ngay trong chính cơ quan chống tham nhũng như thanh tra, tòa án, viện kiểm sát, công an. Tội phạm tham nhũng ở trong các cơ quan này phát hiện, xử lý chưa nhiều.

Lợi ích nhóm còn thể hiện trong xây dựng cơ chế chính sách, muốn làm sao thực hiện có lợi cho ngành, địa phương hay cho nhóm mình.

10 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng đã đề ra 9 biện pháp lớn để đấu tranh phòng chống bao gồm: công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; thực hiện quy tắc ứng xử, chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức; cải cách hành chính, đổi mới công nghệ quản lý và phương thức thanh toán; công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát, xét xử, giám sát; giải quyết khiếu nại tố cáo; minh bạch về tài sản, thu nhập; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; công tác tự kiểm tra của cơ quan tổ chức, đơn vị.

Tuy nhiên, trong 9 biện pháp thì có 4 biện pháp có hiệu quả tốt (4 biện pháp đầu), 2 biện pháp hiệu quả trung bình, còn lại là kém.

Cụ thể, giải pháp trách nhiệm người đứng đầu kém hiệu quả trong thời gian vừa qua cũng như trách nhiệm người đứng đầu chưa rõ. Những người làm tốt không được ghi nhận đầy đủ, ngược lại những người không làm tốt cũng chưa được xử lý nghiêm. Vì thế vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành chỉ thị số 50 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng trọng tâm là làm rõ trách nhiệm người đứng đầu.

Trách nhiệm người đứng đầu còn liên quan đến công tác tự kiểm tra phát hiện tham nhũng. Đây cũng là khâu yếu chung của không chỉ ở TP.HCM, Hà Nội mà là tất cả các tỉnh, thành trong cả nước.

Công tác minh bạch tài sản, thu nhập hiệu quả cũng chưa cao, vẫn còn có bất minh trong kê khai tài sản mà dẫn chứng rõ nhất là năm 2015 cả nước chỉ phát hiện 5 người kê khai tài sản bất minh.

Có thể thấy 4 giải pháp thực hiện có hiệu quả thời gian qua không phải là giải pháp cơ bản chống tham nhũng, tạo ra kết quả tích cực, đột phá. Trong khi đó, giải pháp cơ bản phải là giải pháp kê khai tài sản, công tác tự kiểm tra và trách nhiệm người đứng đầu thì chưa đạt và yếu kém, cần được tập trung cao hơn nhằm chấn chỉnh.

Các vấn đề, bất cập trên sẽ được tổng hợp, điều chỉnh, bổ sung trong xây dựng Luật phòng chống tham nhũng mới (dự kiến ban hành năm 2017) và các chính sách thời gian tới nhằm nâng cao, hoàn thiện công tác phòng chống tham nhũng.

HUỲNH PHONG TRANH (Tổng Thanh tra Chính Phủ) - ÁI NHÂN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên