14/04/2025 07:55 GMT+7

Thuế quan Mỹ bủa vây kinh tế Đức

Châu Âu chật vật đối phó với đòn thuế quan mới của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong khi Đức - nền kinh tế đầu tàu của châu lục - vốn đã suy yếu lại phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng.

Đức - Ảnh 1.

Công nhân Volkswagen biểu tình tại trụ sở công ty ở Wolfsburg, Đức, vào cuối tháng 10-2024 - Ảnh: BLOOMBERG NEWS

Theo dự báo của Ủy viên Kinh tế EU Valdis Dombrovskis, sản lượng kinh tế của Liên minh châu Âu sẽ giảm 0,2% đến năm 2027 nếu Tổng thống Donald Trump áp dụng toàn bộ các mức thuế đã công bố. Tuy nhiên, đây chỉ là "giọt nước tràn ly" khi nền kinh tế đầu tàu của EU đang phải đối mặt với suy thoái trầm trọng.

Kinh tế Đức suy yếu

Nội tại nền kinh tế Đức đang đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng. Cơ sở hạ tầng và công nghệ già cỗi, sự quan liêu khiến Đức chậm trễ trong việc đối phó với đà lớn mạnh của các đối thủ từ Trung Quốc và Mỹ trong thập niên qua.

Mô hình kinh tế của Trung Quốc đang chuyển từ sản xuất giá rẻ sang hàng hóa chất lượng cao - vốn là thế mạnh truyền thống của Đức. Sự vươn lên trong công nghệ AI và phương tiện giao thông điện của các nhà sản xuất Trung Quốc như BYD và Nio với các mẫu xe được trang bị tốt hơn và rẻ hơn đang đe dọa ngành công nghiệp trọng yếu của Đức. 

Việc Trung Quốc gia tăng lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực xe điện càng khiến Đức gặp bất lợi khi xuất khẩu sang thị trường tỉ dân này.

Đồng thời, Đức cũng không có lối thoát khi phải chịu thuế nhập khẩu ô tô 25% vào Mỹ, khiến giá ô tô Đức chạm mức gần gấp đôi giá gốc. So sánh giá trị thị trường, nhà sản xuất ô tô điện Tesla của Elon Musk hiện cao hơn bốn lần giá trị của toàn bộ ngành công nghiệp ô tô Đức.

Tình hình này đang dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Volkswagen - nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu - đang xem xét đóng cửa nhà máy lần đầu tiên trong lịch sử 87 năm. Tháng 2-2025, tỉ lệ thất nghiệp tại Đức đã lên tới 6,4% và dự báo sẽ tiếp tục tăng đến 2026, trong khi cùng kỳ năm 2023 chỉ khoảng 3%, theo Statista.com.

Khủng hoảng lao động

Đức đang đối mặt với khủng hoảng lao động chất lượng cao do cấu trúc dân số già hóa. Chính sách tị nạn, nhập cư, cùng chính sách thuế và bảo hiểm quá cao làm giảm sức hấp dẫn đầu tư và thu hút nhân tài, gây gánh nặng xã hội từ cuối nhiệm kỳ thủ tướng Angela Merkel năm 2020.

Sự bất công trong xã hội thể hiện khi gánh nặng tập trung vào tầng lớp lao động trung lưu - những người tạo ra của cải vật chất phải còng lưng chi trả các khoản đóng góp xã hội lên tới 45 - 50% thu nhập. 

Người nhập cư chất lượng cao ban đầu được chào đón, nhưng sau đó nhận ra mình được mời đến để cùng gánh vác trách nhiệm này, khiến nhiều người tìm đến các phương án "chống đối ngầm cá nhân" như nghỉ việc hưởng trợ cấp khi đã có đủ giấy tờ cư trú và nhập tịch Đức.

Sự can thiệp sâu của chính phủ vào luật lao động nhằm hạn chế việc sa thải, cùng với chính sách cơ cấu chuyên môn quá chi tiết khiến các công ty phải đối mặt với sự cồng kềnh trong vận hành và thiếu sắc bén trong cạnh tranh.

Trước làn sóng sa thải ồ ạt từ các doanh nghiệp hàng đầu châu Âu như BMW, Volkswagen, Continental, Bosch - dự kiến lên tới 140.000 người trong hai năm tới (theo nghiên cứu EY) - tưởng như là cơ hội hút nhân tài cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhưng thực tế lại trái ngược.

Kiến thức và kinh nghiệm về công nghệ ô tô điện, AI cùng kỹ năng lập trình không được tích hợp trong cùng một nhân lực, tạo ra rào cản lớn khiến các công ty khởi nghiệp không thể tận dụng nguồn nhân lực từ các công ty lớn. Đây sẽ là thách thức lớn đối với Bộ Lao động Đức khi phải chi trả một khoản tiền khổng lồ cho việc xây dựng các chương trình đào tạo để tái sử dụng nguồn lao động.

Tổng giám đốc điều hành của Siemens, Roland Busch, khẳng định với Bloomberg TV: "Không có cách nào khác ngoài việc đầu tư". Rõ ràng dân số giảm đồng nghĩa với việc cần phải hòa nhập và đào tạo nhiều người nhập cư hơn. Tuy nhiên, đảng dân túy cánh hữu AfD - hiện là lực lượng chính trị lớn thứ hai ở Đức - sẽ làm mọi cách để ngăn chặn điều này, khiến tình hình kinh tế - chính trị bị chia rẽ sâu sắc.

Đức - Ảnh 2.

GDP của Đức 3 năm gần nhất, giảm xuống -0.2% năm 2024 - Nguồn: Trading Economics - Dữ liệu: PHƯƠNG NGUYỄN - Đồ họa: N.KH.

Cộng đồng Việt cũng gặp khó

Lực lượng nhập cư nguồn gốc từ Việt Nam chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng và buôn bán đồ ăn thực phẩm. Một số ít tham gia các dịch vụ làm đẹp, tài chính, bảo hiểm và đầu tư. 

Cộng đồng Việt kiều đang phải đối mặt với nhiều thách thức: thuế cao, chỉ số tiêu dùng cá nhân suy giảm do xu hướng làm việc tại nhà sau đại dịch COVID-19, lạm phát liên tiếp (từ 2022 đến 2024 lần lượt là 6,9%, 5,9% và 2,9%), cùng với khủng hoảng nguồn cung năng lượng và thực phẩm.

Những yếu tố này đã khiến ngành nhà hàng ăn uống của người Việt tổn thất nặng nề. Nhiều nhà hàng buộc phải tăng giá hai lần trong những năm 2022 và 2023 (lên tới 20 - 30%) và năm 2024 (3-5%). 

Theo những phỏng vấn thăm dò từ cộng đồng Việt tại Berlin, việc giảm doanh thu, đóng cửa doanh nghiệp và thất nghiệp đang đe dọa các ngành dịch vụ liên quan khiến chúng rơi vào tình trạng bấp bênh.

Trước nguy cơ Mỹ tăng thuế nhập khẩu, ngành này chịu tác động gián tiếp khi sức mua suy giảm, khiến bà con rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: chi phí đầu vào tăng theo mức lương cơ bản mới (12,82 euro/giờ từ đầu năm 2025, so với 12,41 euro/giờ năm 2024), nhưng lại không dám tăng giá bán.

Nhiều người quyết định tạm thời thu hẹp quy mô kinh doanh, tận dụng lao động gia đình và cầm cự chờ các chính sách thuế nới lỏng từ chính phủ mới của Thủ tướng Friedrich Merz. 

Theo đó, ngày 9-4 vừa qua, liên minh ba đảng cầm quyền CDU, CSU và SPD đã nhanh chóng đạt được các thỏa thuận: đầu năm 2026, mức VAT cho đồ ăn sẽ giảm vĩnh viễn từ 19% xuống 7%; giảm thuế điện giúp giá điện giảm 5 cent/kWh; và từ đầu năm 2028 sẽ giảm dần thuế doanh nghiệp từ 15% xuống 10% trong 5 năm.

Có thể thấy, trong khi Washington luôn chủ động kiến tạo chiến lược quốc tế để chữa trị sự yếu kém kinh tế nội tại và sử dụng các đòn chính trị - kinh tế như biện pháp hiện thực hóa chiến lược thì các chính trị gia EU lại thường ở thế bị động.

EU bị cuốn vào cuộc chiến Ukraine và khủng hoảng năng lượng, buộc phải phụ thuộc một nửa lượng nhập khẩu khí hóa lỏng từ Mỹ. Trước sự lệ thuộc nguy hiểm này, EU phải tập trung vào việc cải tổ nội bộ, chấp nhận những đau thương nội tại, sẵn sàng thương thảo và chỉ đáp trả khi bị "dồn ép". Chính điều này khiến Mỹ càng muốn nắm cơ hội gây sức ép lên EU trong cuộc chiến thuế quan hiện nay.

Thế yếu của EU

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố vào trưa 10-4 (giờ Berlin): "Chúng tôi muốn tạo cơ hội cho các cuộc đàm phán. Nếu các cuộc đàm phán không dẫn đến kết quả khả quan, các biện pháp đối phó của chúng tôi sẽ có hiệu lực".

Điều này cho thấy các nước EU đã nhất trí có thể đáp trả mức thuế từ 10 - 25% tùy mặt hàng do Mỹ áp đặt, trong khi vẫn ưu tiên giải pháp ngoại giao. Tuy nhiên, tình hình kinh tế suy thoái hiện tại với GDP Đức giảm xuống -0,2% năm 2024 (theo Trading Economics) đặt EU vào thế yếu trong cuộc đàm phán này.

Thuế quan Mỹ bủa vây kinh tế Đức - Ảnh 3.Thuế quan ông Trump: Xem ai chịu đau hay hơn?

Các sắc thuế dồn dập đánh lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump về cơ bản đã chấm dứt thương mại chính thức giữa hai quốc gia, theo nhận định của nhiều kinh tế gia.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên