03/01/2018 10:30 GMT+7

Thuê hiệu trưởng, trường nghề nói gì?

TRẦN HUỲNH - NGỌC HÀ ghi
TRẦN HUỲNH - NGỌC HÀ ghi

TTO - Bộ trưởng Lao động-thương binh và xã hội khẳng định các trường nghề được phép thuê hiệu trưởng. Các trường nghề nói gì về việc này?

Thuê hiệu trưởng, trường nghề nói gì? - Ảnh 1.

Sinh viên Trường cao đẳng kỹ nghệ II, TP.HCM trong giờ thực hành - Ảnh: NHƯ HÙNG

Không nhất thiết phải thuê hiệu trưởng

Theo Tiến sĩ (TS) Nguyễn Trần Nghĩa - nguyên hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề TP.HCM, khi thuê hiệu trưởng, các trường sẽ biết rõ được năng lực của người làm thuê ở vị trí hiệu trưởng và có nhiều lựa chọn hơn. Nếu hiệu trưởng làm việc không hiệu quả, hội đồng trường sẽ thuê người khác thay thế.

"Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu đội ngũ hiện tại của trường tốt thì không nhất thiết phải thuê hiệu trưởng. Từ đội ngũ tại chỗ của nhà trường cũng có thể đào tạo, bồi dưỡng ra hiệu trưởng giỏi", TS Nghĩa nói.

Trong khi đó Phó Giáo sư.TS Nguyễn Đức Minh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại, cho rằng Bộ LĐ-TB&XH phải ban hành thông tư mới tạo hành lang pháp lý cho các trường thực hiện. 

Đồng thời khi đã trao quyền quyết định công nhận hiệu trưởng cho hội đồng trường, hay nói cách khác là được quyền thuê hiệu trưởng, cần phải tính lại thành phần tham gia hội đồng trường. 

Để thuê hiệu trưởng, các trường phải có tiền. Điều này có nghĩa tất cả các trường nghề công lập đều phải tự chủ hoàn toàn, được thu học phí cao hơn mới có tiền để thuê hiệu trưởng. Trong khi hiện nay học phí các trường nghề khá thấp. 

Nếu tăng học phí, các trường tự chủ mới sẽ rất khó tuyển sinh. Khi thực hiện tự chủ, các trường sẽ bị cắt ngân sách thì không ai dám bung ra tự chủ. Vì thế, tất cả các trường nghề công lập phải thực hiện cơ chế tự chủ cùng lúc mới công bằng.

Cơ chế phải đủ sức hấp dẫn

Cho rằng chủ trương cho phép trường công lập thuê hiệu trưởng là xu thế hiện đại, nhằm vận hành nhà trường theo mô hình doanh nghiệp, ông Nguyễn Tiến Tùng (hiệu trưởng Trường CĐ Công nghiệp Phúc Yên) chia sẻ: "Đừng nghĩ chủ trương này xuất hiện vì đội ngũ hiệu trưởng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập hiện tại không đảm đương được công việc của mình.

Thực tế, trong đội ngũ hiệu trưởng hiện có của các trường CĐ, trung cấp... không thiếu những người có đủ năng lực, phẩm chất để điều hành nhà trường hiệu quả theo bối cảnh hiện tại. 

Vấn đề là để các hiệu trưởng phát huy được khả năng của mình, đóng vai trò như một CEO trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì rất cần cơ chế hỗ trợ phù hợp của Nhà nước và được trả công xứng đáng. 

Ngoài ra, nhận thức xã hội về vai trò của giáo dục nghề nghiệp phải thay đổi, quan niệm phân biệt bằng cấp (đại học hay dạy nghề) cần được dần xóa bỏ mới tác động tích cực đến sự thay đổi của hệ thống, người điều hành nhà trường giáo dục nghề nghiệp mới phát huy tối đa năng lực của mình.

Cũng phải nói thêm việc thuê hiệu trưởng chỉ có hiệu quả cao khi trường công đã tổ chức được một hội đồng trường đúng nghĩa".

"Với chủ trương cho phép trường công lập được thuê hiệu trưởng, rất cần nghiên cứu kỹ lưỡng để thực hiện theo lộ trình phù hợp", lãnh đạo Trường CĐ Du lịch Hải Phòng nêu ý kiến.

Theo vị này, thực tế các trường ngoài công lập đã thuê hiệu trưởng từ lâu và đó là một hình thức đầu tư. Với trường công, nếu thuê hiệu trưởng cũng cần xác định đây là một hình thức đầu tư của Nhà nước.

Tuy nhiên, lâu nay hiệu trưởng trường công đều được bổ nhiệm bởi cấp có thẩm quyền, còn nếu thuê hiệu trưởng lại thực hiện theo cơ chế hợp đồng. Chưa kể hiệu trưởng trường CĐ còn phải đảm bảo các tiêu chuẩn cụ thể hiện hành như: trình độ đào tạo, nhân sự biên chế, chuyên viên chính, trình độ cao cấp về lý luận chính trị...

Nếu thực hiện chủ trương này, trước hết phải điều chỉnh một số quy định hiện hành có thể gây khó khăn cho việc ký hợp đồng thuê hiệu trưởng điều hành nhà trường.

Ngoài ra, thuê hiệu trưởng là để tìm người giỏi nhất, phù hợp nhất điều hành cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Nhưng nếu muốn thu hút người có tố chất như vậy, cần một cơ chế đủ sức hấp dẫn.

Song thực tế giáo dục nghề nghiệp vẫn chịu nhiều thiệt thòi trong cách nhìn nhận, đánh giá của xã hội, bởi tư duy bằng cấp còn khá nặng nề.

Như vậy, câu chuyện dài hơi hơn, có tính quyết định hơn, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn ở nhiều cấp chính là làm sao nâng cao vị thế giáo dục nghề nghiệp, tăng sức hút với phụ huynh và thí sinh.

Cần có lộ trình phù hợp

Theo bà Nguyễn Thị Hằng (hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ II, TP.HCM), khi các trường hoạt động theo cơ chế hội đồng trường thì chủ trương thuê hiệu trưởng là rất đúng. Khi hiệu trưởng là người được thuê, họ sẽ làm việc có trách nhiệm hơn, từ đó việc điều hành nhà trường hiệu quả hơn.

"Tôi cho rằng hiệu trưởng làm thuê vẫn đảm bảo được các quyền của người điều hành trực tiếp nhà trường, đồng thời phải thực hiện theo quyết nghị của hội đồng trường, nên chắc chắn công việc sẽ hiệu quả hơn", bà Hằng nói.

Còn ông Nguyễn Tiến Tùng (hiệu trưởng Trường CĐ Công nghiệp Phúc Yên) cho rằng: "Quyết sách trường công được thuê hiệu trưởng là một chủ trương có tính chiến lược lâu dài, nhưng cần có lộ trình phù hợp và cơ chế thực hiện đảm bảo tính khả thi cao".

TRẦN HUỲNH - NGỌC HÀ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên