17/10/2019 06:27 GMT+7

Thuê đất trồng rau... cho người khác

THÀNH NHƠN
THÀNH NHƠN

TTO - Chiều muộn, những vạt nắng cuối ngày chiếu nghiêng trên cánh đồng trồng rau xanh tốt tại xã Định An, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp. Nơi ấy hứng bao giọt mồ hôi của những tấm lòng thiện nguyện vì người nghèo.

Thuê đất trồng rau... cho người khác - Ảnh 1.

Tổ cất nhà tình thương số 2 dựng nhà cho người nghèo - Ảnh THÀNH NHƠN

Men theo con đường nhỏ, băng qua những liếp hành, khổ qua (mướp đắng), bí đao xanh mướt, chúng tôi bắt gặp ông Lê Hữu Phần - chi hội viên Hội Chữ thập đỏ xã Định An - đang nhanh tay bắt từng ngọn dưa leo cố định lên giàn.

Cọng rau, hạt lúa vì người nghèo  

Quệt vội mồ hôi trên vầng trán ướt đẫm, ông Phần hào hứng khoe: "Đợt này dưa leo trồng mới được tầm 20 ngày mà tốt ghê, chừng 10 ngày nữa là bắt đầu cho thu hoạch lứa trái đầu. Nếu vụ dưa này mà trúng giá nữa là sẽ có thêm kinh phí mua xe đạp cho mấy học trò nghèo. Nghĩ đến thôi là đã sướng rơn người, thiệt hả dạ hết sức".

Ông Phần tâm sự thay vì phải thường xuyên đi vận động các nhà hảo tâm để gây quỹ chi cho các hoạt động như giúp đỡ học sinh khó khăn, các hộ gia đình nghèo khó tại huyện Lấp Vò, các chi hội chữ thập đỏ xã đã tạo nhiều mô hình hay từ việc cùng nhau thuê đất trồng rau, trồng lúa lấy lợi nhuận mua sách vở, cất nhà tình thương, xây cầu...

Triển khai từ năm 2016, thấm thoát đã 3 năm Hội Chữ thập đỏ xã Định An triển khai mô hình trồng rau màu gây quỹ giúp đỡ người nghèo. Xuất phát từ mô hình trồng cây bạch đàn xây nhà tình thương mà nhiều địa phương trong cả nước đang thực hiện, vận dụng vào điều kiện thổ nhưỡng địa phương là vùng chuyên canh rau màu lớn nhất nhì tỉnh Đồng Tháp, mô hình trồng rau màu tại xã Định An ra đời.

Các thành viên của hội thuê đất của người dân hoặc tận dụng phần đất của chính các thành viên trong hội, sau đó tiến hành canh tác rau màu. Tính trung bình một vụ rau màu chỉ khoảng 2 tháng, do đó trong vòng 1 năm có thể luân phiên canh tác từ 4 đến 5 vụ rau màu khác nhau như khổ qua, dưa leo, củ cải trắng. Trừ chi phí đầu tư ban đầu, toàn bộ phần lãi sẽ được đưa vào quỹ để chi giúp đỡ các gia đình hoàn cảnh nghèo khó.

"Mùa rồi chỉ trồng 2.500m2 dưa leo mà thu được đến 7 tấn dưa. Mặc dù giá dưa thời điểm bán ra rẻ bèo, chỉ có 3.000 đồng/kg mà cũng thu ngót nghét gần 20 triệu đồng. Sau khi trừ hết chi phí này nọ cũng dư gần 10 triệu đồng góp quỹ mua xe đạp cho tụi nhỏ", ông Phần hào hứng chia sẻ.

Một vụ dưa leo, khổ qua trung bình chỉ khoảng 1 tháng từ lúc gieo trồng là bắt đầu cho thu hoạch. Tùy mùa mưa hoặc mùa nắng mà thời gian thu hoạch có thể kéo dài từ 20 ngày đến một tháng. Sau khi trừ chi phí hạt giống, màn phủ, giàn leo... thì có thể thu lãi từ 4 đến 7 triệu đồng/1.000m2.

Còn tại xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò, thay vì trồng rau, các thành viên Hội Chữ thập đỏ xã đã thuê lại đất của người dân để canh tác lúa. Tùy vào khả năng, thời gian rảnh rỗi sắp xếp được mà mỗi thành viên sẽ phân công đảm nhận các công việc khác nhau như cày bừa, rải phân, xịt thuốc, thu hoạch...

Khởi đầu từ năm 2010, đến nay sau hơn 8 năm thuê đất trồng lúa gây quỹ, Hội Chữ thập đỏ xã đã thu được hơn 25 tấn lúa. Số lúa trên sau khi xay xát được cấp phát cho những hoàn cảnh nghèo khó, phục vụ nấu cơm từ thiện đưa vào các bệnh viện đa khoa trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Thuê đất trồng rau... cho người khác - Ảnh 2.

Tấm lòng đến với người nghèo - Ảnh :THÀNH NHƠN

Tận tâm với người nghèo

Theo ông Ngô Hoàng Nam - chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Định An, sau 3 năm thực hiện mô hình trồng rau gây quỹ từ thiện, nhiều hoàn cảnh khó khăn tại địa phương đã được giúp đỡ. Ngoài việc trích chi phí mua xe đạp cho các học sinh nghèo vượt khó, hội còn trích quỹ xây cầu, xây nhà tình thương cũng như cấp phát gạo miễn phí cho người nghèo. Như vụ dưa leo vừa qua, quỹ đã trích tiền mua xe đạp tặng các em học sinh Trường THCS Định An.

"Nhìn mấy đứa không có xe đến trường, nhiều hôm trễ phải chạy vắt giò lên cổ, tội nghiệp lắm. Chạnh lòng, mình đi vận động mạnh thường quân bên ngoài xã hội giúp đỡ thì gặp nhiều khó khăn lắm. Nhiều người hoài nghi, không hiểu rõ mục đích công việc của mình, nên nhiều lúc cũng nản. Bây giờ nhờ nguồn quỹ từ mô hình, mình có thêm nguồn tài chính, bớt gánh nặng xoay xở tiền bạc, để dành thời gian tận tâm cho việc làm thiện nguyện", ông Nam tâm tình.

Ông Nguyễn Văn Mốt, thành viên điều hành quản lý bếp ăn Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc, cho biết nguồn kinh phí duy trì bếp ăn của bệnh viện phần lớn đến từ các nhà hảo tâm từ việc ủng hộ gạo, rau củ... Trong đó, các chi hội chữ thập đỏ từ huyện Lấp Vò như tại xã Định An, Tân Khánh Trung... đều đặn đóng góp giúp bếp ăn duy trì và lớn mạnh. 

"Tất cả tấm lòng của các mạnh thường quân đều đáng trân quý. Của ít lòng nhiều, từ nguồn tiền, hiện vật mà bệnh nhân, người nuôi bệnh tại bệnh viện có được bữa ăn tươm tất, giảm bớt gánh nặng mưu sinh", ông Mốt chia sẻ.

Bà Trần Kim Đổi - phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Lấp Vò - kể thời gian qua các chi hội chữ thập đỏ thành viên đã thực hiện nhiều mô hình, cách làm hay để gây quỹ giúp đỡ người nghèo.

 "Mặc dù số tiền không lớn nhưng ý nghĩa từ các hoạt động thiện nguyện đáng trân trọng vô cùng. Nhiều hội viên dù bận rộn với việc nhà, đồng áng nhưng vẫn dành thời gian để đóng góp công sức làm ra hạt lúa, cọng rau lấy quỹ giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Tinh thần lá lành đùm lá rách được duy trì và phát huy nhờ sự chung tay của mọi người", bà Đổi tâm tình.

Cách làm hay cần nhân rộng

Theo ông Đặng Hữu Tâm - chủ tịch UBND huyện Lấp Vò, mô hình trồng rau, làm lúa gây quỹ giúp đỡ người nghèo thời gian qua tại một số hội chữ thập đỏ xã đã thu được kết quả tích cực. Số tiền không nhiều nhưng "góp gió thành bão".

"Thời gian tới, ủy ban huyện sẽ đề nghị khen thưởng, đồng thời nhân rộng mô hình ra nhiều hội chữ thập đỏ tại nhiều xã khác. Từ đó sẽ có thêm nhiều cách làm hay, nhiều hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ", ông Tâm chia sẻ.

105

Đó là số căn nhà tình thương do tổ cất nhà tình thương số 2 xã Định Yên (Đồng Tháp) cất từ đầu năm đến nay ở trong và ngoài tỉnh nhờ nhiều nông dân hùn nhau góp công, góp sức vì người nghèo.

"Nông dân chúng tôi tuy nghèo cực nhưng không nề hà việc nghĩa. Thêm một ngôi nhà tinh tươm cho đồng bào là thêm nhiều nụ cười hạnh phúc" - ông Huỳnh Phú Quán, tổ phó tổ cất nhà tình thương số 2, bày tỏ.

Nhiều địa phương "lá lành đùm lá rách"

* Ngày 16-10, tại Cần Thơ, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Cần Thơ tổ chức lễ phát động tháng cao điểm "Vì người nghèo", kêu gọi ủng hộ quỹ vì người nghèo và chương trình an sinh xã hội năm 2019. Chương trình nhằm kêu gọi nguồn lực xã hội, phát huy truyền thống đạo đức "lá lành đùm lá rách" tốt đẹp của dân tộc, hỗ trợ người nghèo giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống.

* Cùng ngày, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lễ phát động tháng cao điểm "Vì người nghèo". Tại buổi lễ, ban tổ chức đã tiếp nhận hơn 740 triệu đồng của 56 cơ quan, đơn vị, tổ chức tôn giáo, doanh nghiệp và nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh ủng hộ.

* Ủy ban MTTQ tỉnh Kon Tum trong ngày 16-10 cũng tổ chức lễ phát động hưởng ứng tháng cao điểm "Vì người nghèo" năm 2019. Tại buổi lễ, đã có 26 đơn vị, địa phương đăng ký tham gia ủng hộ quỹ vì người nghèo từ tháng 10-2019 đến tháng

10-2020 với số tiền đăng ký quyên góp gần 9 tỉ đồng.

Thủ tướng tặng bóng và áo U23 để đấu giá vì người nghèo Thủ tướng tặng bóng và áo U23 để đấu giá vì người nghèo

TTO - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tặng quả bóng và áo có đầy đủ chữ ký các thành viên đội tuyển U23 Việt Nam để đấu giá ủng hộ người nghèo.

THÀNH NHƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên