Sinh viên Nguyễn Anh Tuấn thuyết trình về đề tài nghiên cứu tại vòng chung kết cuộc thi - Ảnh: Q.L. |
Các cuộc thi thế này cần có hội đồng khoa học tư vấn để giúp thí sinh nhận ra năng lực cá nhân, giá trị thật sự của đề tài nghiên cứu, nhất là kích thích khả năng hơn là đặt vào bất cứ khuôn mẫu nào mới khơi dậy sự sáng tạo và nghiên cứu mới sát thực tiễn |
PGS.TS TỪ DIỆP CÔNG THÀNH (phó ban khoa học công nghệ ĐH Quốc gia TP.HCM) |
1. Đi từ vấn nạn ô nhiễm môi trường, nguồn nước ngày càng nghiêm trọng hiện nay, bạn Nguyễn Anh Tuấn tìm cách xử lý nước thải nhiễm kim loại nặng bằng phương pháp keo tụ điện hóa. Theo Tuấn, vì kinh phí lớn nên nhiều đơn vị sẵn sàng thải ra môi trường nguồn nước còn chứa nhiều kim loại nặng vô cùng độc hại cho vi sinh vật trong nước.
Tuấn cho rằng nếu được hướng dẫn để mở rộng hướng nghiên cứu, đề tài có thể áp dụng cho xử lý nước ở các khu công nghiệp với kinh phí tương đối thấp so với các công nghệ xử lý hiện nay.
Cùng chọn xử lý nước thải song nhóm bạn Phạm Văn Phát và Lê Thanh Tú dùng vi tảo xử lý nước thải trong chế biến thủy sản, kết hợp chiết xuất nhiên liệu sinh học. “Tảo sinh trưởng, phát triển nhanh và đa dạng trong tự nhiên nên tận dụng ngay nguồn nguyên liệu này xử lý nước thải sẽ cho hiệu quả cao, kinh phí thấp” - Phát giải thích.
Nước thải được đưa qua hệ thống xử lý có cấy vi tảo cộng với các phản ứng hóa học, sau quá trình xử lý sẽ tạo thành nguồn nước đạt chuẩn, đồng thời tách được lượng dầu khá lớn có sẵn trong nước thải từ quy trình chế biến thủy sản, xử lý thành nhiên liệu sinh học. Xác tảo sau khi xử lý nước sẽ tận dụng làm phân bón.
2. Cuộc thi còn ghi nhận nhiều sáng tạo hướng đến phục vụ đời sống cộng đồng, trong đó nổi bật là thiết bị giao tiếp cho người câm điếc. Thiết bị kết nối với điện thoại, khi tiếp nhận các ngôn ngữ ký hiệu của người câm điếc sẽ “đọc” thành ngôn ngữ văn bản chuyển tải qua điện thoại thành ngôn ngữ giao tiếp với người bình thường.
Nhóm sinh viên thực hiện Dương Nguyễn Anh Khoa, Nguyễn Hương Thu và Mai Hoàng Hưng rất tự tin khi bàn về tính khả thi của sản phẩm. “Mỗi người dùng đều có khả năng tự “dạy” để thiết bị nhận biết các ký hiệu của riêng mình và biến thành ngôn ngữ giao tiếp trong tình trạng ngôn ngữ ký hiệu của người câm điếc không hoàn toàn thống nhất hiện nay” - Hoàng Hưng chia sẻ.
Nhiều đề tài đi từ thực tế khác như băng cá nhân sinh học của Phạm Văn Phát và Nguyễn Thị Thanh Thảo; Isystem - hệ thống hỗ trợ người khuyết tật sử dụng các thiết bị điện bằng giọng nói của Phạm Thành Kỳ Hưng và Nguyễn Duy Tâm; nghiên cứu chiết xuất bixin từ cây điều nhuộm; bước đầu nghiên cứu thuốc điều trị bệnh tiểu đường của hai học sinh Trương Tấn Sang và Phạm Tôn Bảo An (Trường phổ thông Năng khiếu)...
3. Lần tổ chức cuộc thi thứ 9 này cũng đặt ra nhiều câu hỏi. Bí thư Đoàn trường Nguyễn Thái Hà băn khoăn việc kết nối với doanh nghiệp, cộng đồng để biến ý tưởng thành sản phẩm hữu dụng cho cuộc sống còn nhiều trở ngại.
“Phải kết nối từ sinh viên đến nhà trường với doanh nghiệp và phải làm ngay để những ý tưởng không làm lãng phí công sức nghiên cứu của sinh viên” - anh Hà nói.
Chưa kể vẫn còn vài ý tưởng chưa mang nhiều yếu tố sáng tạo, có ý tưởng gần như nghiên cứu lại kết quả đã có, thậm chí đã có sản phẩm trên thị trường. Cũng có ý tưởng bay bổng, đặt ra mục tiêu nghiên cứu quá rộng nên thiếu khả thi và “sinh viên đang tự làm khó chính mình trên con đường khoa học” như đánh giá của hội đồng giám khảo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận