19/07/2019 10:42 GMT+7

Thực hiện ước mơ ở tuổi xế chiều - Kỳ cuối: Những giấc mơ dang dở

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Căn phòng khách của gia đình bà Nguyễn Hoa Hồng ở đường Phạm Thế Hiển (Q.8, TP.HCM) trở nên duyên dáng, lãng mạn và nhẹ nhàng bởi những bức tranh vẽ hoa và phong cảnh rất đẹp.

Thực hiện ước mơ ở tuổi xế chiều - Kỳ cuối: Những giấc mơ dang dở - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Hoa Hồng - Ảnh: MY LĂNG

Tôi mong sẽ có một lần được cùng mẹ trình diễn trên sân khấu. Mẹ thích múa nhưng không có điều kiện để làm được thì bây giờ tôi sẽ là người giúp mẹ thực hiện được ước muốn ấy.

Diễn viên ĐỖ HẢI ANH

Thật bất ngờ khi biết đó là những tác phẩm do tự tay bà Hồng vẽ. Ở một góc của phòng khách là giá vẽ, những hộp màu, giấy và cọ. Đó là thế giới riêng của người phụ nữ đã bước sang tuổi 62 này.

Ước mơ dang dở tuổi 15

Được học vẽ, trở thành họa sĩ là ước mơ của bà Hồng từ khi còn là cô học sinh cấp III Trường Gia Long. "15 tuổi tôi đã chọn hội họa và học vẽ với cô Hiếu Hạnh. Ngày xưa tôi mê vẽ lắm. Cô Hạnh nói em có năng khiếu rồi, đến nhà cô học đi, cô không lấy tiền. Tôi cứ nghĩ mình sẽ học mỹ thuật để sau này được vẽ như cô Hạnh. Khi ba cô Hạnh mất, cô không dạy vẽ nữa nên tôi mới nghỉ" - bà Hồng nhớ lại.

Yêu hội họa nhưng cuộc đời lại đưa đẩy bà Hồng thành cô giáo dạy văn sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm TP.HCM. Dạy học ở Long An năm năm, cô Hồng chuyển về Q.10 (TP.HCM) dạy năm năm nữa rồi lập gia đình. Không lâu sau cô sinh con.

Mẹ chồng bị mù, không thể giữ cháu. Khi đó chưa có nhà trẻ như sau này, cô đành phải nghỉ dạy ở nhà chăm con. Rồi bé thứ hai ra đời. Đang lúc giảm biên chế, cô khó xin đi dạy lại được. Chồng cô cũng là giáo viên.

"Xưa đồng lương giáo viên ít lắm. Hồi còn đi dạy thì tôi tranh thủ đi học may, học thêu. Ban ngày dạy, tối về thức đêm may quần áo. Khi không dạy nữa thì ở nhà lãnh hàng may gia công, hàng xuất khẩu rồi dạy thêm" - bà Hồng kể.

Lần nào đi ngang Trường cao đẳng Mỹ thuật TP.HCM, bà Hồng cũng tiếc nuối. Cuộc sống tần tảo, bộn bề dần cuốn đi ước mơ trở thành họa sĩ của bà. Con gái lớn vô đại học, ra trường rồi thằng út đi làm, chỉ còn lại một mình trong căn nhà, sự cô đơn khiến bà Hồng lại nghĩ đến hội họa.

Hai năm trước, vô tình đọc bài viết về lớp học vẽ mỹ thuật Bụi trên báo Tuổi Trẻ, bà đi đăng ký học. 60 tuổi bà mới học vẽ lại. Hai năm nay bà không chỉ học một vài khóa mà học gần hết: vẽ hình họa, vẽ màu nước, vẽ sơn dầu, vẽ phong cảnh, vẽ chân dung, vẽ tĩnh vật. "Khi đi học vẽ, tôi được trở lại thời thanh xuân. Khi vẽ tôi nhớ lại tuổi trẻ của mình" - bà nói.

Tâm nguyện của bà Hồng bây giờ là học để vẽ thật đẹp rồi bán tranh gây quỹ từ thiện giúp trẻ em nghèo được đến trường, giúp bệnh nhân bị ung thư, bị phong... Bà đã bán được ba bức tranh gây quỹ. Tuổi đã già, bà Hồng lại bắt đầu một hành trình mới của mình qua hội họa.

Thực hiện ước mơ ở tuổi xế chiều - Kỳ cuối: Những giấc mơ dang dở - Ảnh 3.

Bà Hồ Uyên Thơm được con gái Đỗ Hải Anh dạy múa ballet - Ảnh: NVCC

Sống cho ước mơ năm... 63 tuổi

"Hồi trẻ khi bị ngăn cản, tôi nghĩ chắc không bao giờ thực hiện được đam mê của mình nữa. Sau này lớn tuổi cứ nghĩ là hết rồi. Không ngờ đến khi 63 tuổi rồi lại bắt đầu làm được điều mình mong ước" - bà Hồ Uyên Thơm, 65 tuổi, hiện sống tại Q.Tân Bình (TP.HCM), mỉm cười nhẹ nhàng nói.

"Điều mong ước" mà bà Thơm nói đến chính là đam mê nghệ thuật ca múa. Bà sinh trưởng trong một gia đình gốc Huế truyền thống. Ngày ấy, múa hát bị xem là "xướng ca vô loài". Định kiến ấy trở thành rào cản quá lớn với cô gái nhỏ.

"Bố mẹ tôi cấm không cho theo cái nghề "xướng ca vô loài", bắt phải học cho giỏi, sau này có công việc ổn định, xã hội tôn trọng. Cha mẹ tôi có 13 đứa con, tôi là con thứ hai. Tôi phải làm gương cho các em nên không dám trái lời dù rất buồn" - bà Thơm trải lòng.

Thế rồi cuộc đời đưa đẩy bà Thơm học đại học một thời gian thì bỏ, lập gia đình và sinh con. Ba đứa con gái của bà lần lượt được bà cho đi học múa hát. "Chủ nhật nào tôi cũng chở ba đứa nhỏ lên Nhà văn hóa Thiếu nhi TP.HCM, không cho đứa nào ở nhà. Trâm Anh vô học hát, Hải Anh vô học múa thì Thục Anh ngồi học bài với mẹ. Tôi ngồi chờ hai con học hát, học múa xong lại chở về" - bà Thơm nói.

Trong ba cô con gái thì cô út Hải Anh được bà gửi gắm hi vọng nhiều nhất. 4 tuổi, Hải Anh đã được mẹ cho học múa ballet. Ngày Hải Anh tốt nghiệp cấp III cũng là lúc tốt nghiệp trường múa. "Lúc đầu cháu không thích đâu, từ từ rồi nó lại đam mê" - bà Thơm kể.

Diễn viên múa Đỗ Hải Anh nhớ lại: "Mình không thể quên ánh mắt long lanh của mẹ khi dõi theo từng bước múa của mình. Mặc cho nắng chói hay mưa ngập đến đâu, mẹ cũng ráng chở mình đến lớp múa cho kịp giờ. Càng lớn mình càng hiểu mẹ yêu, đam mê nghệ thuật đến nhường nào".

Đỗ Hải Anh là quán quân cuộc thi Thử thách cùng bước nhảy năm 2015. Năm 2012, Hải Anh được biết đến khi giành giải bạc cuộc thi múa đương đại quốc tế tổ chức tại Hàn Quốc, được chọn biểu diễn cùng đại sứ văn hóa Nhật Bản Kaiji Moriyama và đạo diễn Nguyễn Tấn Lộc trong dự án Kyousie tại Nhật Bản (2013).

Một thời gian sau khi con cái đã lớn, bà Hồ Uyên Thơm mới bắt đầu sống cho mình. Hai năm trước, ở tuổi 63, bà đăng ký lớp học khiêu vũ tại công viên Hoàng Văn Thụ. Có bữa sớm thì học từ 7h-8h về, bữa nào bận thì 8h mới đi học đến 9h về. "Ngày học một tiếng thôi, học nhiều không có sức" - bà Thơm nói.

Sau khoảng thời gian khó khăn ban đầu, bà Hồ Uyên Thơm cũng chạm được tới đam mê, mong ước của mình. "Mở bản nhạc lên, mình đi được mấy điệu, cô giáo dìu đi thấy phiêu phiêu, thích lắm. Cảm giác đó không diễn tả bằng lời được" - bà Thơm nói. Trước đó, bà được con gái út dạy múa ballet tại trường múa do chính cô mở ở đường Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình).

"Điều khó khăn nhất khi tập múa cho mẹ chính là sức khỏe. Mẹ không còn dẻo dai như xưa, cột sống đã bắt đầu yếu đi rất nhiều. Mình phải chia thời gian theo sức của mẹ để mẹ vẫn thoải mái mà không bị đuối sức với những động tác múa" - diễn viên múa Đỗ Hải Anh kể.

Thực hiện ước mơ ở tuổi xế chiều - Kỳ cuối: Những giấc mơ dang dở - Ảnh 4.

Một tác phẩm của “họa sĩ” U70 Nguyễn Hoa Hồng - Ảnh: MY LĂNG

"Cảm ơn hội họa"

Chúng tôi đến khi bà Hồng đang vẽ bức tranh phong cảnh có cây hoa tím lãng mạn với chất liệu bột màu. "Cảm ơn đời đã có môn hội họa, làm cho cuộc sống mình phong phú hơn. Cuộc đời mình có những nốt lặng. Khi buồn, mình vẽ tranh sẽ chia sẻ được nỗi buồn ấy. Vì vẽ tranh mất nhiều thời gian lắm, mình phải thả hồn vào từng nét cọ, từng gam màu. Vẽ xong nỗi buồn cũng vơi đi, làm cho mình cân bằng cuộc sống" - bà Hồng cho hay.

Thực hiện ước mơ ở tuổi xế chiều - Kỳ 7: Dự án của lão họa sĩ 73 tuổi Thực hiện ước mơ ở tuổi xế chiều - Kỳ 7: Dự án của lão họa sĩ 73 tuổi

TTO - sáng 17-6-2019, tại Phòng Lao động - thương binh và xã hội của thị trấn Sơn Dương (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), lão họa sĩ 73 tuổi Đặng Ái Việt (TP.HCM) được trưởng phòng trao danh sách năm mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) còn sống.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên