17/07/2019 11:42 GMT+7

Thực hiện ước mơ ở tuổi xế chiều - Kỳ 6: Cụ sinh viên 86 tuổi

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Trên tường nhà cụ Cao Nhất Linh, 86 tuổi, ở Cổ Nhuế (Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội) treo chiếc đồng hồ do Trường ĐH Đông Đô tặng. 84 tuổi mới vào đại học, ông là sinh viên khoa luật kinh tế Trường ĐH Đông Đô.

Thực hiện ước mơ ở tuổi xế chiều - Kỳ 6: Cụ sinh viên 86 tuổi - Ảnh 1.

Cụ Cao Nhất Li nh - Ảnh: M.LĂNG

Việc học đại học là giấc mơ của tôi từ thuở bé. Tôi không bao giờ quên việc học nhưng hoàn cảnh khó khăn, tôi phải dang dở việc học.

Cụ CAO NHẤT LINH

Ông cụ sinh viên đang ngồi đọc giáo trình môn Luật hành chính. Góc học tập của ông là cái bàn gỗ nhỏ, thấp, kê ngay cạnh cửa sổ đầy ánh sáng trời.

"Chiều mai lớp tôi thi Luật hành chính. Chúng tôi vừa thi xong môn Luật hiến pháp Việt Nam và Luật tố tụng dân sự. 86 tuổi nhưng tôi nộp bài sớm nhất lớp đấy" - cụ Linh mỉm cười cho hay.

Thời thanh niên gian khó

Hai năm trước, ở tuổi 84 - những năm tháng cuối muộn của cuộc đời, ông cụ mới bắt đầu được làm sinh viên tại một trường đại học. Đôi bàn tay với những ngón chai sần, nổi cục - dấu vết của một thời tuổi trẻ bôn ba - giờ không phải cầm cuốc, cầm bay, xếp gạch... nữa, mà lật giở từng trang giáo trình, cầm bút ghi chép bài học với tư cách một sinh viên đại học.

Hỏi ông đi học đại học ở cái tuổi này có khó không, ông cụ nói ngay: "Học không thấy khó mà rất thích".

Bạn Vũ Viết An, 20 tuổi, lớp trưởng khóa 22 khoa luật kinh tế, cho biết: "Lớp mình ai cũng ngưỡng mộ tinh thần hiếu học của bác. Bác đi học chăm nhất, sôi nổi phát biểu nhất lớp. Bác lớn tuổi nhưng khả năng tiếp thu kiến thức của bác nhiều khi tụi mình không bằng. Trong lớp bác học khá lắm. Có môn bác được 9 điểm".

Hỏi sao lại đi học đại học ở cái tuổi mà không ai nghĩ đến, ông cụ lại mỉm cười, từ tốn nói: "Cuộc đời tôi có nhiều thăng trầm lắm. Tôi sinh ra và lớn lên khi đất nước bị Pháp đô hộ, trưởng thành trong thời đánh Mỹ và chứng kiến đất nước hai miền Bắc - Nam thống nhất.

Năm 1955, bố mẹ tôi bị tố là địa chủ, bị tịch thu toàn bộ nhà cửa, ruộng đồng. Cả nhà phải ở trong một túp lều, tôi phải bỏ học...".

22 tuổi, ông đi Sơn La làm công nhân xây dựng công trường rồi lên Lào Cai làm phụ nề. 27 tuổi, ông về quê xin vào làm trong các HTX xây dựng.

"Việc học đại học là giấc mơ của tôi từ thuở bé. Tôi không bao giờ quên việc học nhưng hoàn cảnh khó khăn, tôi phải dang dở việc học" - cụ Cao Nhất Linh tâm sự.

Ngày đó, trên công trường làm rất vất vả lại thiếu ăn, ông vẫn tự học toán, lý, hóa, văn, sử, địa.

"Lúc bấy giờ sách rất hiếm - Ông kể - Tôi phải viết thư gửi về hiệu sách ở Tràng Tiền thuyết phục người ta bán sách giáo khoa và gửi lên cho tôi học".

Năm 1961, khi về Hà Nội ông vẫn kiên trì tự học.

"Tôi là thợ xây dựng, suốt ngày làm việc trên công trường nhưng đêm nào cũng dậy đọc sách. Khi học tôi không bao giờ thấy mệt. Tối ăn cơm xong là tự học rồi ngủ một vài tiếng, thức dậy là tôi lại học" - ông kể.

Thời đó không có điện. Ông thắp đèn thong phong đốt bằng dầu hỏa. Cả nhà chỉ có một cái đèn thong phong để dùng, ông phải chờ cả nhà ngủ hết mới học.

Năm 1965, lấy vợ rồi ông vẫn tiếp tục tự học, vẫn ấp ủ ước mơ thi đậu đại học. Tháng 12-1968, sau khi tự học xong chương trình lớp 12, ông tìm đến Sở Giáo dục Hà Nội đăng ký thi cấp III bổ túc văn hóa.

Thật bất ngờ, ông thi đậu và được Sở Giáo dục Hà Nội cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp.

"Nhiều năm trước tôi muốn học đại học nhưng lúc bấy giờ giáo dục Việt Nam chưa có chế độ học tại chức, vừa học vừa làm nên tôi không có cơ hội để học đại học sớm hơn".

Thực hiện ước mơ ở tuổi xế chiều - Kỳ 6: Cụ sinh viên 86 tuổi - Ảnh 3.

Ở tuổi 86, ông cụ vẫn tự đạp xe đi học và hạnh phúc vì ước mơ khao khát cả cuộc đời đã thành hiện thực - Ảnh: M.LĂNG

84 tuổi mới vào đại học

"Tôi đã đi gõ cửa nhiều trường đại học nhưng người ta không cho tôi cơ hội" - cụ Cao Nhất Linh cho hay.

Ông kể năm 2015, ông thi vào một trường đại học ở Hà Nội, hệ tại chức. Trường lấy đầu vào 12 điểm, ông thi được 11 điểm, thiếu 1 điểm nên rớt. Ông viết đơn trình bày xin được ưu tiên 1 điểm cho người già nhưng không nhận được câu trả lời.

Năm 2016, ông lại nộp hồ sơ vào một trường đại học, đăng ký ngành kỹ sư hàng hải nhưng năm đó không đủ chỉ tiêu nên trường chưa mở ngành này. Năm 2017, khi ông đến thì sinh viên đã nhập học rồi.

Không nản, ông tìm đến Trường đại học Đông Đô.

"Phòng giáo vụ yêu cầu tôi phải có hồ sơ, nhiều giấy tờ lắm. Giấy xin vào học phải có hồ sơ của Bộ Giáo dục - đào tạo. Tôi nhờ người mua giúp hai bộ hồ sơ. Tôi phải làm giấy trình bày với ban giám hiệu là ngày xưa tự học bổ túc văn hóa nên không có học bạ.

Tôi gửi kèm bài thơ nói lên khát vọng được học đại học từ thuở bé đến bây giờ. TS Dương Văn Hòa là hiệu trưởng nhà trường, xem giấy, xem thơ xong và chấp nhận cho tôi vào học, lại còn giảm học phí 50% cho tôi. Tôi rất cảm ơn Trường ĐH Đông Đô" - cụ nói.

Tháng 10-2017, ở tuổi 84, ông cụ trở thành sinh viên năm nhất khoa luật kinh tế Trường ĐH Đông Đô.

"Ngày đầu tiên đi học, cô giáo vụ dẫn tôi lên và đưa vào lớp. Thầy giáo dạy môn Luật quốc tế cũng bước đến chào đón. Tôi bắt tay thầy giáo, quay xuống chào. Cả lớp vỗ tay chào đón. Tôi vui, phấn khởi lắm. Một bạn nam sinh viên đứng dậy đón và đưa tôi ngồi bên cạnh" - cụ Linh kể.

Khá thú vị khi biết ông cụ giấu con cháu chuyện mình đi học. "Chỉ có bà nhà tôi biết tôi học đại học - ông nói - Năm nay bà gần 90 rồi vẫn đọc sách và luôn khuyến khích tôi đi học. Con cháu tôi không ai biết. Sợ chúng nó bảo mình già rồi nên dở người.

Có hôm tôi đi học về, con trai hỏi ông đi đâu về đấy, tôi cười chứ không trả lời. Bạn bè tôi cũng không dám nói với ai. Nói ra có người khen, có người chê, bảo già rồi đi học làm gì".

Thực hiện ước mơ ở tuổi xế chiều - Kỳ 6: Cụ sinh viên 86 tuổi - Ảnh 4.

Góc học tập của ông cụ sinh viên khoa luật kinh tế ĐH Đông Đô - Ảnh: MY LĂNG

Đánh đổi tính mệnh để đi học

Ở cái tuổi U90, hằng ngày ông vẫn tự đi học mà không nhờ con cháu chở. Ông đạp xe đi học vì không biết đi xe máy.

Ông nói: "Tôi học ở quận Thanh Xuân nên đạp xe một tiếng đồng hồ mới đến. Hôm nào 8h sáng học thì từ 6h30 tôi đã đạp xe đi. Nếu học 13h30 thì đạp xe từ 12h trưa.

Đường phố Hà Nội ngày nay là đường của ôtô và xe máy chứ không phải đường của người đi xe đạp và đi bộ. Giao thông đi lại nguy hiểm lắm. Tôi thường bị ôtô, xe máy chèn ngã. Tôi đánh đổi cả tính mệnh để đi học vì học đại học là giấc mơ từ thuở bé của tôi".

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên