Đồng thời ông Vũ Đức Đam khẳng định Chính phủ sẽ quyết tâm hơn nữa để xử lý hai điểm nghẽn của doanh nghiệp là hàng tồn kho và nợ xấu.
Phóng to |
Ảnh: VIỆT DŨNG |
Theo ông Vũ Đức Đam, tính đến ngày 20-7, cả nước có gần 40.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 12,7% về số doanh nghiệp so với cùng kỳ 2011. Như vậy, đến nay cả nước có trên 663.800 doanh nghiệp đã thành lập, trong đó có trên 468.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Tuy nhiên, bảy tháng qua cũng có trên 30.300 doanh nghiệp phải giải thể, tạm ngừng hoạt động, tăng 6,4% so với cùng kỳ 2011. Về tổng thể, ông Vũ Đức Đam cho rằng nhiều chuyên gia, tổ chức nước ngoài đánh giá cao về điều hành vĩ mô của Chính phủ theo hướng giữ ổn định đúng nghĩa, theo chu kỳ thời gian dài. Ông Đam cho biết có nhà đầu tư đánh giá nếu tiếp tục chủ trương này thì trong 2-3 năm tới sẽ có làn sóng đầu tư mới đến VN.
Hàng ngàn doanh nghiệp được giảm thuế
"Nếu muốn doanh nghiệp phát triển lâu dài, kinh tế vĩ mô phải ổn định. Muốn lãi suất thấp, lạm phát phải rất thấp. Nên nếu lạm phát năm nay 7%, sang năm phải tiếp tục giảm mới là ổn định lâu dài. Đây mới là vấn đề doanh nghiệp, người dân mong Chính phủ, chứ không phải đưa ra gói kích cầu để lạm phát cao trở lại" |
Tuy nhiên, ông Vũ Đức Đam cũng công nhận kinh tế còn khó khăn, nhiều doanh nghiệp rất khó khăn. Chỉ số sản xuất công nghiệp bảy tháng chỉ bằng trên 54% mức tăng cùng kỳ 2011, CPI (chỉ số giá tiêu dùng) liên tiếp giảm hai tháng...
Trước tình hình bảy tháng qua, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung làm tốt các nghị quyết và thực hiện chín nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, giải pháp quyết liệt đầu tiên là phải cùng doanh nghiệp xử lý hai điểm nghẽn là hàng tồn kho và nợ xấu. Chính phủ cũng đặt vấn đề khẩn trương cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), xử lý các ngân hàng yếu kém và thực hiện điều hành lãi suất, kích thích tăng tín dụng hợp lý nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế...
Theo ông Vũ Đức Đam, trong phiên họp vừa qua Chính phủ đã thảo luận về dự thảo nghị định phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu đối với DNNN và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Theo thông cáo báo chí của Văn phòng Chính phủ, thời gian qua nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa làm tốt vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế, hiệu quả thấp, một số nơi thua lỗ, tiêu cực. Trong nghị định sắp tới, Văn phòng Chính phủ khẳng định sẽ phân công, phân cấp rõ quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ từng cấp, từng cơ quan. Đồng thời xác định rõ đầu mối trong thực hiện quyền, trách nhiệm chủ sở hữu là các bộ quản lý ngành và UBND cấp tỉnh. Các DNNN nắm trên 50% vốn cũng sẽ thuộc diện quản lý để khắc phục bất cập trong quản lý sau cổ phần hóa... Ông Vũ Đức Đam cho biết Chính phủ đã thảo luận kỹ và “tinh thần chung là không quay lại chế độ chủ quản”, nhưng sẽ tăng vai trò thẩm quyền, trách nhiệm của bộ chuyên ngành từ quản lý cán bộ đến quy hoạch, kế hoạch... của các tập đoàn nhà nước.
Lạm phát có khả năng không quá 7%
Tại buổi họp báo, ông Vũ Đức Đam trả lời một số câu hỏi của báo chí.
* CPI giảm lần thứ hai liên tiếp, liệu đã giảm phát chưa, có cần gói kích cầu không?
- Tôi đọc báo thường xuyên mấy hôm nay và thấy các từ rất mạnh như giảm phát, suy giảm, suy giảm kép... Theo thông lệ, nền kinh tế có GDP hai quý liên tiếp tăng trưởng âm thì được coi là suy thoái. Nhưng trong các quý vừa qua, GDP của VN đều tăng, so với các nền kinh tế trên thế giới vẫn thuộc dạng khá cao. Tốc độ tăng GDP thấp hơn các năm trước nhưng không có nghĩa là suy giảm. Chính phủ cũng đã bàn rất sâu về lạm phát. CPI âm hai tháng, nhưng nếu loại bỏ hai mặt hàng là năng lượng và lương thực thường không phụ thuộc vào bản chất nền tài chính tiền tệ thì thực chất CPI hai tháng qua vẫn dương. Có dự kiến CPI tháng 8 tiếp tục âm. Từ nay đến cuối năm, nếu không có điều hành đặc biệt, lạm phát nhiều khả năng không quá 7%. Nhưng xin lưu ý, với các nền kinh tế đang phát triển, lạm phát 7% vẫn là rất cao.
* Nhưng Chính phủ mỗi tháng sẽ tung ra trên 20.000 tỉ đồng, cho ứng trước 30.000 tỉ vốn năm 2013 để đầu tư năm 2012. Làm sao để không tái lạm phát cao?
- Do CPI thấp, dư địa điều hành còn cao. Với chủ trương đầu tư trên 20.000 tỉ đồng/tháng trong sáu tháng cuối năm, một số ý kiến cho rằng Chính phủ “tháo khoán”. Nhưng tiền này thuộc tổng vốn đầu tư công được duyệt từ đầu năm, nên tiêu như thế là trong kế hoạch. Do sáu tháng đầu năm ta giải ngân thấp nên sáu tháng cuối năm phải nhiều lên. Đây không phải gói kích cầu.
Ngoài sử dụng vốn theo kế hoạch, Chính phủ cho phép với công trình cấp bách, nếu có thể hoàn thành ngay trong năm 2012 hoặc đầu 2013 thì được ứng trước vốn của năm 2013. Đây là khía cạnh tái cơ cấu đầu tư công. Không thể chỉ có giãn, cắt mà có công trình cần thiết thì phải đẩy nhanh. Tất nhiên, 30.000 tỉ đồng cho ứng vốn thế nào sẽ phải tính toán để đảm bảo không đẩy lạm phát cao hơn mức đã dự kiến.
* Nghị định quản lý DNNN và vốn nhà nước tại doanh nghiệp có khác gì so với cơ chế hiện nay?
- Nghị định này là nội dung quan trọng trong đề án tái cơ cấu DNNN. Nghị định đã bàn rất nhiều lần, từ năm 2009, với yêu cầu là làm sao bỏ cơ chế chủ quản, tách quản lý nhà nước ra khỏi quản lý doanh nghiệp. DNNN thuộc sở hữu nhà nước, nhưng ai là chủ đại diện? Chính phủ là tập thể, không thể chung chung, thế nên phải quy định rõ quyền hạn Chính phủ làm gì, Thủ tướng làm gì, bộ quản lý chuyên ngành làm gì... Hiện nay ta tạo điều kiện cho doanh nghiệp tự chủ, hội đồng thành viên các DNNN được giao rất nhiều quyền. Nhưng khi có thanh tra, kiểm tra thì không thấy rõ trách nhiệm từng người, từng cơ quan, kể cả trong bộ máy nhà nước. Nghị định mới tựu trung sẽ làm rất rõ trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng, bộ trưởng bộ quản lý chuyên ngành, hội đồng thành viên và thêm một cấp nữa là các bộ quản lý tổng hợp. Định hướng là với doanh nghiệp đặc biệt lớn, các tập đoàn chủ lực thì sẽ tăng quy định trách nhiệm của Thủ tướng; các tổng công ty thì trách nhiệm các bộ trưởng nổi bật hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận