17/01/2020 16:18 GMT+7

Thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên trên thiết bị hạ tầng mạng do Việt Nam sản xuất

T. HÀ
T. HÀ

TTO - Sáng 17-1, cuộc gọi video đầu tiên sử dụng đường truyền dẫn dữ liệu kết nối 5G trên hạ tầng do Việt Nam sản xuất đã được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Chu Ngọc Anh thực hiện. Đây là cuộc gọi 5G đầu tiên trên hạ tầng Make in Viet Nam.

Thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên trên thiết bị hạ tầng mạng do Việt Nam sản xuất - Ảnh 1.

Hai Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ thực hiện cuộc gọi video call 5G đầu tiên trên thiết bị hạ tầng do Việt Nam sản xuất, Ảnh: L.SƠN

Sáng 17-1, tại Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đã đến kiểm tra công tác nghiên cứu, sản xuất thiết bị mạng 5G của Viettel.

Tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã thực hiện cuộc gọi video đầu tiên sử dụng đường truyền dẫn dữ liệu kết nối 5G trên thiết bị thu phát sóng gNodeB do Viettel nghiên cứu và sản xuất,bao gồm cả thiết bị phần cứng và phần mềm.

Đây là cuộc gọi 5G đầu tiên trên hạ tầng Make in Viet Nam (sản xuất tại Việt Nam), đánh dấu việc làm chủ công nghệ 5G.

Đội ngũ kỹ sư của Viettel đã phát triển hệ thống thiết bị gNodeB 5G trong 6 tháng (từ tháng 6 đến tháng 12-2019) với nền tảng kinh nghiệm từ quá trình tự nghiên cứu phát triển trạm thu phát sóng BTS cho 4G - eNodeB và quá trình nghiên cứu tiền khả thi 5G.

Như vậy, sau 8 tháng kể từ ngày Viettel - nhà mạng đầu tiên của Việt Nam, top 50 nhà mạng trên thế giới thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên bằng thiết bị nhập khẩu của đối tác vào tháng 5-2019, Việt Nam đã chính thức làm chủ công nghệ mạng 5G.

Hiện nay, trên thế giới có 5 công ty đã sản xuất thành công các thiết bị mạng cho 5G bao gồm: Ericsson, Nokia, Huawei, Samsung và ZTE. Viettel sẽ là nhà cung cấp thứ 6 trên thế giới sản xuất thiết bị này. Trong số các nhà cung cấp kể trên, chỉ có duy nhất Viettel vừa là nhà khai thác viễn thông, vừa có khả năng sản xuất các thiết bị mạng.

Trước đó, ngày 28-12-2019, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Viettel đã ra mắt thiết bị trạm thu phát gốc vô tuyến 5G - gNodeB, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật mà Hiệp hội Viễn thông quốc tế đã chuẩn hoá và công bố.

Thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên trên thiết bị hạ tầng mạng do Việt Nam sản xuất - Ảnh 2.

Việc tự thiết kế và sản xuất thiết bị 5G sẽ giúp Viettel chủ động trong việc triển khai 5G cho mạng di dộng của mình và các dịch vụ gia tăng đi kèm - Ảnh: L.SƠN.

Viettel đặt mục tiêu đến 6-2020 sẽ thương mại hóa 5G Microcell và đến tháng 6-2021 sẽ thương mại hóa 5G Microcell trên toàn mạng lưới. Viettel sẽ xây dựng các sản phẩm dân sự, quân sự trên "Hệ sinh thái công nghệ 5G" phát triển và sản xuất tại Việt Nam.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đã cấp phép thử nghiệm 5G cho các doanh nghiệp viễn thông di động (Viettel, VNPT, MobiFone). Hiện Viettel đã chính thức thử nghiệm công nghệ này tại Hà Nội và TP.HCM. VNPT, MobiFone đã triển khai đầu tư, lắp đặt hệ thống thiết bị 5G thử nghiệm trên thực địa và thử nghiệm trong năm 2019.

Bộ chủ trương cấp phép triển khai thương mại 5G, trước mắt là dịch vụ băng rộng tốc độ cao ở các khu vực đô thị, khu công nghiệp có nhu cầu, mật độ cao, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong triển khai dịch vụ 5G.

Năm 2020 với 5G, điện thoại gập, xe tự hành Năm 2020 với 5G, điện thoại gập, xe tự hành

TTO - Đài phát thanh Canada đã bình chọn năm xu hướng công nghệ dần dần trở thành một phần cuộc sống con người trong năm 2020. Dự kiến các công nghệ này sẽ dễ tiếp cận hơn với người tiêu dùng trong vài năm nữa.

T. HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên