03/09/2012 07:14 GMT+7

Thưa thầy, chúng em có ý kiến!

THÚY HẰNG
THÚY HẰNG

TT - “Ban đầu là những điều đơn giản nhưng dần dần sẽ tạo thành một khả năng phản xạ cho các em trước những điều sai trái”. Ông Trần Hoàng Túy (phó chánh văn phòng Sở GD-ĐT Vĩnh Long) nói như vậy về đề án “Hình thành tính minh bạch cho học sinh tiểu học” (gọi tắt là P06) do Sở GD-ĐT Vĩnh Long phát động, vừa được thí điểm ở tám trường tiểu học trong năm học vừa qua và sẽ mở rộng ra toàn tỉnh trong năm học mới này.

Đề án chú trọng xây dựng tính trung thực, mạnh dạn trong ứng xử cho trẻ thông qua việc thực hiện bảng thông tin “Điều em muốn nói”, hộp thư “Em mong muốn gì ở người lớn”.

“Em muốn cô giáo cho bài tập ít hơn”, “Sao siêu thị trường mình bán ít đồ chơi vậy ạ?”... là những gì chúng ta có thể thấy trên bảng thông tin “Điều em muốn nói”. Những ý kiến này được trình bày rất chỉn chu và bắt mắt dưới những hình dạng khác nhau. Đây là cách để các em thể hiện điều không hài lòng về sự việc xung quanh mình. Còn với hộp thư “Em mong muốn gì ở người lớn”, đây là nơi chứa đựng những nguyện vọng, những điều mà các em muốn cha mẹ và thầy cô thực hiện.

Trong năm học vừa qua các trường đã tiếp nhận và trả lời 372 ý kiến ghi trên bảng thông tin “Điều em muốn nói”, 1.901 ý kiến gửi vào hộp thư “Em mong muốn gì ở người lớn”. Em Lê Ngọc Diễm Chi, lớp 4/1 Trường tiểu học Thiềng Đức, TP Vĩnh Long, nói: “Lúc trước đi học điểm nhỏ em thường giấu ba mẹ vì sợ bị la. Từ khi có hộp thư “Em mong muốn gì ở người lớn”, em viết thư kể cho ba mẹ biết là em có học bài nhưng tại lần nào cũng viết không kịp nên điểm nhỏ. Bây giờ ngày nào ba mẹ cũng luyện tập cho em viết bài”.

Ngoài ra, các trường còn xây dựng mô hình siêu thị học đường thu hút gần 62.600 lượt học sinh tham gia. Tại đây, hàng hóa đều ghi rõ giá tiền và hạn sử dụng. Các em sẽ đổi tiền thành phiếu trước khi vào siêu thị lựa chọn, rồi tự bỏ phiếu vào thùng.

Những gì được thực hành ở trường đã dần hình thành cho trẻ một thói quen. Thói quen đó lại được thể hiện rõ nét khi trẻ về với gia đình và ra xã hội. Chị Nguyễn Thị Hồng Tâm, phụ huynh học sinh, cho biết từ khi Trường tiểu học Thiềng Đức áp dụng mô hình mới này, bé nhà chị đã có những ứng xử khác hẳn trước đây. “Cháu về nhà xem tivi, mỗi lần thấy ai nói dối là phản ứng rất mạnh. Cháu nói không thích ai nói dối. Nhưng tôi vui nhất là việc cháu đã mạnh dạn thừa nhận những lỗi lầm ở lớp hay ở nhà” - chị Tâm vui vẻ nói.

Theo ông Võ Phước Thọ - hiệu trưởng Trường tiểu học Thiềng Đức, các em ngày càng mạnh dạn hơn, dám nói những điều mình suy nghĩ. Nhiều ý kiến của các em làm thầy cô phải trăn trở như “Em muốn trường có hồ bơi để tập luyện sau này làm vận động viên”, “Trường mình không cho sơn móng tay nhưng các bạn lớp 5/2 dám sơn móng tay ạ” hay “Sao cửa hàng bên cạnh trường ồn quá, chúng em không học được”...

THÚY HẰNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên