06/06/2017 08:17 GMT+7

Thủ tướng xúc tiến đầu tư tại Nhật: 1.600 doanh nhân và 22  tỉ USD

LÊ KIÊN (từ Tokyo)
LÊ KIÊN (từ Tokyo)

TTO - 1.500 doanh nghiệp đăng ký nhưng có đến 1.600 doanh nhân tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam tại Tokyo chiều 5-6 và kết quả là các thỏa thuận hợp tác trị giá 22 tỉ USD được ký kết.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe với các đại biểu tham dự hội nghị - Ảnh: TTXVN

Bài phát biểu đề dẫn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải dừng lại bởi những tràng vỗ tay. Và tiếng vỗ tay tiếp tục kéo dài khi Thủ tướng Shinzo Abe hiện diện ở phần cuối hội nghị và phát biểu chào mừng.

Nơi “đất lành chim đậu” cho doanh nghiệp Nhật

Trong lời đề dẫn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại câu chuyện cách đây hơn 400 năm khi các thương nhân Nhật đến Việt Nam thành lập thị trấn tại Hội An, và Nhật Bản trở thành thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của xứ Đàng Trong từ đầu thế kỷ 17.

Thủ tướng cũng nhắc lại lời người đồng cấp Abe rằng “dòng sông Hồng hùng vĩ chảy xuyên suốt qua Hà Nội hướng ra Biển Đông tới biển Hoa Đông rồi nối dòng với vịnh Tokyo. Không gì có thể ngăn nổi tự do qua lại trên dòng chảy này”.

“Không gì có thể ngăn cản được một kỷ nguyên mới thân tình, gần gũi, tin cậy trong hợp tác phát triển giữa hai nước”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

“Việt Nam đang trở thành người chiến thắng trong thời đại FTA (hiệp định thương mại tự do), đang trở thành điểm nóng thu hút đầu tư của thế giới. Việt Nam là một trong những địa điểm đầu tư hấp dẫn nhất đối với DN Nhật” - ông Hiroyuki Ishige, chủ tịch Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro), mở đầu hội nghị.

Jetro, với 55 văn phòng trên thế giới, trong đó có ở Hà Nội và TP.HCM, nói rằng thống kê cho thấy số người đến hai văn phòng ở VN tìm hiểu thông tin cao nhất so với các nước còn lại.

“Qua khảo sát các DN Nhật thì Việt Nam đã vượt cả Mỹ và Thái Lan, trở thành địa điểm doanh nghiệp Nhật quan tâm nhất thế giới.

Có 63,4% DN Nhật đánh giá VN có tình hình chính trị, xã hội ổn định; hơn 60% đánh giá sức hấp dẫn của sự tăng trưởng thị trường; hơn 66% doanh nghiệp Nhật muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam”,  - Jetro cho biết.

Cảm ơn những đánh giá của Jetro, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng “đây là một động lực để chúng tôi tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư hướng tới một kỷ nguyên mới trong quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản”.

“Hôm nay là hội nghị lịch sử về xúc tiến đầu tư của hai nước Việt - Nhật... Tôi có thể nói rằng đầu tư của quý vị vào VN thời điểm hiện nay là thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Chúng ta đang xây dựng mối quan hệ không chỉ 5 năm, 10 năm mà tầm nhìn hàng trăm năm tới, vì tương lai tốt đẹp của con cháu chúng ta

 

Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC
Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Nhật Bản năm 2016 - Nguồn: Tổng cục Hải quan - Đồ họa: T.Đạt

Điểm nghẽn: nhân lực, thủ tục và tài chính

Dù vậy, Jetro cho biết qua khảo sát, các doanh nghiệp Nhật đánh giá vẫn còn nhiều điểm nghẽn cả về nhân lực, thủ tục và tài chính trong việc đầu tư vào Việt Nam. 

Chẳng hạn, theo Jetro, ngành công nghiệp hỗ trợ chưa hoàn thiện, tỉ lệ nội địa hóa phụ tùng mới 34%, còn thấp.

Nguồn nhân lực lực chất lượng cao ở Việt Nam vẫ vẫn là trở ngại khiến các doanh nghiệp khó tuyển dụng những người quản lý trung gian.

Thêm vào đó là vẫn còn tình trạng thiếu minh bạch trong thủ tục hành chính như người nước ngoài tại Việt Nam phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại Việt Nam (tức là đóng bảo hiểm 2 lần, trong đó có một lần tại quê nhà).

“Chúng tôi sẵn sàng sửa đổi những quy định còn chưa hợp lý, như kiến nghị của quý vị về bảo hiểm, thủ tục hành chính... Không thể để người lao động Nhật Bản đã đóng bảo hiểm xã hội ở Nhật rồi lại phải nộp một lần nữa ở Việt Nam. Chúng tôi thấy các bạn nói phải thì chúng tôi sẽ lắng nghe, sửa đổi” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cam kết.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khẳng định tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, mục đích đưa Việt Nam vào nhóm đầu ASEAN và hướng tới môi trường các nước OECD, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế.

“Quý vị hãy tin rằng với sự cố gắng không mệt mỏi của một chính phủ liêm chính, hành động, kiến tạo phát triển, chúng tôi sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa vì một môi trường kinh doanh tốt nhất”, Thủ tướng khẳng định. 

 

“Thời gian tới tôi và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tiếp tục nỗ lực giúp đỡ hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp đôi bên. Việt Nam và Nhật tiếp tục liên kết, hợp tác với nhau để dòng chảy tự do thương mại không bị ngăn chặn. Chúng tôi sẽ tiếp tục tích cực đàm phán để tìm phương thức hợp tác tốt nhất cho TPP sau khi Mỹ tuyên bố rút ra khỏi hiệp định này.

 

Thủ tướng SHINZO ABE
Tổng vốn đầu tư của Nhật tại Việt Nam theo lĩnh vực và hình thức đầu tư tính đến cuối 2016 - Đồ họa: TẤN ĐẠT

 

 Ông Shogo Harada (giám đốc điều hành Công ty Gumi Vietnam):

VN đang hấp dẫn nhà đầu tư Nhật

Thực tế hiện nay, VN đang là điểm đến hấp dẫn của doanh nghiệp Nhật Bản khi đầu tư ra bên ngoài. Khi trò chuyện với các đối tác tôi đều nhận được thông điệp họ muốn đầu tư sang Việt Nam. Tuần rồi, tôi vừa tiếp 7 doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực công nghệ thông tin sang Việt Nam tìm hiểu đầu tư, họ rất muốn phát triển doanh nghiệp ở đây. Người Việt Nam thiện cảm với người Nhật, sản phẩm Nhật Bản cũng được đánh giá cao ở Việt Nam, đó là những thuận lợi mà không dễ gì có được ở những nước láng giềng khác.

Ông Shin Jinguji (tổng giám đốc House Foods Vietnam):

Kỳ vọng vào quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư

Thông qua chuyến viếng thăm lần này của Thủ tướng, doanh nghiệp cũng kỳ vọng dưới sự lãnh đạo mạnh mẽ và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam, việc hoàn thiện và vận hành hệ thống luật lệ công bằng, liêm chính sẽ được đẩy nhanh hơn nữa. Điều này sẽ tác động rất lớn đến việc triển khai hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư ở Việt Nam cũng như thúc đẩy kêu gọi đầu tư mới từ Nhật Bản, góp phần vào sự phát triển chung của Việt Nam.

Ông Sasamori Hiroaki (phó tổng giám đốc khối văn phòng Công ty TNHH Aeon Việt Nam):

Muốn đóng góp vào sự phát triển kinh tế VN

Doanh nghiệp cũng tin tưởng vào việc mở rộng đầu tư và thương mại tại Việt Nam thông qua Sáng kiến chung Nhật Bản - Việt Nam và sự hỗ trợ trong việc phát triển hệ thống pháp lý, vì đã có hơn 1.600 công ty Nhật Bản có mặt tại Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển chung ở đây thông qua đầu tư, tạo việc làm, chuyển giao công nghệ và các hoạt động khác. Là nhà bán lẻ Nhật Bản tại Việt Nam, chúng tôi cũng mong muốn góp phần phát triển môi trường sản phẩm an toàn, đảm bảo thông qua việc mở rộng và giới thiệu nhiều sản phẩm chất lượng cao từ Nhật Bản đến với khách hàng tại VN và ngược lại.

N.Bình ghi

 

LÊ KIÊN (từ Tokyo)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên