15/04/2021 06:05 GMT+7

Thủ tướng Nhật lên đường thăm Mỹ, Trung Quốc theo dõi sát, vì sao?

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide sẽ lên đường sang thăm Mỹ 4 ngày từ hôm nay 15-4, đưa ông trở thành nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên gặp trực tiếp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Washington kể từ khi ông nhậm chức.

Thủ tướng Nhật lên đường thăm Mỹ, Trung Quốc theo dõi sát, vì sao? - Ảnh 1.

Trung Quốc được dự báo sẽ chiếm phần lớn nghị trình cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Biden (trái) và Thủ tướng Suga - Ảnh: AFP

Tại thượng đỉnh Mỹ - Nhật lần này, hai bên được cho sẽ thảo luận các sáng kiến đối phó với các thách thức mà Bắc Kinh đặt ra với an ninh hàng hải, nhân quyền và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhiều ý tưởng "kiềm chế" Bắc Kinh

Cách đây hơn 4 năm, vào tháng 11-2016 khi ông Donald Trump chỉ mới là tổng thống đắc cử, thủ tướng Nhật khi đó là ông Abe Shinzo đã chủ động đến New York và đề nghị gặp ông Trump. Cuộc gặp không chờ lời mời chính thức đã mở đầu cho giai đoạn nồng ấm, sôi động trong quan hệ Mỹ - Nhật lẫn mối quan hệ cá nhân hữu hảo.

Do đó, cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và Thủ tướng Suga đang nhận được những kỳ vọng như năm xưa. Để chuẩn bị cho cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Biden ngày 16-4, Thủ tướng Suga và các quan chức tháp tùng đã chấp nhận tiêm vắcxin ngừa COVID-19 từ 1 tháng trước đó.

Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh phe chủ trương cứng rắn với Trung Quốc đang chiếm ưu thế trong Đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền ở Nhật Bản.

Một ủy ban của LDP hồi đầu tháng 4 đã yêu cầu chính phủ của ông Suga tăng tốc độ mua tàu, máy bay và các thiết bị khác cho Lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Các đề xuất bao gồm sửa đổi luật cho phép sử dụng vũ khí, nếu cần, để đối phó với chiến lược "vùng xám" của Trung Quốc ở các vùng biển tranh chấp.

"Tổng thống Biden và Thủ tướng Suga sẽ đề cập đến vai trò quan trọng mà Nhật Bản, với tư cách là đồng minh an ninh tuyến đầu của Mỹ, có thể đóng góp trong việc làm giảm bớt tham vọng địa chính trị của Bắc Kinh" - ông Joshua W. Walker, chủ tịch tổ chức thúc đẩy hiểu biết Mỹ - Nhật có tên Japan Society, bình luận trên The Diplomat.

Chuyến thăm cũng trở thành cơ hội để hai bên trao đổi về vấn đề Trung Quốc và cách thức phối hợp trong các hội nghị thượng đỉnh đa phương sắp tới, chẳng hạn thượng đỉnh về biến đổi khí hậu có thể sẽ có sự tham gia của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và hội nghị nhóm G-7 + 3 (bao gồm Ấn Độ, Hàn Quốc và Úc).

Tokyo lẫn Washington đang có khá nhiều ý tưởng để đối trọng với Bắc Kinh. Ngoài chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở thiên về an ninh, Mỹ và Nhật Bản cũng đang "đứng cùng một thuyền" trong nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Biden hồi tháng trước đã kêu gọi các nước đồng minh và đối tác bắt tay nhau xây dựng một chuỗi cung ứng "không Trung Quốc", trong đó Nhật Bản là một trong số những nước được kỳ vọng sẽ hưởng ứng.

Là một nước ở gần Trung Quốc và từng bị ảnh hưởng khi Bắc Kinh siết chặt xuất khẩu đất hiếm, loại vật liệu quan trọng trong hầu hết chất bán dẫn, những kinh nghiệm của Nhật Bản có thể sẽ hữu ích đối với Mỹ trước cuộc đối đầu căng thẳng tiềm ẩn với Trung Quốc.

Giải quyết khác biệt

Theo bà Mireya Solis, giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách Đông Á thuộc Viện Brookings, việc Mỹ lên tiếng mời Thủ tướng Suga đến Washington cho thấy sự coi trọng của Mỹ với đồng minh Nhật.

Sự liên kết chặt chẽ hơn giữa Mỹ và Nhật ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là điều có thể thấy rõ trong thời gian qua và gần như chắc chắn là sắp tới. Tuy nhiên, giữa hai đồng minh vẫn có những khác biệt có thể nhìn thấy và đòi hỏi sự quản lý những khác biệt này một cách khéo léo.

Trong khi Chính phủ Nhật Bản lên án các động thái của Trung Quốc ở Hong Kong hoặc bày tỏ lo ngại trước những cáo buộc diệt chủng ở Tân Cương, Tokyo cho thấy họ không sẵn sàng cùng Washington trừng phạt Bắc Kinh.

Theo bà Solis, chính quyền Biden cần hiểu rõ điều này và tránh thúc ép Nhật Bản như chính quyền Barack Obama đã từng làm. Thêm vào đó, chính sách đối ngoại hiện nay của Tổng thống Biden đối với Nhật Bản đang thiếu đi các điểm tích cực về thương mại.

Việc xây dựng các chính sách chỉ xoay quanh việc đối đầu hoặc kiềm chế Trung Quốc về lâu dài sẽ khiến Nhật Bản mệt mỏi.

"Một số người làm chính sách Nhật Bản tỏ ra khó chịu về việc quá chống Trung Quốc. Họ không muốn hi sinh mối quan hệ hợp tác đã phải tốn nhiều công sức tái thiết và khởi động lại cách đây vài năm", chuyên gia Solis lập luận.

Mặc dù vậy, trong một cuộc họp báo cách đây 2 tuần, Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Kato Katsunobu đã bắn tiếng về việc Tokyo có thể tham gia cùng Washington trong vấn đề nhân quyền.

Theo ông Kato, Nhật Bản có thể nghiên cứu khả năng xây dựng một đạo luật trừng phạt các cá nhân vi phạm nhân quyền thay vì trừng phạt cả một quốc gia.

Với người Mỹ, đó là một tín hiệu thể hiện thiện chí từ phía Nhật Bản trước cuộc gặp quan trọng. Và việc Washington sẽ đáp lại các tín hiệu này như thế nào sẽ rất đáng theo dõi.

Trung Quốc theo dõi sát

Không ngạc nhiên khi truyền thông nhà nước lẫn quan chức Trung Quốc dành sự chú ý đặc biệt cho chuyến công du của thủ tướng Nhật. Bắc Kinh đã liên tục phát đi thông điệp Tokyo nên đứng ngoài những vấn đề giữa Trung Quốc và Mỹ nếu không muốn gặp rắc rối tại khu vực.

Theo Hãng thông tấn AP, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã thẳng thừng nói ra điều này trong một cuộc điện đàm tối 5-4, yêu cầu Tokyo không để quan hệ Trung - Nhật "dính vào cái gọi là đối đầu giữa các nước lớn".

Mỹ, Nhật ra tuyên bố chung: Cảnh báo Trung Quốc Mỹ, Nhật ra tuyên bố chung: Cảnh báo Trung Quốc 'cưỡng ép, gây bất ổn'

TTO - Sau các đối thoại về ngoại giao, quốc phòng ở cấp cao nhất hôm nay 16-3, Mỹ và Nhật ra tuyên bố chung, cảnh báo Bắc Kinh không được có hành vi “cưỡng ép và gây hấn” trong khu vực.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên