Phóng to |
“Chúng ta là nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới và đang ngày càng phụ thuộc lẫn nhau - ông Noda nói trong một cuộc phỏng vấn tại văn phòng ông ở Tokyo - Nếu quan hệ nguội lạnh, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, không chỉ một nước sẽ chịu thiệt hại mà cả hai”.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đang tổ chức hội nghị thường niên tại Tokyo tuần này, nói gia tăng căng thẳng giữa hai phía sẽ làm ảnh hưởng tới tăng trưởng toàn cầu. Thống đốc ngân hàng trung ương và bộ trưởng tài chính Trung Quốc đều đã không tham dự cuộc gặp này.
Tâm lý chống Nhật dâng cao ở Trung Quốc khiến hai hãng xe hơi Toyota và Nissan phải chịu suy giảm doanh số hằng tháng vào tháng 9 vừa qua lớn nhất kể từ năm 2008. Hãng JPMorgan Chase đánh giá GDP của Nhật có thể mất 0,8% trong quý này vì tranh chấp với Trung Quốc.
“Chúng ta phải tiến hành nhiều kênh thương lượng để đảm bảo quan hệ chung rộng lớn hơn không bị ảnh hưởng - ông Noda nói - Một số ngành riêng lẻ đã bị ảnh hưởng và ảnh hưởng chung sẽ phụ thuộc vào các cuộc thương lượng và những nỗ lực sắp tới”.
Thị trường chứng khoán Nhật cũng sụt giảm khi chỉ số Nikkei 225 đã giảm 3,1% kể từ ngày 10-9, khi chính quyền của ông Noda tuyên bố mua lại các đảo thuộc quần đảo tranh chấp.
Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi Nhật Bản là nước cung cấp đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ hai vào đây. Các công ty Nhật đã đổ 5,1 tỉ USD vào Trung Quốc tám tháng đầu năm 2012, chỉ kém Hong Kong, theo số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc.
“Nếu căng thẳng gia tăng hơn nữa, rủi ro sẽ là cho cả nền kinh tế Trung Quốc và Nhật Bản, rồi sau đó là kinh tế toàn cầu” - Naoyuki Shinohara, phó giám đốc IMF, nói trong một cuộc phỏng vấn ở Tokyo ngày 9-10.
Tuy nhiên, trong tuyên bố của mình, ông Noda không tỏ ra nhượng bộ trong vấn đề tranh chấp: “Không thể nghi ngờ rằng quần đảo Senkaku là lãnh thổ lịch sử của Nhật Bản cũng như theo luật pháp quốc tế. Không có vấn đề tranh chấp chủ quyền ở đây”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận