01/03/2016 08:47 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Dồn sức chống xâm nhập mặn

V.V.THÀNH (thanhvv@tuoitre.com.vn)
V.V.THÀNH (thanhvv@tuoitre.com.vn)

TT - Chiều 29-2, ông Nguyễn Khắc Định (phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ) đã chủ trì cuộc họp báo về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2016.

Dù biết nước bị nhiễm mặn nhưng anh Trần Hoàng Quân, ấp Kinh 4, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất (Kiên Giang), vẫn bơm vào  2,5ha ruộng của gia đình với hi vọng cứu lúa đang chết dần do khô hạn - Ảnh: Chí Quốc
Dù biết nước bị nhiễm mặn nhưng anh Trần Hoàng Quân, ấp Kinh 4, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất (Kiên Giang), vẫn bơm vào 2,5ha ruộng của gia đình với hi vọng cứu lúa đang chết dần do khô hạn - Ảnh: Chí Quốc

Ông Định nhấn mạnh một trong những nội dung trọng tâm của phiên họp lần này là nghe báo cáo và thảo luận về tình hình xâm nhập mặn đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán ở miền Trung, Tây nguyên. “Đây là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng, hết sức bức xúc cả trước mắt và lâu dài, hiện đang lan rộng ra các tỉnh Bắc miền Trung” - ông Định nói.

Phải chở nước tới cho dân

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo: “Theo dự báo, tháng 3 sẽ là cao điểm của khô hạn, xâm nhập mặn và tình trạng này kéo dài tới tháng 6-2016. Vì vậy chúng ta phải tập trung cao độ, huy động các nguồn lực, triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp phòng chống hạn, xâm nhập mặn với mục tiêu cuối cùng phải giảm được tối đa thiệt hại do hậu quả của hạn hán, xâm nhập mặn gây ra”.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan phải hết sức quan tâm lo nước cho dân, trước hết là nước uống, nước sinh hoạt, nước phục vụ sản xuất, kịp thời hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại theo quy định hiện hành để sớm ổn định cuộc sống, sản xuất.

Về kinh phí hỗ trợ, Thủ tướng nêu rõ: “Những gì đã có quy định rồi thì cứ cấp, cứ hỗ trợ, Chính phủ bảo đảm việc này. Những khoản kinh phí nào nảy sinh thì tổng hợp sớm để xin ý kiến chỉ đạo, xử lý. Không để xảy ra tình trạng phải chờ đợi kinh phí trong công tác phòng chống, khắc phục hậu quả của hạn hán, thiên tai”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng hết sức chia sẻ với những khó khăn của nhân dân vùng hạn hán, đồng thời đốc thúc các bộ, ngành chức năng. “Muốn có nước uống, nước sinh hoạt cho dân thì phải chở tới cho dân, phải hỗ trợ người dân những lúc khó khăn này, không thể để người dân nghèo phải đi xa mua từng lon nước” - Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2016 - Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2016 - Ảnh: TTXVN

Thúc đẩy tăng trưởng

Tại phiên họp, Chính phủ cũng đã nghe và thảo luận các báo cáo về kinh tế - xã hội và một số nội dung quan trọng khác. Các thành viên Chính phủ nhất trí cho rằng tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và hai tháng đầu năm 2016 tiếp tục chuyển biến, đạt kết quả khả quan.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2-2016 tăng 0,42% so với tháng trước. Xuất khẩu hai tháng ước đạt 23,7 tỉ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái, xuất siêu khoảng 865 triệu USD.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng khá, hai tháng tăng 6,6%. Tuy nhiên sự phục hồi chậm, tiềm ẩn nhiều rủi ro của kinh tế thế giới và khu vực, giá dầu ở mức thấp, chưa có hướng hồi phục, chính sách tài chính, tiền tệ diễn biến phức tạp của nhiều nước đã ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của nền kinh tế nước ta, nhất là xuất nhập khẩu, thương mại, tỉ giá, thu chi ngân sách nhà nước...

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành chỉ đạo quyết liệt, tăng cường phối hợp thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Theo đó, tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định vĩ mô và tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Tháp truyền hình VTV: Không đạt mục đích thì không phê duyệt

Tại cuộc họp báo, lãnh đạo các bộ ngành đã trả lời một số câu hỏi báo chí quan tâm.

* Được biết VTV dự kiến phối hợp với các nhà đầu tư triển khai dự án tháp truyền hình cao nhất thế giới trị giá hơn 1 tỉ USD? Xin cho biết ý kiến của Thủ tướng về vấn đề này?

- Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Khắc Định: Năm 1997, VTV trình việc xây dựng tháp truyền hình, lúc này ngân sách khó khăn, phải ưu tiên cho các mục tiêu khác. Như vậy việc này có chủ trương và đề xuất từ lâu (trước năm 1997 - PV), nhưng dừng lại vì phải ưu tiên ngân sách cho mục tiêu khác.

Đến năm 2013, VTV tiếp tục trình dự án xây dựng tháp truyền hình đa mục tiêu. Thủ tướng yêu cầu các bộ và địa phương cho ý kiến, thống nhất với VTV, trình Thủ tướng về chủ trương xây dựng tháp truyền hình nhưng không sử dụng ngân sách nhà nước, bảo đảm các lợi ích của Nhà nước và người dân.

Thủ tướng đồng ý về chủ trương, giao VTV phối hợp với các bộ ngành, chọn nhà đầu tư tư nhân tham gia. Trong quá trình này VTV đề xuất một số cơ chế, chính sách.

Hiện nay mới ở giai đoạn xây dựng báo cáo tiền khả thi, các vấn đề dư luận quan tâm sẽ được đưa vào báo cáo tiền khả thi để Thủ tướng Chính phủ xem xét. VTV có đề xuất một số ưu đãi về đất đai, thuế má, tinh thần là việc gì thuộc thẩm quyền các bộ ngành thì các bộ ngành xử lý, thuộc thẩm quyền Thủ tướng thì các bộ ngành thẩm định trình Thủ tướng xem xét, tất cả đều phải theo đúng quy định pháp luật.

Sau khi có báo cáo tiền khả thi thì các bộ ngành thẩm định trình Thủ tướng, nếu đảm bảo đúng mục đích trong đó có vấn đề về cơ chế huy động vốn, đảm bảo lợi ích tổng thể về kinh tế - xã hội thì lúc đó sẽ xem xét theo đúng quy định. Nếu không đạt mục đích thì Thủ tướng sẽ không phê duyệt.

Tôi hình dung nếu không sử dụng ngân sách nhà nước mà Hà Nội có công trình cao đẹp, trở thành biểu tượng của Hà Nội, chúng ta được hưởng thụ, nhân dân có lợi, nhà đầu tư có lợi, nếu đạt mục tiêu đó thì ai cũng ủng hộ và ngược lại. Thủ tướng cũng chỉ đạo rõ ràng như vậy.

V.V.THÀNH

V.V.THÀNH (thanhvv@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên