03/11/2016 10:04 GMT+7

Ông Hun Sen: Người Việt ở Campuchia từ thời Pháp thuộc

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Thủ tướng Campuchia Hun Sen nhấn mạnh cộng đồng người Việt Nam sinh sống ở nước này đã có từ thời Pháp thuộc và được người Pháp đưa sang để làm công nhân trong các đồn điền cao su.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen - Ảnh: Reuters
Thủ tướng Campuchia Hun Sen - Ảnh: Reuters

Theo báo Khmer Times, phát biểu trong lễ khởi công một con đường mới ở tỉnh Tbong Khmum ngày 2-11, ông Hun Sen nhấn mạnh chính người Pháp đã khuyến khích và bắt ép người Việt Nam sang Campuchia. Cá biệt có thời điểm người Việt chiếm hơn 70% nhân lực trong ngành công nghiệp cao su ở nước này.

“Người Việt Nam không phải mới tới, họ tới từ thời chúng ta còn Pháp thuộc nhưng người ta cứ luôn đổ lỗi là do tôi”, Thủ tướng Campuchia giải thích.

Nhà lãnh đạo Campuchia cũng cảnh báo những người vu cáo ông về sự xuất hiện của người Việt Nam ở nước này nên “cẩn thận nghiệp báo”.

Người Việt Nam ở Campuchia từ lâu đã là chủ đề để các đảng đối lập công kích đảng Nhân dân Campuchia (CPP) đang cầm quyền của Thủ tướng Hun Sen, đặc biệt trong những giai đoạn bầu cử.

Trao đổi với Khmer Times, nhà phân tích xã hội Campuchia Lao Mong Hai cho biết những năm 1960 có khoảng 300.000 người Việt ở Campuchia. Những người này được xem là thế hệ thứ hai của những người đầu tiên được Pháp đưa tới; ngoài ra còn có một số người Việt ngược dòng Mekong lên Biển Hồ đánh bắt cá rồi định cư tại đây.

Nhưng đến năm 1979, con số này sụt giảm nghiêm trọng khi chính quyền Khmer Đỏ do Pol Pot đứng đầu lên cầm quyền ở Campuchia.

"Việt Nam - Campuchia không thể tách rời"

Hiện nay, người Việt Nam vẫn là một cộng đồng lớn ở Campuchia và có sự đóng góp nhất định cho địa phương.

Thủ tướng Hun Sen trong một cuốn sách do chính ông viết đã khẳng định: “Việt Nam và Campuchia là hai nhân tố không thể tách rời nhau”.

Tuy vậy, cuộc sống của người Việt tại Campuchia đang phải đối mặt với nhiều khó khăn ngày càng tăng sau những chiêu trò bài xích, kích động thù hằn dân tộc của Đảng cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) do chính trị gia Sam Rainsy đứng đầu kể từ năm 2013.

Những đứa trẻ người Việt đi học tại trường tình thương nổi trên Biển Hồ do Quân khu 7 Quân đội Nhân dân Việt Nam cất tặng - Ảnh: DUY LINH
Những đứa trẻ người Việt đi học tại trường tiểu học nổi trên Biển Hồ tháng 1-2016 - Ảnh: DUY LINH

Khốn khó nhất là những người Việt ở Biển Hồ. Dù được gọi và tự nhận là người Việt Nam nhưng phần lớn những người đang sinh sống tại đây không hề có giấy tờ tùy thân, kể cả những đứa trẻ mới sinh sau này.

Thực trạng này bắt đầu từ thời cha ông sinh sống lênh đênh trên sông nước và đã đẩy bà con nơi đây vào thế "người không quốc tịch”, không phải Campuchia cũng chẳng phải Việt Nam.

Tháng 10-2015, chính quyền tỉnh Kompong Chhnang đã quyết định di dời hơn 1.400 hộ gia đình (trong đó có hơn 900 hộ là người Việt) sống tại làng nổi trên Biển Hồ đến địa điểm mới cách đó 5km.

Đây là một phần trong kế hoạch 5 năm (2015 - 2019) để làm đẹp bờ sông, cải thiện môi trường và thúc đẩy ngành du lịch phát triển. Tuy nhiên, điều này lại đẩy cộng đồng người Việt vào thế khó, bởi họ đã quen với cuộc sống ở chổ cũ và không có đất đai, giấy tờ tùy thân.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Hải Bình khi đó đã lên tiếng kêu gọi: “Trên tinh thần mối quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống, chúng tôi mong các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương Campuchia quan tâm, tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam sinh sống và làm ăn ổn định, đồng thời đảm bảo các quyền lợi hợp pháp trên mọi mặt đời sống”.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên