08/11/2022 20:11 GMT+7

Thủ tướng Hun Sen: Hai nước phát triển hạ tầng để thúc đẩy dòng chảy đầu tư, thương mại

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Hai thủ tướng Việt Nam - Campuchia khẳng định cam kết tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư của hai nước nhằm thúc đẩy thương mại, đầu tư và phát triển hạ tầng, kết nối liên vùng, kết nối hai nền kinh tế.

Thủ tướng Hun Sen: Hai nước phát triển hạ tầng để thúc đẩy dòng chảy đầu tư, thương mại - Ảnh 1.

Hai thủ tướng chủ trì Diễn đàn xúc tiến đầu tư và thương mại - Ảnh: VGP

Chiều 8-11, Diễn đàn xúc tiến đầu tư và thương mại được tổ chức với sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hun Sen. Trước khi dự diễn đàn có sự tham dự của hàng trăm doanh nghiệp hai nước, hai thủ tướng đã tham quan trưng bày ảnh giới thiệu đất nước, con người và quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện Việt Nam - Campuchia.

Thông tin tại diễn đàn, nhiều doanh nghiệp Việt Nam và Campuchia cho biết đang sản xuất kinh doanh có hiệu quả và có kế hoạch mở rộng đầu tư, trao đổi thương mại tại mỗi nước. Tuy vậy, các doanh nghiệp hai nước mong muốn các bộ, ngành, cơ quan của mỗi nước tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa, thúc đẩy đầu tư, kinh doanh, nhất là đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến, xây dựng, hạ tầng, dịch vụ thương mại, nhất là thương mại vùng biên...

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá không những duy trì liên tục với mức độ tăng trưởng cao, thương mại song phương còn không ngừng chuyển dịch theo hướng cân bằng, bổ sung lẫn nhau.

Đáng chú ý, kết nối giữa hai nền kinh tế nói chung và kết nối chuỗi cung ứng, sản xuất giữa hai nước nói riêng ngày càng được thắt chặt, đặc biệt đối với hàng nông sản, cao su, hạt điều, lúa gạo, phụ tùng, linh kiện máy móc. Việc thực thi có hiệu quả các hiệp định và thỏa thuận cũng thúc đẩy thương mại hai nước và tam giác thương mại Việt Nam - Lào - Campuchia.

Quan hệ đầu tư và thương mại của doanh nghiệp hai nước cho thấy sự lạc quan và triển vọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn chứng đến nay Việt Nam đầu tư sang Campuchia trên 2,93 tỉ USD, duy trì vị trí thứ 2 về đầu tư, đóng góp kinh tế xã hội, tạo ra hàng vạn việc làm. 

Ở chiều ngược lại, đầu tư của Campuchia vào Việt Nam có 28 dự án, tổng vốn đăng ký 70,12 triệu USD.

Về hoạt động thương mại, Việt Nam là một trong ba đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia. Từ mức 9,54 tỉ USD năm 2021, đến 9 tháng đầu năm tăng 8,45 tỉ USD, có khả năng vượt mốc 10 tỉ USD. Hai bên dần đạt mức cân bằng về xuất nhập khẩu, xuất khẩu của Campuchia sang Việt Nam tăng mạnh.

Thủ tướng Hun Sen: Hai nước phát triển hạ tầng để thúc đẩy dòng chảy đầu tư, thương mại - Ảnh 2.

Diễn đàn có sự tham dự của hàng trăm doanh nghiệp hai nước - Ảnh: N.AN

Bày tỏ sự đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh của Campuchia được cải thiện tích cực thông qua việc ban hành Luật đầu tư mới và Luật đặc khu kinh tế, các chính sách mới về lao động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Thủ tướng gửi lời cảm ơn trân trọng Chính phủ Hoàng gia Campuchia, ngài Thủ tướng Hun Sen, các bộ ngành đã tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Trong giai đoạn tới, với tinh thần "biến nguy thành cơ", Thủ tướng nhấn mạnh việc tăng cường kết nối, bổ trợ giữa hai nền kinh tế Việt Nam - Campuchia, trọng tâm là thể chế, tài chính, hạ tầng giao thông vận tải gồm các tuyến cao tốc lớn, đường sắt, năng lượng điện, viễn thông, du lịch… nhằm tạo kết nối liên vùng, liên quốc gia.

Hai bên cũng thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ giữ ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh thực hiện Khung thỏa thuận kết nối hai nền kinh tế với việc khẩn trương hoàn thành đề án "Xây dựng quy hoạch kết nối hai nền kinh tế", trên tinh thần tạo thuận lợi nhất thúc đẩy doanh nghiệp hai nước hợp tác đầu tư hiệu quả.

Ngay sau đó, trong bài phát biểu Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh đến mối quan hệ lâu đời, hữu nghị truyền thống, hợp tác tin cậy, phát triển mối quan hệ hợp tác dựa trên nguyên tắc tin cậy, ủng hộ lẫn nhau. 

"Tình hình thế giới và khu vực biến đổi nhanh chóng, khó lường, nhưng rõ ràng, mối quan hệ hai nước không bao giờ thay đổi" - Thủ tướng Hun Sen bày tỏ.

Ông nhấn mạnh Luật đầu tư của Campuchia xác định đầu tư là lĩnh vực cần được ưu tiên, khuyến khích, góp phần giúp doanh nghiệp Campuchia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và bày tỏ Campuchia mong muốn liên kết chuỗi sản xuất ô tô và điện tử, nhất là khi đây cũng là chiến lược và thế mạnh của Việt Nam.

Thủ tướng Hun Sen khẳng định sẽ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan của Campuchia xem xét các vấn đề liên quan chính sách thuế, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trên cơ sở công bằng với các nhà đầu tư các nước. 

Ông kêu gọi các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam hãy sang tìm hiểu thêm về tiềm năng, cơ hội đầu tư thương mại tại đây trên cơ sở cam kết với các doanh nghiệp về môi trường đầu tư thuận lợi về hòa bình, an ninh, chính trị, khuôn khổ pháp lý, minh bạch, trách nhiệm giải trình.

Thủ tướng Hun Sen cũng nêu vấn đề hai nước cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, phát triển cả cơ sở hạ tầng cứng và mềm, thúc đẩy dòng chảy thương mại đầu tư. Trong đó có việc thúc đẩy dự án đường cao tốc nối đến biên giới với Việt Nam để tăng cường giao lưu hàng hóa. 

Hai nước tăng cường cơ sở hạ tầng tại hành lang kinh tế phía Nam để thúc đẩy du lịch, thực thi hiệu quả Hiệp định RCEP.

Thủ tướng thăm chính thức Campuchia: Tăng cường kết nối hai nền kinh tế Thủ tướng thăm chính thức Campuchia: Tăng cường kết nối hai nền kinh tế

TTO - Tăng cường kết nối kinh tế, thúc đẩy thương mại biên giới, tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, tăng cường hợp tác du lịch là những nội dung trọng tâm trong chuyến thăm chính thức Campuchia sắp tới của Thủ tướng từ ngày 8-11.


NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên