Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Đặc biệt, sau cuộc họp này, tôi yêu cầu Bộ Y tế tổ chức kiểm điểm, cũng như có biện pháp rõ hơn để xử lý các công trình có vốn ODA lẫn từ ngân sách mà Nhà nước đã cấp cho Bộ Y tế.
Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019, trong bối cảnh giải ngân 9 tháng đầu năm 2019 mới chỉ 192.136 tỉ đồng, chưa đến 50% kế hoạch được giao.
Hội nghị do Văn phòng Chính phủ cùng Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) tổ chức ngày 26-9.
Giải ngân chậm để lại nhiều hệ lụy xấu
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, nhiều bộ sử dụng nhiều vốn đầu tư công đều giải ngân chậm, trong đó điển hình là Bộ GTVT, Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT... Cụ thể, dự án cao tốc Bắc - Nam kế hoạch năm 2019 bố trí khoảng 7.062 tỉ đồng, đến hết tháng 8-2019 chỉ mới giải ngân được... 401,5 tỉ đồng.
Hoặc dự án hỗ trợ đền bù, tái định cư, giải phóng mặt bằng cảng hàng không quốc tế Long Thành kế hoạch năm 2018-2019 bố trí 11.490 tỉ đồng, nhưng giải ngân hiện đạt khoảng 300 tỉ đồng!
"Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức còn làm ở Hà Nam bây giờ xử lý thế nào? Không thể để công trình dở dang mãi như thế được. Làm ăn như vậy coi được không? Rồi những dự án ODA, một số công trình khác cũng có tốc độ giải ngân như vậy thì thế nào trong khi nhu cầu xã hội về y tế rất lớn?" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hỏi sau khi nghe thứ trưởng Bộ Y tế báo cáo tình hình.
Đồng thời yêu cầu bộ này "phải nghiêm túc rút kinh nghiệm cũng như phải làm rõ trách nhiệm trong chỉ đạo và phải xử lý nghiêm, chứ không thể cứ nói thủ tục hạn chế suốt".
Theo Thủ tướng, tình trạng giải ngân chậm vốn đầu tư công đã có từ 10 năm qua nhưng chưa bao giờ đặc biệt nghiêm trọng như năm nay, để lại nhiều hệ lụy xấu.
"Giải ngân chậm thì ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, do yếu tố vốn là một trong những yếu tố quan trọng của tăng trưởng GDP. Gây lãng phí lớn khi tiền nằm ở đó mà Chính phủ phải trả thêm chi phí vốn.
Chưa kể kéo lùi các dòng vốn đối ứng khác của tư nhân, của nước ngoài, ảnh hưởng huy động vốn xã hội, đồng thời ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, giảm niềm tin của các nhà đầu tư và nhà tài trợ, làm doanh nghiệp, chủ đầu tư phải gánh chịu chi phí bị đội lên, việc làm giảm đi, nợ nần tăng thêm và uy tín giảm sút" - Thủ tướng đúc kết các "hậu quả" do việc chậm giải ngân vốn đầu tư công để lại.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc dù đã chạy thử đoàn tàu nhưng vẫn dang dở, chưa hẹn ngày về đích - Ảnh: NAM TRẦN
Trách nhiệm người đứng đầu
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể lý giải nguyên nhân dẫn đến giải ngân chậm vốn tại 25 công trình, dự án thuộc bộ quản lý có... vô vàn lý do, từ thủ tục đấu thầu quốc tế phức tạp, công tác giải phóng mặt bằng chậm đến cả đặc thù của ngành giao thông: thời gian đầu năm sẽ tập trung cho giải phóng mặt bằng, đến khoảng tháng 8-9 mới bắt đầu khởi công, thực hiện công tác đấu thầu...
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành rất quan trọng, có vai trò vô cùng quyết định đến việc chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt thực hiện giải ngân vốn đầu tư công hiện nay ra sao.
Lấy ví dụ: đối với các dự án trọng điểm như sân bay quốc tế Long Thành, Thủ tướng không chỉ phê bình lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai, lãnh đạo Bộ GTVT "dù đã được đích thân tôi chỉ đạo" và "đã được cấp vốn đến 23.000 tỉ từ năm ngoái, chuyển về tài khoản tỉnh Đồng Nai trên 11.000 tỉ đồng, nhưng đến bây giờ các đồng chí vẫn cứ nói để tháng 10 sang năm các đồng chí mới làm".
"Tôi chỉ muốn hỏi: bây giờ các anh đã áp giá đền bù xong chưa, đã làm xong cơ sở hạ tầng tái định cư chưa, đã đưa dân ra khỏi khu vực này chưa?" - Thủ tướng đặt vấn đề.
Theo quan điểm của Thủ tướng, với những vấn đề mà ông vừa đề cập nói trên, "Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và đặc biệt chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai phải chịu trách nhiệm về vấn đề này" vì "nếu các đồng chí nhạy cảm, quyết liệt thì đã làm từ... ba đời rồi!".
Lấy thí dụ về dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Thủ tướng cho rằng nếu tuyệt đối an toàn thì cứ cho chạy tàu "vì đã 99% rồi", còn các tồn tại làm rõ sau theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước.
"Chẳng lẽ để mãi sao các đồng chí? Trên 10 năm trôi qua, để một công trình như vậy tồn tại" - Thủ tướng thúc giục và cho rằng với các dự án công trình trọng điểm, lãnh đạo các cấp bộ, ngành phải làm mạnh tay hơn.
"Tôi đã chỉ đạo rất cụ thể để đẩy nhanh triển khai các công trình trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Tân Sơn Nhất mở rộng, sân bay Long Thành, các tuyến đường sắt đô thị..., yêu cầu các bộ trưởng, lãnh đạo địa phương tập trung thực hiện, xác định rõ trách nhiệm, bảo đảm tiến độ, chất lượng, không để kéo dài, ảnh hưởng đến việc triển khai các công trình phục vụ nhân dân" - Thủ tướng nói.
Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên sử dụng nguồn vốn ODA bị kéo dài vì thiếu vốn - Ảnh: TỰ TRUNG
Dự án lớn níu tỉ lệ giải ngân cả nước
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết các dự án trái phiếu chính phủ quy mô lớn như dự án đường cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành, các dự án hạ tầng giao thông... chiếm tới gần 50% tổng số vốn của kế hoạch năm 2019 nhưng tiến độ giải ngân rất chậm, nên đã ảnh hưởng lớn đến tỉ lệ giải ngân chung của cả nước.
Có 7 bộ, ngành và 14 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 70%. 31 bộ, cơ quan trung ương và 19 địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới 50%, trong đó có 17 đơn vị, địa phương giải ngân dưới 30%.
Không chấp nhận tình trạng "quyền anh, quyền tôi"
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tất cả các bộ ngành, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, phải coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách từ nay đến hết năm 2019 và trong năm 2020 - năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020.
Giữ quan điểm nếu địa phương nào, ngành nào không giải ngân được thì để dành nguồn lực đó cho địa phương khác, Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT tổng hợp, rà soát báo cáo Chính phủ để điều chỉnh vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020.
Thủ tướng cũng chỉ đạo kỷ luật kịp thời, nghiêm minh đối với những vi phạm làm chậm, lợi ích nhóm, tham nhũng lãng phí trong xây dựng cơ bản. Đối với các bộ, ngành, địa phương có số vốn được giao lớn, Thủ tướng yêu cầu bộ trưởng, chủ tịch UBND trực tiếp chỉ đạo thực hiện, quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án hạ tầng trọng điểm, cấp bách.
Đặc biệt, khi lưu ý đến tầm quan trọng của công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng kiên quyết không chấp nhận tái diễn tình trạng "quyền anh, quyền tôi" hoặc "đổ lỗi cho nhau" như thời gian qua, thay vào đó cần tăng cường hợp tác giải quyết, làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân cố tình gây chậm trễ, khó khăn làm chậm giải ngân vốn đầu tư công.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý cho các bộ, ngành, địa phương được điều chỉnh bố trí kế hoạch đầu tư vốn ngân sách 2019 đối với những dự án giải ngân chậm, không có khả năng thực hiện sang các dự án khởi công mới đã có đủ thủ tục đầu tư, bao gồm những dự án có kế hoạch đầu tư sau ngày 31-10-2018, có khả năng giải ngân, bảo đảm giải ngân hết số vốn 2019.
T.V.N.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận