13/09/2019 11:52 GMT+7

Giải ngân vốn vay ODA, vay ưu đãi 6 tháng đầu năm chỉ đạt 3,4% kế hoạch

LÊ THANH
LÊ THANH

TTO - Đó là thực tế được đưa ra tại hội nghị trực tuyến với 5 bộ và các cơ quan, Ban quản lý sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi ở 63 địa phương tổ chức sáng 13-9.

Giải ngân vốn vay ODA, vay ưu đãi 6 tháng đầu năm chỉ đạt 3,4% kế hoạch - Ảnh 1.

Ông Đinh Tiến Dũng - Bộ trưởng Bộ Tài chính - chỉ đạo tại hội nghị tiếp tục thúc đẩy giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi - Ảnh: L.THANH

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Đinh Tiến Dũng - bộ trưởng Bộ Tài chính - đánh giá việc giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài năm 2019 rất chậm.

Giải ngân mới đạt hơn 10%

Về tình hình giải ngân vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, đến cuối tháng 8, ước mới giải ngân được 6.480 tỉ đồng, chỉ đạt 10,7% kế hoạch vốn do Quốc hội giao (60.000 tỉ đồng).

Trong 3 năm 2016 - 2018, tổng số vốn đầu tư từ nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài là 137.176 tỉ đồng, đạt 74,53% dự toán. Còn 6 tháng đầu năm nay, tỉ lệ giải ngân đạt 3,4% kế hoạch được Quốc hội giao.

Theo báo cáo của các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước 8 tháng đầu năm 2019 là 6.286,316 tỉ đồng, đạt 37,9% so với kế hoạch Quốc hội giao và đạt 41,3 so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Chi thường xuyên từ nguồn vốn nước ngoài 8 tháng đầu năm đạt 862 tỉ đồng, bằng 8,5% dự toán Quốc hội phê duyệt.

Trong đó, có 35 bộ, ngành, địa phương từ đầu năm 2019 đến nay chưa có giải ngân; nhiều bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân rất thấp, như: Bộ Y tế (4,8%), tỉnh Quảng Ninh (0,5%), Quảng Nam (2,3%), Hưng Yên (8,3%)…

Do thủ tục và thiếu vốn đối ứng

Nguyên nhân của việc giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi chậm, theo ông Dũng, chủ yếu do vướng mắc trong giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn chậm, thiếu so với nhu cầu; phân bổ vốn chưa sát với thực tế; điều chỉnh kế hoạch chậm, thủ tục kéo dài; chậm trễ trong việc hoàn thành  các thủ tục về hồ sơ giải ngân thanh toán cũng như ghi thu, ghi chi…

Nêu cụ thể, Bộ Giáo dục và đào tạo - đại diện trong số các bộ có tỉ lệ giải ngân chậm - mới đạt 25% kế hoạch với lý do là thiếu vốn đối ứng. Thực tế, vốn ODA cầm về cũng không giải ngân được vì không có vốn đối ứng. Do thiếu vốn nên cứ làm được một vài tháng lại nằm chờ vốn.

Bên cạnh đó, theo Bộ Giáo dục và đào tạo, thời hạn giao vốn rất chậm, thường là từ tháng 1 đến tháng 3 chỉ là làm kế hoạch và đến quý 3 mới giải ngân vốn ODA. Mặt khác, các thủ tục thẩm định về thiết kế dự án cơ sở và thiết kế dự án thi công mất hơn 1 năm trời mới xong. Dự án nào nhanh cũng phải mất 8 tháng. Có gói thầu thiết bị từ khi mời thầu đến khi giải ngân mất cả năm.

Về vốn đối ứng dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi, ông Đinh Tiến Dũng khuyến cáo các bộ ngành, địa phương cần rút kinh nghiệm, nghiên cứu lại vốn đối ứng vì lúc lập, xem xét dự án, "ông nào cũng cam kết hoàn thành, nhưng khi đi vào thực hiện thì mới bí".

"Cần phải rút kinh nghiệm, liệu cơm gắp mắm. Đây là bài học lâu nay, tồn tại quá dài mà chưa khắc phục được" - ông Dũng nhấn mạnh.

Đề nghị giải ngân theo tiến độ thực hiện và cấp vốn

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn vay nước ngoài, ông Ngô Văn Quý - phó chủ tịch UBND Hà Nội - đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư và Bộ Tài chính xem xét sớm có văn bản báo cáo chính thức Thủ tướng cho phép Hà Nội được áp dụng cơ chế giải ngân các dự án ODA của thành phố theo tiến độ thực hiện và tiến độ cấp vốn của nhà tài trợ nước ngoài.

Thực tế, ông Quý cho biết dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, năm 2019 kế hoạch giao 3.274 tỉ đồng, tuy nhiên đến cuối tháng 8 mới giao được 1.104 tỉ đồng, đạt 34% kế hoạch.

Hay như dự án tuyến đường sắt đô thị Hà Nội đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đến nay mới giải ngân đạt 5% kế hoạch. Cụ thể, năm 2019 được giao 393 tỉ đồng nhưng đến hết tháng 8 mới giải ngân 18,4 tỉ đồng.

Nghịch lý ODA: Tiền tiêu không hết vẫn cần vay thêm Nghịch lý ODA: Tiền tiêu không hết vẫn cần vay thêm

TTO - Giải ngân vốn đầu tư công chậm chạp đến mức báo động. Nghịch lý “có tiền không tiêu được” tác động trực tiếp tới giải quyết các vấn đề dân sinh, tăng trưởng kinh tế... Vấn đề nằm ở đâu?

LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên