Nhận định này được đưa ra trong hội thảo “Xây dựng mối quan hệ lao động và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu” do Hiệp hội Da giày VN (Lefaso) tổ chức sáng 20-7.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), cho rằng hiện cách tiếp cận của các cơ quan quản lý nhà nước đối với các kiến nghị của doanh nghiệp về thủ tục hành chính còn quá chậm, quá trì trệ. Bộ máy hành chính, những thủ tục hành chính “càng ngày càng lắt léo, phức tạp, gây khó khăn cho doanh nghiệp nhiều hơn bao giờ hết”.
Theo ông Dũng, trong lĩnh vực thủy sản, đối thủ cạnh tranh lớn nhất của VN hiện nay là Thái Lan. Nếu nhìn vào quy định lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng trước khi xuất khẩu của Thái Lan được phân ra 4 loại, trong đó doanh nghiệp loại A ba tháng mới bị lấy mẫu kiểm một lần, loại B hai tháng/lần, loại C hai tuần/lần, và loại D lô hàng nào cũng lấy mẫu để kiểm.
Còn với các doanh nghiệp VN, đối với doanh nghiệp loại A thì “5 lô bị kiểm một lô”. Nếu so với quy định của Thái Lan, rõ ràng các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong nước không chỉ mất thời gian chờ đợi để cơ quan thẩm quyền cấp chứng thư xuất khẩu mất từ 7-10 ngày, mà lô hàng nào cũng lấy mẫu “thì còn đâu thời gian để đi cạnh tranh với họ”.
Bà Đặng Thị Phương Dung, phó chủ tịch Vitas, cho biết dù đã cải cách nhiều năm nhưng việc cải cách thủ tục hành chính vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp. Thủ tục hải quan, dù đã có quy định rõ ràng, nhưng cách vận dụng vẫn tùy tiện mỗi nơi mỗi kiểu.
Ông Ngô Hải Phan, cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, thừa nhận dù đã có 40/50 nhóm thủ tục hành chính đã được đơn giản hóa, nhưng vẫn còn rất nhiều thủ tục hành chính chưa thể thông thoáng như mong muốn.
Theo ông Phan, Chính phủ tiếp tục lựa chọn cải cách thủ tục hành chính là giải pháp trọng tâm để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện nay, trong đó sẽ có thêm 20 nhóm thủ tục cần được cắt giảm trong năm 2012 này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận