Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh như vậy khi kết luận tại cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão chiều 18-9.
Quan ngại mưa lớn như năm 2020
Ông Hiệp cho biết theo dự báo, áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão ngay sát đất liền miền Trung.
"Các mô hình dự báo đều nhận định nếu áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão thì cường độ cũng không quá lớn, khả năng cao nhất là gió giật tới cấp 10.
Tuy nhiên áp thấp nhiệt đới sau đó có thể là bão gây ra đợt mưa khá lớn, tập trung vào Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng. Chúng tôi quan ngại một đợt mưa lụt tương tự như năm 2020 và rút kinh nghiệm từ bão số 3 cùng những cơn bão trước thì mưa lũ sau bão, ngập lụt, sạt lở thường gây thiệt hại lớn, chính vì vậy các địa phương không được chủ quan" - ông Hiệp nói.
Do đó, ông Hiệp đề nghị các địa phương tiếp tục kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn.
Áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão khi đi qua quần đảo Hoàng Sa
Các địa phương tập trung rà soát lại tình trạng ngập lụt, trong đó có ngập lụt đô thị, nhất là Huế, Đà Nẵng và có phương án sơ tán dân.
"Với lượng mưa dự báo như vậy sẽ ngập đến đâu thì các địa phương cần chuẩn bị phương án ứng phó như kê cao đồ đạc, di chuyển tài sản giá trị đến nơi an toàn, tránh trường hợp ngập lụt để ô tô trôi lềnh bềnh, thóc gạo bị ướt" - ông Hiệp nói.
Quân đội sẵn sàng 10 máy bay cứu hộ và tiếp tế thực phẩm
Đại tá Phạm Hải Châu - phó cục trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) - cho biết Bộ Quốc phòng đã ban hành 2 công điện yêu cầu các cơ quan đơn vị trong toàn quân, nhất là Quân khu 3, 4, 5 và 7, các lực lượng trên địa bàn các quân khu sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó với áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão.
Trong đó có 10 máy bay trực thăng sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn và tiếp tế thực phẩm.
"Rút kinh nghiệm từ bão số 3, Bộ Quốc phòng đề nghị các địa phương rà soát kỹ các khu vực có nguy cơ sạt lở và có phương án thông báo, báo động nhanh nhất tới từng hộ dân khi có tình huống để người dân kịp thời di chuyển.
Các cơ quan đơn vị, địa phương nằm trong khu vực ảnh hưởng phải làm tốt phương án 4 tại chỗ, đặc biệt phải có phương án đảm bảo thông tin liên lạc khi bị chia cắt" - đại tá Châu nói.
Thừa Thiên Huế: Lên phương án di dân khi có bão, lũ lụt
Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Hoàng Hải Minh cho biết tỉnh đã thu hoạch 100% lúa hè thu và 80% thủy sản nuôi trồng. Tỉnh đã chủ động tổ chức các đoàn kiểm tra đến các hồ thủy lợi, thủy điện, đê điều trên địa bàn tỉnh và đều đảm bảo an toàn.
Về tàu thuyền, ông Minh cho biết đến 11h30 trưa nay, tất cả phương tiện tàu thuyền của tỉnh đã vào nơi neo đậu an toàn.
Theo ông Minh, tỉnh Thừa Thiên Huế đã lên phương án di dời dân khi có bão, lũ lụt, sạt lở đất và nước dâng do bão và phương án đảm bảo thông tin liên lạc, dự trữ lương thực.
Đồng thời tỉnh đã có cảnh báo sạt lở ở các địa bàn nguy hiểm như Phong Điền, Nam Đông, A Lưới, Hương Trà, cảnh báo đến cấp xã.
Đà Nẵng mưa lớn gây ngập cục bộ 23 điểm
Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường cho biết từ tối qua đến trưa nay, địa bàn thành phố có mưa to phổ biến 100-150mm, có nơi 200mm.
"Từ 6-8h sáng có lượng mưa rất lớn, gây ngập cục bộ 23 điểm trên địa bàn thành phố, các điểm này ngập sâu 20-40cm, sau 30-50 phút đã rút hết" - ông Cường nói.
Về công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, ông Cường cho biết tại các điểm neo đậu, âu thuyền có 1.159 tàu/8.316 lao động đã về cập bến.
Hiện 39 tàu/448 lao động hoạt động trên biển, hiện Bộ Chỉ huy biên phòng đang duy trì liên lạc thường xuyên với các phương tiện này để hướng dẫn, thông báo diễn biến áp thấp nhiệt đới để tìm cách tránh trú, thoát khỏi vùng nguy hiểm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận