03/06/2018 05:55 GMT+7

Thứ trưởng giải thích phát ngôn của Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể

VIỄN SỰ ghi
VIỄN SỰ ghi

TTO - Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho rằng khi nói "BOT là sản phẩm giai đoạn trước", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể muốn nói về hành lang pháp lý trước đó bất cập.

Thứ trưởng giải thích phát ngôn của Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật - Ảnh: VIỆT DŨNG

Bên hành lang cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ vào tối 2-6, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đã trả lời một số câu hỏi của báo chí xung quanh phát ngôn "BOT là sản phẩm của giai đoạn trước" của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tại diễn đàn Quốc hội.

Phát ngôn trên của bộ trưởng Thể từng gây phản ứng trái chiều trong dư luận trong tuần qua.

"Không có ý đùn đẩy trách nhiệm"

Ông Nguyễn Nhật đã khá chủ động trao đổi khi báo chí đặt câu hỏi: Vì sao Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể từng là thứ trưởng Bộ GTVT nhiệm kỳ trước, từng ký duyệt một số dự án BOT, nhưng lại nói "BOT là sản phẩm của giai đoạn trước"?

Ông Nguyễn Nhật cho rằng ông Nguyễn Văn Thể nói vậy chỉ với ý muốn giải thích rằng "giai đoạn trước" hành lang pháp lý còn bất cập, kinh nghiệm quản lý và tổ chức thực hiện của các chủ thể còn hạn chế.

"Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể không có ý thoái thác nhiệm vụ, đùn đẩy trách nhiệm" - Thứ trưởng Bộ GTVT nói.

"Từ khi nhận nhiệm vụ, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã chỉ đạo các đơn vị giải quyết những bất cập nảy sinh. Bộ chúng tôi đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương giải quyết, tháo gỡ  các vấn đề về BOT. Đặc biệt là thực hiện theo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về giám sát BOT" - ông Nhật cho biết

Ông Nguyễn Nhật thông tin, các dự án BOT đang khai thác có dự án nghiên cứu từ trước năm 2000, giai đoạn 2000-2010 và nhiều nhất là giai đoạn 2011-2015. Trong giai đoạn này, các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hình thức đầu tư BOT vẫn có nhiều bất cập.

Đơn cử như Luật đấu thầu khi đó không điều chỉnh hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Đồng thời các cơ quan đều chưa có nhiều kinh nghiệm trong khi hình thức đầu tư BOT rất phức tạp.

Cũng chính vì vậy, từ năm 2016, Bộ GTVT đã có chủ trương không triển khai nâng cấp, cải tạo đường hiện hữu theo hình thức BOT. Chỉ nghiên cứu triển khai các dự án song hành, đảm bảo có sự lựa chọn cho người dân.

Tìm tên phù hợp thay "thu giá"

Tiếp tục trao đổi về chuyện đổi tên trạm "thu phí" thành "thu giá", gây ồn ào trong dư luận những ngày qua, thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật khẳng định:

"Việc chuyển đổi hình thức trạm thu phí sang trạm thu giá dịch vụ BOT không để nhắm tránh cho Bộ GTVT bị phản ứng là phí chồng phí.

Bộ chuyển thu phí sang thu giá là thực hiện theo quy định của Luật Phí và lệ phí. Việc thay đổi tên không làm phát sinh thêm chi phí cho người tham gia giao thông" - ông phân trần.

Trước phản ứng của người dân, các cơ quan báo chí về hai chữ "thu giá", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2018 tối 2-6 đã chỉ đạo: "Bộ GTVT cần tiếp thu ý kiến của các cơ quan chức năng và nhân dân, tiếp tục nghiên cứu thêm tên gọi cho trạm thu phí giao thông BOT cho phù hợp, nhưng không sử dụng tên trạm thu giá". 

Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết: "Bộ GTVT đang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với Bộ Tài chính rà soát các quy định của pháp luật để thống nhất tên gọi của việc thu tiền đối với các phương tiện sử dụng dự án BOT với một từ đơn giản, dễ hiểu hơn".

Thủ tướng yêu cầu không dùng tên "trạm thu giá" Thủ tướng yêu cầu không dùng tên 'trạm thu giá'

TTO - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu thêm tên gọi cho trạm thu phí giao thông BOT cho phù hợp, nhưng không sử dụng tên "trạm thu giá".

VIỄN SỰ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên