Bộ Công Thương họp báo thường kỳ ngày 12-10 - Ảnh: N.HIỀN
Chiều 12-10, Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chủ trì, nhằm cung cấp thông tin về công tác điều hành. Những câu hỏi nóng được đặt ra liên quan tới việc đảm bảo cung cầu xăng dầu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh, sửa đổi cơ chế liên quan tới giá điện, Quy hoạch điện 8…
Tước giấy phép ảnh hưởng tới nguồn cung
Thông tin và giải đáp về tình hình xăng dầu, ông Trần Duy Đông - vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho hay từ quý 2 giá xăng dầu tăng mạnh nhưng vẫn phải nhập khẩu, trong khi quý 3 giá giảm mạnh khiến cho doanh nghiệp bị lỗ nặng nên không có nguồn lực để nhập hàng.
"Do thua lỗ, nhiều doanh nghiệp giảm chiết khấu bán hàng, cắt giảm sản lượng kinh doanh. Tín dụng bị thắt chặt, giá xăng dầu tăng, tỉ giá đồng USD tăng, khó tiếp cận ngoại tệ, nên doanh nghiệp đầu mối không có đủ nguồn tiền để nhập khẩu hàng, nên chỉ duy trì lượng nhập khẩu phục vụ cho hệ thống. Cộng thêm chi phí chưa được cập nhật đầy đủ vào cơ cấu giá" - ông Đông nói.
Thêm nữa, theo ông Đông, là việc một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phía Nam bị tước giấy phép xăng dầu cũng làm ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu.
Ông Trần Duy Đông - vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - thông tin về tình hình xăng dầu - Ảnh: N.HIỀN
Ông Đông cho hay những câu hỏi được nêu sẽ được bộ tập hợp và trả lời công bố công khai trên website của Bộ Công Thương. Theo đó, ông tập trung thông tin về các giải pháp, cho biết kiên trì kiến nghị Bộ Tài chính về thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, bổ sung chi phí vận chuyển, đảm bảo tính đúng, tính đủ, tăng lượng hàng nhập, duy trì ổn định nguồn cung thị trường.
Sẽ tập hợp các câu hỏi trả lời công khai trên website
Điều hành giá xăng dầu, bám sát giá thế giới, duy trì nguồn cung ở những địa bàn bị thiếu hụt bằng việc hỗ trợ điều phối nguồn hàng, tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường một cách chặt chẽ, xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định.
Thông tin về cuộc họp sáng 12-10 với doanh nghiệp sản xuất, đầu mối nhằm tháo gỡ khó khăn, ông Đông cho biết sau cuộc họp bộ tiếp tục tập trung vào giải pháp như rà soát chi phí vào cơ cấu tính giá, đặc biệt là chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, đảm bảo tính đúng, tính đủ cho doanh nghiệp.
Tiếp tục chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ để tăng nguồn lực nhập khẩu, mua xăng dầu trong nước, giúp đáp ứng nguồn cung thị trường. Đặc biệt tháo gỡ cho các doanh nghiệp bị rút phép khi siết tín dụng.
Bộ cũng đề nghị với các nhà máy lọc dầu giao hàng nhanh với các đơn vị đã ký; sử dụng nguồn dự trữ để giao ngay, bán hàng cho các khu vực bị thiếu hụt cục bộ. Tiếp tục phân giao hạn ngạch gồm cả nguồn trong nước và nguồn nhập khẩu, đáp ứng đủ tổng nguồn thị trường nói chung.
Ngoài ra, ông Đông cũng cho biết sẽ rà soát quy định liên quan tới công thức, điều hành giá, thời điểm điều hành, thời gian điều hành, thời gian điều chỉnh premium, quyền của các công ty con, công ty phân phối… để phù hợp hơn với diễn biến tình hình thị trường biến động như thời gian qua.
Thông tin thêm, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng tình hình cung cầu thị trường diễn biến xấu, nhưng đến nay vẫn cơ bản đáp ứng nguồn cung cầu cho sản xuất kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Ông khẳng định, cả nước hiện có 17.000 cửa hàng xăng dầu, số lượng phải tạm ngưng là bao nhiêu thì cần thống kê chính xác, song với vai trò là cơ quan quản lý sẽ nhìn thẳng vào để có trách nhiệm, giải pháp xử lý.
"Trên cả nước có 17.000 cửa hàng, dù một cửa hàng có vấn đề cũng phải giải quyết. Chúng tôi rất mong muốn đưa thông tin cần chính xác, khách quan và tổng thể. Chúng ta phải nhìn thẳng vào nguồn cung, rất khó khăn" - ông Hải cho hay.
Liên quan tới việc giảm nhập khẩu xăng dầu tới 30-40%, ông Hải cho biết quy định hiện nay doanh nghiệp không phải chỉ nhập khẩu xăng dầu mà còn mua nguồn trong nước. Trước tình hình xăng dầu căng thẳng thì bộ đã phân giao hạn ngạch cho doanh nghiệp thực hiện trong quý 2, nhưng có khó khăn là khi nhập thì giá cao, sau đó giá giảm liên tục, gây nên thua lỗ kéo dài cho doanh nghiệp, buộc phải giảm chiết khấu và nhập khẩu.
Theo đó, giải pháp tháo gỡ là tăng chi phí vận chuyển trong nước đã được bổ sung vào kỳ điều hành giá ngày 11-10, song với chi phí vận chuyển trong nhập khẩu cũng bị tăng theo, nên sẽ kiến nghị lên Chính phủ để điều chỉnh sớm nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận