Đồng thời bạn đọc cũng đưa ra những góp ý để TP.HCM sớm lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè và sử dụng nguồn thu vào phát triển đô thị.
* Anh Nguyễn Văn Cường (người dân TP Thủ Đức):
Chờ được đóng phí
Tôi thuê mặt bằng kinh doanh quán cà phê nhỏ ở trung tâm quận 1. Trước nay, xe máy của khách để ở phần vỉa hè phía trước và 1/3 lòng đường trống gần đó. Nhiều lần lực lượng trật tự đô thị đến nhắc nhở, xử phạt, thậm chí tịch thu một số vật dụng để tràn ra đường nhưng tôi không còn cách nào khác phải chấp nhận chịu phạt bởi vì người kinh doanh rất cần chỗ để xe.
Sau khi nghe thông tin TP.HCM tiến hành thu phí sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè ở những tuyến đường đủ điều kiện, tôi rất đồng tình và sẵn sàng đóng phí vỉa hè. Tôi nghĩ mỗi địa phương có một danh mục tuyến đường thu phí, quy hoạch sử dụng từng khu vực với mức phí khác nhau. Rất mong các đơn vị sớm công bố và hướng dẫn người dân làm thủ tục chi tiết. Tôi mong được đóng phí vỉa hè, không còn lo sợ bị nhắc nhở, không còn cảnh rượt đuổi.
* Ông Trần Thanh Bình (phó chủ tịch UBND quận 3):
Không có nghĩa là tận thu
Trước đây TP.HCM có ban hành quyết định số 74 năm 2008 quy định về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TP (thu phí vỉa hè). Theo thời gian và sự chuyển biến của đô thị, quyết định này có bất cập phát sinh.
Nay TP đã có quyết định 32 năm 2023 ban hành quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố để thay thế cho quyết định 74. Đây cũng là điều kiện cho các quận huyện chủ động hơn trong công tác này.
Trước đó, quận 3 đã triển khai sắp xếp tạm, kẻ vạch bố trí người dân có nhà được sử dụng vỉa hè trong phạm vi nhất định. Khi Sở Giao thông vận tải TP.HCM có nghiên cứu đề án thu phí sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè, quận 3 cũng đã cung cấp danh sách các tuyến đường có thể thực hiện trên địa bàn quận cho sở.
Tuy vậy, quận cũng nhận định không thể thực hiện đồng loạt mà phải dựa vào đặc thù từng khu vực. Hiện tại vỉa hè có thể chia thành ba không gian: khu vực dành cho người đi bộ, khu vực hạ tầng đô thị (trạm điện, trụ chữa cháy), không gian còn lại dành cho thu phí.
Quận cũng đang xây dựng kế hoạch, phương án cho từng tuyến đường, tuy nhiên không thể thực hiện hoàn thiện một sớm một chiều. Trước mắt để phục vụ dịp Tết, lễ sắp tới quận sẽ ưu tiên sắp xếp cho các sự kiện và tất nhiên phải có sự thẩm định, đảm bảo an toàn trật tự.
Việc thu phí không có nghĩa là tận thu mà tạo ý thức bảo vệ vỉa hè, sử dụng vỉa hè, đồng thời có thêm kinh phí duy tu sửa chữa vỉa hè, đường phố. Tại quận 3, ngân sách bố trí hằng năm cho công tác này khoảng 1,2 tỉ đồng - con số này có phần hạn chế.
Quận cũng kiên quyết xử lý các hành vi xâm phạm vỉa hè kết hợp tuyên truyền người dân.
* TS Nguyễn Bảo Thành (chuyên gia kiến trúc đô thị Trường ĐH Mở TP.HCM):
Công bố rõ mức giá
Nếu thu cần xây dựng và đưa ra các quy định chặt chẽ, rõ ràng và tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu sử dụng lòng đường, vỉa hè thực hiện quyền của mình. Có thể tính toán ưu tiên chủ nhà nơi có vỉa hè gắn liền với vỉa hè đó.
Đặc biệt cần công bố mức giá công khai từng tuyến đường và khuyến khích các hộ dân nhà mặt tiền có vỉa hè đến đăng ký thuê vỉa hè. Việc thu phí và sử dụng nguồn thu cần hợp lý, minh bạch, không xảy ra tiêu cực.
Pháp lý và thủ tục rõ ràng
Thế là sau nhiều năm tháng ấp ủ, thu phí vỉa hè TP.HCM đã trở thành hiện thực. Mặt trái của việc thu phí vỉa hè là chuyện không thể tránh.
Vì thế, ngay từ bây giờ các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương quận, huyện cần thiết phải có sự phối hợp để tạo ra một hành lang pháp lý như thủ tục cấp phép, vị trí sử dụng cho cá nhân, tập thể, tạo sự công bằng cho tất cả những người sử dụng. Đồng thời, chính quyền kịp thời xử lý những bất cập như lấn chiếm, tranh mua tranh bán, bảo kê...
Một chủ trương đúng phải cần có một hành lang pháp lý cụ thể rõ ràng, sự quyết tâm của chính quyền các cấp và ý thức cùng sự ủng hộ nhiệt tình của người dân. Khi đó, chủ trương đó sẽ đi vào đời sống một cách bền vững.
Thu và quản thật hợp lý
Đó là góp ý của PGS.TS Vũ Anh Tuấn - giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức (Trường đại học Việt Đức), ngoài việc phân rõ các khu vực nào sẽ thu phí.
Đi kèm đó, ông Tuấn cho rằng cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách quản lý, xử phạt nghiêm khắc, không để tiếp diễn thói quen buôn bán tràn lan làm xấu đi bộ mặt đô thị. Nếu không siết quản lý thì rất khó thay đổi thực trạng hiện nay. Có cơ chế, chính sách riêng cho người dân nhập cư, buôn gánh bán bưng, quản lý họ như thế nào là một câu chuyện khó.
TP.HCM đảm bảo làm đồng bộ các quận, huyện để đảm bảo hiệu quả cao nhất. Việc giám sát có thể tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, camera giám sát.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận