12/10/2019 12:18 GMT+7

Thủ phạm hủy diệt sự sống - Kỳ 6: Ác nghiệp phải trả

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Ngày 4-6-2019, Tổ chức Cảnh sát quốc tế (Interpol) đã phát lệnh truy nã bảy đối tượng tội phạm môi trường.

Thủ phạm hủy diệt sự sống - Kỳ 6: Ác nghiệp phải trả - Ảnh 1.

Giàn khoan dầu Deepwater Horizon phát nổ trên vịnh Mexico ngày 20-4-2010 - Ảnh: Joedamadman

Danh sách bị truy nã gồm Guo Qin Huang (42 tuổi), Muk Nam Wong (62 tuổi) bị Trung Quốc truy nã vì buôn lậu các loài được bảo vệ và các sản phẩm từ những loài này; Nicholas Mweri Jefwa (44 tuổi) và Samuel Bakari Jefwa (29 tuổi) bị Kenya truy nã vì buôn bán trái phép động vật hoang dã cùng hoạt động tội phạm có tổ chức.

Ngoài ra, những kẻ bị truy nã còn có Ergest Memo (34 tuổi) và Taulant Memo (33 tuổi) bị Hi Lạp truy nã vì khai thác trái phép rừng được bảo vệ cùng sở hữu vũ khí trái phép; Bhekumusa Mawillis Shiba (39 tuổi) bị Eswatini (Swaziland) truy nã vì xâm phạm động vật hoang dã.

“Khái niệm về tội phạm môi trường có nguồn gốc từ chiến tranh tại Việt Nam.

Giáo sư luật tư pháp LAURENT NEYRET

Người tạo cảm hứng Polly Higgins

Năm 2014 là lần đầu tiên Interpol kêu gọi các nhân chứng giúp truy tìm 139 đối tượng bị truy nã vì đánh bắt cá trái phép, buôn bán các loài động vật được bảo vệ, chôn lấp chất thải độc hại và phá rừng trên quy mô lớn.

Trước đó, từ năm 1970 đã dấy lên phong trào đòi thừa nhận tội ác môi trường. Nhà sinh học Mỹ Arthur W. Galston đã nêu ra cụm từ "tội ác môi trường" để tố cáo mức độ tàn phá sau khi quân đội Mỹ sử dụng chất độc da cam phá hủy rừng trong chiến tranh Việt Nam.

20% diện tích rừng Việt Nam bị phá hủy, gây hậu quả thảm khốc về sức khỏe với đặc trưng là các bệnh ung thư và dị tật nghiêm trọng nơi những người bị phơi nhiễm.

Năm 1973, giáo sư luật quốc tế Richard Falk đã viết bài kêu gọi Liên Hiệp Quốc (LHQ) thông qua công ước quốc tế xác định tội phạm hủy diệt môi trường là tội phạm chiến tranh.

Đến năm 1985, khái niệm tội phạm môi trường lại được nêu ra trong quá trình thảo luận của tiểu ban thúc đẩy và bảo vệ quyền con người về hiệu lực của Công ước LHQ năm 1948 về ngăn chặn và trừng phạt tội ác diệt chủng.

Năm 1998, Quy chế Rome ra đời cho phép trừng phạt các vi phạm môi trường nếu đó là tội ác trong chiến tranh và trong các trường hợp cực kỳ hạn chế. Người đã dành công sức đấu tranh để LHQ thừa nhận tội phạm môi trường trong thời bình là nữ luật sư người Anh Polly Higgins.

Cô Polly Higgins bắt đầu nghề luật sư vào năm 1998 tại London (Anh). Sau nhiều năm làm việc liên quan đến luật hình sự, luật lao động, luật công ty, cô đã quyết định chọn lĩnh vực bảo vệ môi trường trái đất.

Năm 2010, Polly Higgins đã đưa ra dự thảo điều khoản sửa đổi để đề nghị Ủy ban Pháp luật quốc tế của LHQ sửa đổi Quy chế Rome năm 1998 theo hướng xem tội phạm môi trường là tội phạm thứ năm mà Tòa án hình sự quốc tế có quyền tài phán sau tội diệt chủng, tội ác chống nhân loại, tội ác chiến tranh và xâm lược.

Trước đó đã xảy ra vụ tràn dầu Deepwater Horizon. Công ty BP của Anh thuê giàn khoan dầu Deepwater Horizon để khoan dầu trên vịnh Mexico. Ngày 20-4-2010, giàn khoan phát nổ làm 11 người chết, 17 người bị thương, 780 triệu lít dầu tràn ra biển gây thảm họa sinh thái hết sức khủng khiếp.

Polly Higgins quá bức xúc và đã viết tác phẩm "Tiêu diệt tội ác môi trường".

Chính cô là người đồng sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Bảo vệ nguyên vẹn sinh thái có trụ sở tại Stroud (Anh). Tổ chức này quản lý mạng lưới Stop Ecocide trên thế giới để đầu tư pháp luật về môi trường.

Đội ngũ quốc tế hợp tác với cô gồm các luật sư, chuyên gia pháp y và cựu thẩm phán hoạt động ở Anh, Mỹ, Hà Lan, Tây Ban Nha chuyên hỗ trợ pháp lý cho các nước.

Cô đã nhận bằng tiến sĩ danh dự của Trường Kinh doanh Lausanne (Thụy Sĩ) và giáo sư danh dự của Đại học Oslo (Na Uy) năm 2013 cùng nhiều giải thưởng khác.

Ngày 21-4-2019, Polly Higgins qua đời đột ngột, hưởng dương 51 tuổi. Vài tuần trước, khi đi khám bệnh cô mới biết mình đã mắc bệnh ung thư.

Thủ phạm hủy diệt sự sống - Kỳ 6: Ác nghiệp phải trả - Ảnh 3.

Nữ luật sư người Anh Polly Higgins kiên trì đề nghị LHQ thừa nhận tội phạm môi trường trong thời bình - Ảnh: Sylvain Guenot

Quan điểm ngày càng chín muồi

Đề xuất sửa đổi Quy chế Rome của nữ luật sư Polly Higgins là nguồn cảm hứng để năm 2013, một nhóm gồm 11 công dân của 9 nước châu Âu đưa ra sáng kiến "Hãy chặn đứng tội phạm môi trường ở châu Âu".

Ngày 22-1-2013, sáng kiến được ba nghị sĩ châu Âu bảo trợ đã được đệ trình lên Nghị viện châu Âu với đề nghị ủy ban này ban hành chỉ thị về tội phạm môi trường.

Ba năm sau, lần đầu tiên Tòa án hình sự quốc tế xác nhận có quyền tài phán về tội phạm môi trường kể từ ngày 15-9-2016.

Tòa chỉ xem xét tội phạm môi trường xảy ra sau ngày 1-7-2002 tại một trong 139 quốc gia đã phê chuẩn Quy chế Rome, hoặc bị đơn đến từ một trong những quốc gia này, hoặc vụ việc được Hội đồng Bảo an LHQ chuyển giao.

Anh là quốc gia đầu tiên nhất trí ban bố tình trạng khẩn cấp về môi trường và trở thành điển hình cho chính phủ các nước noi theo. Ngày 1-5-2019, Quốc hội Anh đã bỏ phiếu thông qua đề xuất không ràng buộc của Công đảng về ban bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu và môi trường.

Công đảng phấn khởi viết trên Twitter: "Thời điểm đã đến để thực hiện các biện pháp cụ thể trong đấu tranh chống biến đổi khí hậu".

Bộ trưởng Môi trường Anh Michael Gove thừa nhận tình hình môi trường đã trở nên nguy cấp: "Đó là khủng hoảng và là mối đe dọa. Chúng ta phải cùng hợp sức đối phó".

Gần 10 ngày sau, đến lượt Quốc hội Ireland nhất trí ban bố tình trạng khẩn cấp về môi trường như Anh.

Tạp chí Slate (Pháp) ghi nhận đến nay có khoảng 10 quốc gia đưa tội phạm môi trường vào luật quốc gia, đặc biệt trong đó Việt Nam là quốc gia đi tiên phong.

Còn tại Pháp, vào tháng 5-2019, Thượng viện đã bác bỏ điều khoản sửa đổi đưa tội phạm môi trường vào bộ luật hình sự.

Tội phạm môi trường xuyên quốc gia

Năm 1995, LHQ đã lập danh sách 18 tội phạm xuyên quốc gia, trong đó bao gồm tội phạm môi trường.

Theo Công ước LHQ về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm môi trường xuyên quốc gia có liên quan đến các hành vi phạm tội tại hơn một quốc gia, hoặc tại một quốc gia nhưng một phần đáng kể trong quá trình chuẩn bị, lập kế hoạch, tiến hành hoặc kiểm soát xảy ra ở một quốc gia khác.

Hành vi phạm tội cũng có thể phạm ở một quốc gia nhưng liên quan đến băng nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động ở nhiều quốc gia, hoặc phạm tại một quốc gia có ảnh hưởng đáng kể đến quốc gia khác.

Phó giáo sư Amissi M. Manirabona ở Đại học Montréal (Canada) nhận xét tội phạm môi trường xuyên quốc gia bao gồm khai thác và kinh doanh gỗ trái phép; buôn bán trái phép động vật hoang dã/thực vật hoặc các chất làm suy giảm tầng ozone; gây ô nhiễm không khí, nước và đất; chuyển dịch hoạt động của các ngành công nghiệp gây ô nhiễm từ các nước phát triển đến các nước nghèo; buôn bán và thải chất thải hoặc vật liệu độc hại ra môi trường; buôn bán ngà voi và đánh cá trái phép; đánh bắt cá quá mức trên đại dương.

Tàu chở dầu Probo Koala ở Panama được Công ty Trafigura thuê chở chất thải đổ ở Abidjan, Bờ Biển Ngà làm 17 người chết và hàng chục ngàn người bị đau đầu, nôn mửa, bệnh về da, rối loạn hô hấp. Một cuộc chiến pháp lý hết sức phức tạp đã diễn ra...

>> Kỳ tới: Gian truân kết án kẻ "giết" môi trường

Thủ phạm hủy diệt sự sống - Kỳ 5: Câu chuyện tù trưởng rừng Amazon Thủ phạm hủy diệt sự sống - Kỳ 5: Câu chuyện tù trưởng rừng Amazon

TTO - Trong các nhân vật xả thân bảo vệ môi trường sống, có lẽ tù trưởng Raoni Metuktire (89 tuổi) là một trong những người nổi tiếng hơn hết.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên