02/02/2021 09:07 GMT+7

Thư Myanmar: Ngày u ám

EI EI THU
EI EI THU

TTO - Từ sáng sớm ngày 1-2, chúng tôi đã bị đánh thức theo cách không như thường lệ. Cha chồng tôi thông báo với vợ chồng tôi rằng đất nước đang có đảo chính quân sự.

Thư Myanmar: Ngày u ám - Ảnh 1.

Một người ủng hộ bà Suu Kyi tham gia tuần hành ở Bangkok, Thái Lan ngày 1-2-2021 - Ảnh: Reuters

Không thể tin những gì vừa nghe thấy, tôi vội kiểm tra trên truyền thông chính thống và hiểu rằng chuyện này đã thực sự xảy ra.

Điều khiến tôi suy sụp hơn là liều vắcxin định kỳ 6 tháng cho đứa con trai mình. "Đảo chính" có nghĩa là tôi không thể quyết định liệu có đưa thằng bé tới bệnh viện công hay không. Rốt cuộc, không còn cách nào khác, chúng tôi tới một phòng khám nhà nước lúc 10h sáng.

Chỉ một vài người cũng quyết định như tôi, và thật không may, điều này dẫn đến việc bệnh viện không tiến hành tiêm do không đủ số lượng. Y tá thông báo rằng phải quay lại vào hôm sau nếu có trên 10 người tiêm. Việc này buộc tôi phải đưa thằng bé tới một bệnh viện nhi để có vắcxin.

Trái ngược với khung cảnh vắng vẻ của phòng khám, bên ngoài là những đám đông xếp hàng dài trước các ngân hàng. Tôi đã chứng kiến người ta đổ xô đi rút tiền, và xếp hàng tại các cửa hàng bán gạo nữa.

Sự hỗn loạn này như được nâng lên khi dịch vụ Internet và mạng di động bị cắt tại nhiều nơi khắp đất nước, trước khi phần nào được khôi phục vào giữa trưa một cách hạn chế.

Thông tin tới với người dân trong khi đó bị ảnh hưởng khi các mạng truyền hình quốc gia cũng bị cắt, ngoại trừ kênh do quân đội bảo trợ. Tất cả trôi vào hoang mang, âm u và thiếu hi vọng khi được tin quân đội tuyên bố họ đang nắm quyền kiểm soát quốc gia trong một năm tới tính ngay từ lúc này.

Điểm đáng nói là tôi không tin rằng quân đội sẽ tôn trọng pháp luật vào một ngày nào đó, bởi vì nếu họ tuân thủ luật lệ họ sẽ hành động vì lợi ích của người dân và đất nước, họ sẽ không tái diễn việc này một lần nữa.

Chúng tôi không muốn quay trở lại với những ngày đen tối khi quốc gia bị cô lập vì tôi đã sinh ra trong giai đoạn đáng sợ này, và từng tràn trề hi vọng khi đất nước mở cửa vì đó là lúc chúng tôi biết rằng mình có quyền, mình dám nói mọi thứ thuộc về quyền của mình.

Điều người Myanmar lo ngại nhất chính là quay trở lại những ngày cô lập và tranh chấp. Rồi tôi sẽ phải kể với con trai mình những trải nghiệm này sao, và chúng tôi sẽ để lại di sản cho thế hệ sau bằng những điều như hiện nay? Không. Chúng tôi phải đấu tranh để ý chí của mình được tôn trọng.

Giờ đây, những gì chúng tôi mong muốn nhất là một Myanmar cởi mở, hòa bình, lấy lợi ích người dân làm gốc. Chúng tôi không muốn các lãnh đạo dân sự bị bắt bớ. Chúng tôi sát cánh với pháp luật, dân chủ và nói không với bất kỳ biểu hiện lạm dụng quyền lực nào, vì một Myanmar tươi sáng hơn.

Tổng thống Biden: Tổng thống Biden: 'Quân đội Myanmar phải từ bỏ quyền lực, Mỹ đang xem xét lệnh trừng phạt'

TTO - Đáng chú ý, ông Biden cũng tuyên bố Washington đang "ghi chú lại những ai đang sát cánh cùng người dân Miến Điện trong giờ phút khó khăn này". Trước khi được Nhà Trắng giải thích lại, nhiều người đã hiểu đây là thông điệp tới Trung Quốc.

EI EI THU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Myanmar