Chàng thủ khoa Nguyễn Minh Phúc - Ảnh: NVCC
Trong thời gian vài tháng trước kỳ thi, Minh Phúc chia sẻ bạn luôn duy trì thói quen làm từ 1-2 đề thi mỗi ngày. Khi còn 5 ngày cuối, Phúc thả lỏng, chỉ làm 30 câu đầu tiên của đề, không làm câu khó, không tiếp thu thêm kiến thức mới.
Khi còn 3 ngày tới giờ “G”, Phúc chỉ sẽ ngồi vào bàn làm trọn vẹn 1 đề toàn theo đúng khung giờ thi thực tế là xong quá trình ôn tập.
Minh Phúc cho rằng sau nhiều ngày liên tục hoạt động hết công suất, cơ thể cần có 1 khoảng thời gian thả lỏng để không bị kiệt sức. Tuy nhiên, cũng không nên bỏ hoàn toàn việc ôn luyện để tránh trường hợp quên kiến thức, không “quen tay” khi bước vào phòng thi.
Với môn toán, để thực hiện bài thi một cách tốt nhất, mỗi người nên xây dựng một “chiến lược” phù hợp với năng lực.
Theo Phúc, sẽ rủi ro nếu làm hết 50 câu rồi mới kiểm tra lại, vậy nên trước khi bắt đầu làm bài, Phúc chia nhỏ 50 câu hỏi thành 3 mức độ: 30 câu đầu là hiểu và biết, 10 câu tiếp theo là vận dụng thấp và cuối cùng là vận dụng cao để kiểm soát bài thi chặt chẽ hơn.
Sau khi hoàn thành 30 câu đầu tiên, Phúc kiểm tra lại ngay. Tiếp theo, Phúc hoàn thành 10 câu hỏi vận dụng thấp, kiểm tra lại một lần nữa rồi mới điền đáp án của 40 câu hỏi vừa giải vào phiếu trả lời.
Khoảng thời gian còn lại, Phúc dành để giải quyết 10 câu hỏi cuối. Đến phút thứ 83 của môn thi, Phúc ngừng việc giải đề, kiểm tra đáp án và hoàn thành bài thi.
Sau khi kết thúc mỗi bài thi, Phúc cho rằng thí sinh không nên dò kết quả ngay sau môn thi mà hãy dành thời gian để nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe.
“Kỳ thi này là một trận chiến dài mà bạn có nhiều cơ hội để dành chiến thắng. Dù kết quả có thế nào, đừng suy sụp mà hãy cứ quyết tâm đi đến cùng”, Minh Phúc gửi gắm.
Gia đình nên là chỗ dựa tinh thần đúng nghĩa
Trong suốt hành trình từ chạy đà đến bật nhảy của Minh Phúc, gia đình luôn là chỗ dựa tinh thần quan trọng.
Phúc cho rằng việc gia đình và người xung quanh gây áp lực về mặt thành tích lên các bạn thí sinh là điều không tốt. Sức ép này càng kinh khủng hơn trong những ngày thi chính thức.
“Việc gây áp lực dễ khiến thí sinh rơi vào trạng thái lo lắng, bất an. Giữa các buổi thi, gia đình không nên đề nghị dò kết quả hay thể hiện sự thất vọng khi thí sinh làm bài chưa tốt, việc làm này sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến các môn thi sau”, Phúc nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận