20/07/2019 13:14 GMT+7

'Thủ khoa chân đất': bình thường!

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Kỳ thi 2019, các thủ khoa đến từ Thanh Hóa, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh; điểm 10 cũng xuất hiện rải rác ở nhiều tỉnh. Hà Nội có một thí sinh thủ khoa khối D01 nhưng cũng là học sinh trường THPT công lập bình thường ở ngoại thành.

Thủ khoa chân đất: bình thường! - Ảnh 1.

Tạ Quang Thanh (xã Quảng Châu, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) có hai điểm 10 môn lịch sử và địa lý trong kỳ thi THPT vừa qua. Thanh đã dành nửa năm đi TP.HCM làm công nhân kiếm tiền ôn thi - Ảnh: Q.NAM

Hầu như năm nào, cụm từ "thủ khoa con nông dân" hay "thủ khoa chân đất" cũng được nhắc đến sau kỳ thi THPT quốc gia. Điều này cứ tưởng khác lẽ thường vì ở những đô thị lớn mới là môi trường giúp học sinh phát triển năng lực.

Sự nghèo khó tạo nên động lực

Trong một cuộc trao đổi với báo chí về hiện tượng "thủ khoa con nhà nghèo", TS Đoàn Hương (Trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia Hà Nội) nhận định: nhiều học sinh nhà nghèo hiểu được giá trị của sức lao động, của đồng tiền, mồ hôi nước mắt cha mẹ. Vì thế, có thể với một đề thi văn, những học sinh có đường đời không êm ả, con nhà nghèo thì viết sâu sắc hơn.

PGS.TS tâm lý Phạm Mạnh Hà (Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội) thì nhìn nhận: khát khao học tập chính là khát khao đổi đời với nhiều học sinh nhà nghèo. 

Những đứa trẻ con nhà giàu có nhiều khao khát khác nhau nhưng con nhà nghèo chỉ có một con đường là học tập để vượt lên sự nghèo khó. 

Hoàn cảnh tạo cho những học sinh nhà nghèo động lực, ý chí quyết tâm mà những học sinh trong hoàn cảnh khá giả không có được. "Điều này cũng cho thấy khả năng vượt khó và tự học là yếu tố rất quan trọng để có kết quả học tập tốt, chứ không phải ở trong môi trường tốt (như trường chuyên, lớp chọn) thì mới đỗ đạt" - TS Hà nhận xét.

Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc, người nổi tiếng luyện thi online và thường xuyên có sự tương tác với hàng chục ngàn học sinh ở cả thành phố và các vùng nông thôn, cho rằng có một thực tế là nhiều học sinh thành phố, học sinh trường chuyên không đặt nặng vấn đề đạt điểm thật cao hay là thủ khoa. Đã có nhiều học sinh vào trường chuyên để tạo "bàn đạp" đi du học, theo đuổi một lĩnh vực nào đó mình đam mê từ rất sớm. 

Phân tích ở khía cạnh "động lực", những học sinh này cũng có động lực "không hề nhẹ" nhưng nó lại không được đặt vào một kỳ thi như thi THPT quốc gia.

Thế giới học tập trực tuyến và "thước đo đại chúng"

Lý giải tiếp về hiện tượng "học sinh ở nông thôn trở thành thủ khoa", thầy Vũ Khắc Ngọc cho biết Internet hiện nay khá phổ biến, tạo nên sự bình đẳng trong tiếp cận tri thức. Cùng với việc xóa dần khoảng cách vùng miền trong điều kiện học tập, đề thi THPT quốc gia được một số chuyên gia nhận định là "thước đo đại chúng". 

TS Sái Công Hồng - phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT - khi nói về đề thi năm nay cũng cho biết đề thi bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng cơ bản. Những thí sinh ở vùng có điều kiện học tập không thuận lợi nhưng chăm chỉ, ôn tập bám sát kiến thức cơ bản được học trong trường phổ thông vẫn có thể đạt được kết quả tốt.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, kể câu chuyện vui: "Năm nay tôi vừa phải đọc hồ sơ và tiếp gần 200 bạn trẻ đến đăng ký tuyển thẳng vào trường. Trong số này có nhiều em ở các vùng nông thôn. Tôi quan sát các em, có những nữ sinh vóc dáng bé nhỏ, gầy gò. 

Tôi chợt nghĩ, điều giúp những học sinh này học giỏi - theo "thước đo đại chúng" hiện nay - có lẽ phần nhiều do các em có độ tập trung cao cho một mục tiêu là học tập. Học sinh thành phố có nhiều thứ để quan tâm, theo đuổi, say mê và đương nhiên phân tâm hơn. 

Như vậy, không có nghĩa học sinh thành phố kém thông minh hơn, ngược lại nhiều học sinh rất thông minh, nhưng các em không chú tâm cho chuyện học".

PGS.TS Nguyễn Phong Điền cho rằng kỳ thi THPT quốc gia chỉ là một "cái sàng" để sàng được những hạt nhỏ nhưng không phải hạt quá mịn. Đã từng có nhiều sinh viên có đầu vào tốt nhưng không duy trì được.

Vào môi trường ĐH, để giỏi thực sự và thành công trong các lĩnh vực nghề nghiệp sau này cần những năng lực, kỹ năng khác chứ không chỉ giỏi các môn học ở phổ thông.

Dĩ nhiên nên biểu dương, khích lệ các em thủ khoa, nhất là thí sinh nhà nghèo, nhưng chúng ta đừng đánh đồng thủ khoa và tài năng khiến các em chủ quan, không cố gắng.

Từ "cái nôi" thu hút các thủ khoa, PGS.TS Lê Thị Thu Thủy (Trường ĐH Ngoại thương) thông tin những thủ khoa vào trường đều phát huy được năng lực.

Tuy nhiên, bà Thủy cũng cho rằng: "Sinh viên có điểm đầu vào tốt vẫn cần cố gắng và có một môi trường phù hợp, phát huy được năng lực cá nhân thì mới tiếp tục phát triển".

Đôi bạn thủ khoa chung lớp ở một trường làng Đôi bạn thủ khoa chung lớp ở một trường làng

TTO - Thủ khoa khối B và khối A1 của tỉnh Quảng Ngãi là hai học sinh cùng lớp ở một ngôi trường làng.Tùng có vẻ nhút nhát và kiệm lời, còn cô bạn cùng lớp - Ngọc Ánh lại năng động và thích trò chuyện với mọi người.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên