02/07/2013 12:45 GMT+7

Thu hồi đất: cần minh bạch quy trình

NGUYỄN ĐIỆP HOA (Oxfam)
NGUYỄN ĐIỆP HOA (Oxfam)

TTCT - LTS: Dự thảo Luật đất đai chưa được Quốc hội thông qua bởi còn nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có vấn đề thu hồi đất. TTCT giới thiệu một góc nhìn khác của chuyên gia đến từ Tổ chức Oxfam.

OqhvtUSr.jpgPhóng to
Đất khu vực dự án sinh thái hồ Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh, TP.HCM) vừa thoát dự án “treo” thì nay lại lấp lửng dự án mới. Cần một cơ chế mới để đảm bảo lợi ích và quyền của người dân - Ảnh: Quang Định

Thu hồi đất và mục đích của việc Nhà nước thu hồi đất là một vấn đề hệ trọng nhưng chưa có sự thống nhất ý kiến của các cơ quan, ban ngành khi được lấy ý kiến về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) trong thời gian vừa qua. Đây cũng là vấn đề mà trong phiên họp thảo luận về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) hôm 17-6 của Quốc hội còn có nhiều ý kiến chưa nhất trí với bản dự thảo do ban soạn thảo dự thảo luật trình bày tóm tắt.

Tôn trọng quyền của dân

Dùng từ thu hồi đất trong dự thảo luật như hiện nay là chưa hoàn toàn thích hợp. Đất và quyền sử dụng đất là hai việc khác nhau. Người dân không sở hữu đất mà có quyền sử dụng đất. Oxfam cho rằng dù là “thu hồi” hay “trưng mua”, “trưng dụng” quyền sử dụng đất cho mục đích nào, điều cốt yếu là quyền của người dân và cộng đồng phải được tôn trọng. Điều này phải được thể hiện đầy đủ trong mọi quá trình liên quan tới thực thi các chính sách quản lý và sử dụng đất như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất và giải quyết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư...

Nguyên tắc tôn trọng này là tập hợp của các điều kiện để người dân thực hiện những quyền cơ bản của họ trong việc thương lượng các điều khoản của những chính sách, dự án, chương trình và hoạt động do các tổ chức/nhà đầu tư thực hiện và có thể ảnh hưởng trực tiếp tới sinh kế và đời sống của họ. Họ là người quyết định có đồng thuận hay không với các chính sách/chương trình/dự án/hoạt động đó.

Để đảm bảo nguyên tắc này được tôn trọng và tuân thủ, chuyện tham vấn, thương lượng, huy động sự tham gia để có sự đồng thuận của người dân là những công cụ không thể thiếu và phải được cụ thể hóa trong dự thảo Luật đất đai (sửa đổi). Sự đồng thuận của người dân không có nghĩa là phải có được sự nhất trí của mọi người, mà là sự đồng thuận dựa trên ý kiến tập thể đạt được qua quá trình đối thoại, thảo luận và thống nhất theo cách truyền thống.

Hiện tại, dự thảo luật quy định Nhà nước có thể thu hồi đất vì các mục tiêu quốc phòng, an ninh, các lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù dự thảo chỉ ra các trường hợp cụ thể hơn được phép thu hồi đất vì các mục đích trên, chúng tôi cho rằng vẫn chưa rõ ràng. Ngoài ra, chúng tôi cho rằng đối với từng mục đích thu hồi phải có định nghĩa và giải thích cụ thể để tránh việc lẫn lộn và lạm dụng sau này trong quản lý, thực thi các chính sách đất đai.

Một điều cần làm rõ là kinh tế và xã hội là hai lĩnh vực khác nhau. Thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế là hoạt động vì lợi nhuận, trong khi các dự án có mục tiêu xã hội do Chính phủ hay các tổ chức phi lợi nhuận thực hiện thì lại thuộc lợi ích công cộng và phi lợi nhuận.

Quy định cần cụ thể

Chúng tôi khuyến nghị dự thảo luật cần quy định cụ thể hơn. Chẳng hạn, trước khi ban hành quyết định trưng dụng, trưng mua quyền sử dụng đất, cơ quan có thẩm quyền quyết định phải thực hiện công khai về chủ đầu tư dự án tại cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh. Tổ chức phát triển quỹ đất có trách nhiệm thực hiện tham vấn cộng đồng về phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Việc tham vấn cộng đồng được thực hiện trong phạm vi cộng đồng những người bị trưng mua, trưng dụng quyền sử dụng đất trên phạm vi diện tích đất thực hiện dự án đầu tư. Sự đồng thuận của cộng đồng được quy định là số lượng ý kiến đồng ý của các thành viên cộng đồng phải đạt ít nhất 80% (*) trên tổng số thành viên cộng đồng.

Quy định về tham vấn cộng đồng trong cơ chế thỏa thuận trên cơ sở đồng thuận giữa nhà đầu tư và cộng đồng những người đang sử dụng đất. Nhà đầu tư thực hiện tham vấn cộng đồng đối với những người đang sử dụng đất trên phạm vi khu vực của dự án đầu tư về các phương thức chuyển dịch đất đai sau: chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hoặc thuê đất, hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

Tỉ lệ phần trăm tối thiểu của số lượng ý kiến đồng ý của các thành viên cộng đồng trên tổng số thành viên cộng đồng quy định là 80%. Nhà đầu tư có trách nhiệm thuê tổ chức cung cấp dịch vụ định giá đất để thực hiện định giá đất và lập phương án chuyển dịch đất đai có sự chứng kiến của đại diện UBND. Việc lựa chọn tổ chức cung cấp dịch vụ định giá đất và lập phương án chuyển dịch đất đai phải được thực hiện thông qua quy trình tham vấn cộng đồng.

Chúng tôi tin rằng nếu có được các giải pháp thỏa đáng cho những vấn đề then chốt nói trên thì hàng triệu nông dân sản xuất nhỏ, người nghèo, người dân tộc thiểu số và phụ nữ sẽ có cơ hội cải thiện cuộc sống và thoát khỏi đói nghèo một cách bền vững.

Oxfam và Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) đã khuyến nghị dự thảo Luật đất đai có quy định cụ thể về cơ chế cho từng trường hợp:

* Cơ chế Nhà nước thu hồi đất chỉ được áp dụng theo quy định của điều 63 (thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai) và điều 64 (thu hồi đất do chấm dứt sử dụng đất theo pháp luật hoặc tự nguyện) của dự thảo Luật đất đai sửa đổi.

* Cơ chế Nhà nước trưng dụng quyền sử dụng đất được áp dụng cho các dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng không gắn với lợi nhuận của nhà đầu tư.

* Cơ chế Nhà nước trưng mua quyền sử dụng đất được áp dụng cho các dự án vì lợi ích công cộng có gắn với lợi nhuận của nhà đầu tư.

* Cơ chế thỏa thuận trên cơ sở đồng thuận giữa nhà đầu tư và cộng đồng những người đang sử dụng đất được áp dụng đối với các dự án phát triển kinh tế.

____________

(*): Tương tự đề xuất tỉ lệ đồng thuận trong quy hoạch kế hoạch sử dụng đất ở trên, đề xuất tỉ lệ đồng thuận 80% trong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dựa trên kinh nghiệm của các nước và kiến nghị của TP.HCM. Dự thảo Luật đất đai sửa đổi nên đưa ra 2-4 phương án để các đại biểu Quốc hội thảo luận và lựa chọn. Đặc biệt bồi thường, hỗ trợ và tái định cư có mức độ ảnh hưởng rất lớn đối với cộng đồng, do vậy tỉ lệ đồng thuận được đề xuất cao hơn so với tỉ lệ đồng thuận trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (75%).

NGUYỄN ĐIỆP HOA (Oxfam)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên