30/05/2015 09:15 GMT+7

Thư gửi những người bạn “vô cảm”

BẢO ANH
BẢO ANH

TT - Chào Văn, Thành, Lưu, Minh...Nhân đọc một bài viết trên Tuổi Trẻ về các bạn, mình muốn viết vài dòng để kể bạn nghe câu chuyện của mình.

 

Trước đây, ba mẹ thường than phiền rằng mình không quan tâm gì đến ba mẹ. Rằng mình vui buồn gì cũng không chịu tâm sự với ba mẹ, trong khi đó lại bộc bạch hết với người ngoài. Mẹ mình còn bảo chắc sẽ không ai thèm lấy mình vì mình không biết đi chợ nấu nướng, nếp sinh hoạt hằng ngày không điều độ và kỷ luật, lại còn cái tật bướng bỉnh thích gì làm đó.

Mỗi lần ba mẹ rầy la, mình thường trốn vào phòng tắm khóc. Người ta thường nói gia đình là tổ ấm, là nơi để trở về và nương tựa, nhưng sao trong những lúc tủi thân đó mình thấy nó chẳng ấm áp chút nào và chỉ mong bay khỏi cái tổ đó thật xa.

Cho đến một ngày, sau khi chứng kiến cả ba mẹ của một người bạn thân đột ngột qua đời và bạn ấy - cũng là một đứa con “vô cảm” - đã bị tác động mạnh mẽ như thế nào sau biến cố đó. Đó cũng là bài học cho mình.

Khi ba mẹ không còn, nỗi mất mát có thể năm tháng sẽ nguôi ngoai nhưng nỗi hối tiếc vì mình đã không quan tâm và yêu thương ba mẹ sẽ đi theo mình mãi mãi. Nó sẽ trở thành một nỗi ám ảnh và một khoảng trống không ai và không điều gì có thể lấp đầy. Khoảng trống do mất mát là không thể tránh khỏi, ai rồi cũng phải mang nó theo, nhưng khoảng trống vì hối tiếc thì lớn hơn rất nhiều và hoàn toàn có thể tránh được.

Vì không muốn sống với khoảng trống hối tiếc đó, mình đã quyết tâm thay đổi. Mình bắt đầu từ việc tập thói quen gọi điện thoại nói chuyện với ba mẹ hằng ngày, vì mình sống xa ba mẹ.

Từ trước đến giờ mình rất ít khi nói chuyện và chia sẻ với ba mẹ nên mình đã “khổ sở” khi không biết bắt đầu như thế nào và nói những chuyện gì. Có những ngày mình cầm chiếc điện thoại trong tay và ngồi thừ nửa tiếng đồng hồ mà vẫn chưa nghĩ ra chuyện gì để nói.

Sau đó, mình phải lấy một tờ giấy và một cây bút để vắt óc viết ra những chủ đề có thể nói chuyện được với ba mẹ, như cách mình vẫn thường làm trong các buổi họp động não để ra ý tưởng mới ở công ty. Gọi được đôi ba lần thì cái danh sách chủ đề đó hết sạch, nhưng vì muốn giữ thói quen nói chuyện với ba mẹ hằng ngày, mình đã gọi hỏi ba những chuyện “trên trời dưới đất” khác...

Khi thay đổi được cách mình đối xử với ba mẹ thì những hờn giận, tủi thân, trách móc và không hài lòng của mình với ba mẹ dù có to lớn và khủng khiếp như trời như biển giờ chỉ còn là một hạt cát.

Trong cuốn Khởi sinh của cô độc, Paul Auster kể sau khi cha mất, ông đã dọn dẹp lại đồ đạc của cha và tìm thấy những tấm ảnh. Vì ông biết rất ít về cha mình nên những bức hình đó đã giúp ông lấp đầy những khoảng trống và những khoảng trắng hiểu biết của ông về cha. Mình không muốn như Paul Auster.

Hiện tại mình may mắn hơn Paul Auster vì mình vẫn còn cha mẹ, nghĩa là mình vẫn còn thời gian và cơ hội để hiểu hơn về cha mẹ một cách trực tiếp nhất, nên mình sẽ tận dụng từng giây phút cái thời gian còn lại này.

BẢO ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên