04/11/2013 04:45 GMT+7

Thư gửi cô Dung

NGUYỄN MINH CHÂU (Lớp 6A5 Trường THCS Văn Lang, Q.1)
NGUYỄN MINH CHÂU (Lớp 6A5 Trường THCS Văn Lang, Q.1)

TT - Cô Dung kính yêu của con! Con đã chuyển về học ở một ngôi trường ngay giữa trung tâm thành phố. Một ngôi trường khang trang, sạch đẹp, cùng thầy cô và bạn bè mới.

mkGrDA3e.jpgPhóng to
Châu cùng cô giáo Dung - Ảnh: tác giả cung cấp

Con vui lắm. Nhưng cứ mỗi lúc đến giờ ra chơi, con lại nhớ về cô, nhớ nhiều hơn bao giờ hết. Nhớ nhất là lúc được ngồi bên cô, cạnh gốc phượng vỹ nở hoa đỏ rực cả một góc sân.

Hình ảnh mới hôm nào cô vuốt lại mái tóc cho con rồi ân cần nhắn nhủ: “Lên cấp II, con phải cố gắng nhiều hơn nữa, khi gặp khó khăn nhớ đừng khóc mà phải biết vượt qua”. Lời dạy lúc chia tay làm con cứ vương vấn mãi. Nhớ những ngày đầu tiên đi học, khi bước chân vào lớp 1A do cô làm chủ nhiệm, con bỡ ngỡ, lo âu và sợ vì cô nghiêm nghị quá. Nhưng về sau này, kể cả khi lên lớp, con lại muốn khóc với cô, đó không chỉ là mong muốn của riêng con. Hè đến rồi lại đi, tưởng chừng như êm ả nếu gia đình con không gặp biến cố buộc con phải nghỉ học dài hạn. Rồi một buổi chiều nọ, cô đội mưa ghé tìm phòng trọ thăm con, vô tình cô nghe được lời lẽ chẳng mấy hay ho từ ông chủ nhà vốn tính cộc cằn, thực dụng đang dằn hắt ba mẹ về khoản tiền thuê hằng tháng cứ luôn trễ hẹn. Con buồn và chỉ biết khóc. Cô đến ôm con, vỗ về, an ủi và nhẹ nhàng nói với ba mẹ rằng cô không muốn con phải nghỉ học. Cô ơi! Cô đã từng dạy bảo con sao hôm nay cô lại rơi nước mắt?

Hằng ngày cô tất tả ghé nhà đưa con đến lớp vì mẹ mưu sinh quá đỗi nhọc nhằn, đi sớm về khuya, ba thì ở bệnh viện nhiều hơn là ở nhà! Ở nhà cô, tối về mẹ đón, con được bà cùng các bác, anh chị của cô dạy dỗ, chăm sóc, lo từng miếng ăn cái mặc, con ấm áp quá! Lẽ ra con phải đền đáp bằng sự chuyên cần, học giỏi hơn nữa, ngược lại sức học ngày một trì trệ, cô buồn và không nói gì. Cho đến một hôm trong buổi sinh hoạt cộng đồng toàn trường, cô kể rất nhiều câu chuyện nhưng điểm nhấn duy nhất chỉ có hai từ là “đồng cảm” và “chia sẻ”. Qua tuần sau, rồi mãi cho đến lúc con chuyển cấp, các bạn trong lớp, kể cả các anh chị lớp trên, đã không còn chế giễu con nữa vì con ăn chực phần cơm trưa mà cô luôn để dành cho con. Tình bạn ngày ấy ngày càng nở hoa, đẹp biết chừng nào! Với con đó là hạnh phúc, một hạnh phúc đến quá ngỡ ngàng hệt như một giấc mơ tuyệt đẹp chỉ có trong truyện cổ tích, không phải là ông bụt hoặc cô tiên nào đó hiện ra ban tặng cho con phép mầu, mà là cô! Chính cô đã đến từ đời thường, đến để vực con dậy, để nâng bước cho con đi thật vững, thật chắc. Con mụ mị quá! Con không tìm được cụm từ nào hay hơn, đẹp hơn nữa bằng cụm từ “đức hi sinh” để bày tỏ cùng cô về câu chuyện 500.000 đồng mà cô đã giúp cho con có điều kiện thỏa mãn niềm đam mê, sáng tạo, phát kiến trong những cuộc thi trên thành phố tổ chức là được cô trích từ tiền sữa dành cho em ở nhà mà cô thường âu yếm, dặn dò ăn ngoan, chăm ngủ để cô đến lớp với con phải không cô?

Cô Dung yêu thương của con! Con chẳng hiểu rõ từ “tam cang” mà ba con hay nói nghĩa là gì, nhưng điều đơn giản con có thể hiểu được chính là công ơn sâu nặng của cô - thầy. Với cô, con lúc nào cũng thấy mình nhỏ bé quá. Căn phòng nơi gia đình cô ở phía sau nhà bà là nơi đong đầy kỷ niệm của riêng con. Hôm nay tháng 10 về, triều cường có còn gây khó, làm khổ cho cô nữa không? Con mong là không.

Con còn muốn viết, viết nhiều hơn nữa về cô, thế nhưng đó chỉ là những dòng chữ, cho dù thời gian năm tháng nhạt nhòa con vẫn ghi nhớ mãi lời cô dạy. Bước đầu con đã thành công rất nhiều, khi vượt qua khó khăn về bệnh tật để được nhiều A+ cũng như điểm 10 trong học tập, rèn luyện. Vậy mà con lại thất bại, không sao gượng lại được - vì con đang khóc - khi viết dòng kết trong lá thư này để gửi đến cô...Đứa học trò hay khóc mà cô yêu thương nhất.

Sáng tạo không ngừng

Nguyễn Minh Châu bắt đầu tham gia những cuộc thi Sáng tạo trẻ do Trung tâm Khoa học và công nghệ TP.HCM tổ chức từ năm lớp 2 và nhận được rất nhiều giải thưởng như: thí sinh nhỏ tuổi nhất năm 2010 và xuất sắc đoạt giải nhì mô hình “Thanh chắn an toàn giao thông”, hai giải khuyến khích mô hình “Game show đố bạn” và “Sân khấu rối thu nhỏ”.

Cũng trong năm 2010, Châu tham gia cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Thành đoàn TP.HCM tổ chức và đoạt giải khuyến khích với mô hình “DK2A - nhà giàn đa dụng”. Năm 2011: giải nhì với mô hình “Cống an toàn giao thông”, giải thưởng phụ thí sinh tham gia nhiều ý tưởng nhất trong cuộc thi Sáng tạo trẻ; giải nhất hội thi “Măng non sẵn sàng vì biển đảo quê hương” với mô hình “Tàu lịch sử HQ505”.

Năm 2012: giải nhì với mô hình “Thùng rác đa năng”. Năm 2013, mô hình “Bộ cờ an toàn du lịch giao thông” đã giúp Châu đoạt giải ba và vinh dự nhận huy chương bạc sáng tạo do Hội đồng Đội thành phố trao tặng. Ba năm liên tiếp (2011, 2012, 2013) Châu được tuyên dương “Cháu ngoan Bác Hồ tiêu biểu cấp TP”.

Ngày 5-1-2011, tại buổi tổng kết Liên hoan sáng tạo khoa học công nghệ trẻ TP.HCM lần 2-2011 và tuyên dương 24 tập thể có thành tích xuất sắc trong cuộc vận động tuổi trẻ sáng tạo TP.HCM, quỹ bảo trợ tài năng trẻ thuộc Thành đoàn TP.HCM đã bảo trợ cho sáu tài năng trẻ trên các lĩnh vực, trong đó có Châu, với số tiền 15 triệu đồng.

Bài viết xúc động của Châu đã đưa chúng tôi tìm đến gặp cô giáo cũ của Châu, người mà Châu ấn tượng nhất và nghĩ đến đầu tiên khi biết về cuộc thi cùng mẹ Châu.

* TRẦN THỊ NGỌC DUNG(giáo viên Trường tiểu học Trương Định, Q.12, TP.HCM)

Ăn chực phần cơm của cô

“Tôi vẫn nhớ như in sinh nhật của Châu là ngày 27-3. Hôm đó lần đầu tiên em được tổ chức sinh nhật ở lớp, em rất xúc động. Gia đình Châu phải ở nhà thuê, lúc nào cũng bị chủ dọa đuổi đi vì thiếu tiền. Ba em ốm đau nên phải xin nhà trường cho nợ học phí. Có lúc tưởng chừng em phải bỏ học. Được cái em ngoan, tự lập, lễ phép. Biết gia cảnh mình như vậy nên rất từ tốn mỗi lần ghé nhà cô giáo ăn cơm. Em hay khóc mỗi khi buồn. Tôi thường khuyên Châu cứng rắn lên để có thể tự chăm lo cho bản thân. Em rất sáng tạo và đã đoạt rất nhiều giải thưởng sáng tạo trẻ.

Đọc những dòng thư này, tôi xúc động lắm bởi nhiều năm mình dạy học trò lớp 1, các em còn quá nhỏ để nhớ hay ấn tượng về thầy cô. Ra trường rồi nhưng Châu vẫn còn nhớ đến cô giáo và cô cũng nhớ Châu bởi cô trò đã có thời gian dài gần gũi. Ngôi nhà này (nhà cô Dung-PV) cũng là nơi Châu thường ghé học bài, ăn cơm khi ba mẹ đi làm, không có điều kiện đưa đón. Bà và mọi người trong nhà vẫn thường nhắc Châu, đứa bé có hoàn cảnh vất vả nhưng rất lễ phép và ngoan hiền.

* NGUYỄN THỊ KIM CÚC(mẹ của Nguyễn Minh Châu):

Như cô tiên giữa cuộc đời

Cuộc sống hôm nay còn bộn bề ngổn ngang nên cuộc thi viết về người thầy giống như một điều gì đó thật ấm áp về tình thầy trò. Cháu đã viết về cô Dung, giáo viên chủ nhiệm lớp 1, người mà cả gia đình tôi mang ơn và coi cô như chiếc phao để bám vào lúc bị dòng đời xô ngã. Cô giống như cô tiên giữa đời thật khi đã giúp Châu không phải bỏ học và cả những lúc bỏ tiền túi giúp gia đình tôi vượt qua những thời điểm tưởng chừng không vượt qua nổi.

NGUYỄN MINH CHÂU (Lớp 6A5 Trường THCS Văn Lang, Q.1)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên