13/11/2012 09:04 GMT+7

Thư ghen tuông và "người đàn bà thứ 2"

VIỆT PHƯƠNG
VIỆT PHƯƠNG

TT - Những bức thư ghen tuông mà người tình của giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) gửi cho một phụ nữ khác đã khiến Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) vào cuộc điều tra và phát hiện quan hệ tình ái ngoài luồng này.

FBI cũng bị chỉ trích là ém nhẹm vụ việc đến sau bầu cử.

Bê bối ngoại tình, giám đốc CIA Mỹ từ chứcGiám đốc CIA từ chức vì “bồ nhí”

pfkX4hPT.jpgPhóng to
Ông Petraeus (thứ hai từ trái qua) chụp ảnh cùng vợ chồng Scott, Jill Kelly đứng bên vợ ông, bà Holly Petraeus (bìa phải) hồi năm 2010 - Ảnh: Tampa Bay Times

Reuters hôm 12-11 dẫn các nguồn tin thông thạo với cuộc điều tra cho biết người phụ nữ thứ hai trong vụ này là Jill Kelly, một người bạn lâu năm với gia đình của giám đốc CIA David Petraeus và là một liên lạc viên tình nguyện của các gia đình quân nhân ở căn cứ không quân MacDill. Bà Kelly không có chức danh chính thức nào trong quân đội.

Bà Kelly, 37 tuổi, sống tại Tampa, Florida, đã tìm đến FBI sau khi nhận được những bức email “hăm dọa” khiến bà quá sợ hãi. Những bức thư ghen tuông này được gửi đến từ nhiều địa chỉ thư điện tử khác nhau tố cáo bà có hành vi tán tỉnh ông Petraeus. Nội dung của những bức thư này có những câu như: “Tôi biết cô đang làm gì, hãy xéo đi, hãy tránh xa người đàn ông của tôi ra”.

Theo báo New York Times, hai người đàn bà này như đang “cạnh tranh với nhau để biết xem ông Petraeus yêu ai”. Theo báo Washington Post, người tình Paula Broadwell “cảm thấy sự hiện diện của người phụ nữ này là một mối đe dọa cho quan hệ của mình với Petraeus”.

Từ ghen tuông đến bại lộ

Lần theo các dấu vết, FBI đã phát hiện bà Paula Broadwell là người gửi những bức email này. Xem trong hộp thư, các nhà điều tra phát hiện thêm những bức thư tình tứ mà bà Broadwell gửi cho một người đàn ông khác. Người này sau đó được xác định là ông Petraeus. Chuyện “bồ bịch” của giám đốc CIA bị phát giác.

Vụ ngoại tình của tướng Petraeus đã làm dấy lên lo ngại về việc an ninh quốc gia có thể bị ảnh hưởng. Bà Broadwell bị FBI thẩm vấn vào ngày 21-10 và đã thú nhận mối quan hệ này. Bà cũng tự nguyện nộp máy tính cá nhân cho FBI. Sau khi kiểm tra máy, các nhà điều tra phát hiện nhiều tài liệu mật, làm dấy lên câu hỏi liệu ông Petraeus có đưa những tài liệu này cho bà hay không. Bà Broadwell khẳng định giám đốc CIA không phải là người đưa tài liệu.

Đại tá về hưu Steven Boylan, người phát ngôn của ông Petraeus hồi còn phục vụ ở Iraq và vẫn liên lạc với ông sau khi ông từ chức giám đốc CIA, bác bỏ ý kiến cho rằng an ninh quốc gia gặp nguy hiểm. Ông khẳng định tướng Petraeus không bao giờ đưa thông tin mật cho bà Broadwell hoặc liên lạc với bà này qua email của chính phủ.

Các nguồn tin thân thiết với gia đình ông Petraeus cho biết bà Kelly và chồng là Scott Kelly đã trở thành bạn bè khi ông này còn là chỉ huy quân đội và đóng tại MacDill từ năm 2008-2010. Sau đó họ vẫn giữ liên lạc và có gặp nhau ở Washington khi gia đình Kelly đi thăm họ hàng. Các nguồn tin cũng nói giữa bà Kelly và ông Petraeus đơn thuần là bạn bè và không có gì hơn.

FBI ém nhẹm vụ việc?

Theo báo New York Times, các quan chức cấp cao của FBI và Bộ Tư pháp đã được thông báo về việc giám đốc CIA ngoại tình từ mùa hè. Tuy nhiên, họ đã không thông báo với ai ngoài FBI và Bộ Tư pháp cho đến tận tuần trước với lý do điều tra chưa xong và lo ngại lộ thông tin an ninh.

Trong khi đó, một quan chức giấu tên nói ông Petraeus bị thẩm vấn lần đầu về vụ việc vào khoảng cuối tháng 10, một tuần sau khi bà Broadwell bị thẩm vấn. FBI sau đó đã thông báo cho sếp của ông Petraeus là giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia James Clapper vào đúng tối bầu cử 6-11. Tổng thống Mỹ Barack Obama được thông báo một ngày sau đó.

Việc FBI chậm công bố cuộc điều tra đã khiến một số nghị sĩ phản đối và đòi giải trình. Thượng nghị sĩ Dân chủ Dianne Feinstein, chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, khẳng định trên Fox News: “Không có ảnh hưởng gì đến an ninh quốc gia cả. Vào ngày ấy là không có ảnh hưởng gì”. Bà cũng bác bỏ việc từ chức của giám đốc CIA “không liên quan” đến vụ tấn công đại sứ quán Mỹ ngày 11-9 tại Benghazi, Libya.

Thế nhưng nghị sĩ Cộng hòa Peter King thuộc Ủy ban An ninh quốc gia của Thượng viện lại đặt ra hàng loạt câu hỏi trên CNN: Làm thế nào những bức thư điện tử đến được FBI? Vì sao FBI lại điều tra lâu như vậy trong khi đó là giám đốc CIA? Vì sao một vụ việc nghiêm trọng liên quan đến tình báo mà FBI phải mất mấy tháng mới thông báo cho tổng thống?

Trước các cáo buộc khác cho rằng vụ việc bị ém nhẹm để tạo lợi thế cho ông Obama trong chiến dịch tranh cử, các quan chức FBI và Bộ Tư pháp cũng khẳng định thời gian công bố sự việc không liên quan đến bầu cử tổng thống, bởi việc giám đốc CIA ngoại tình hoàn toàn không tạo lợi thế chính trị cho cả ông Obama hay ứng cử viên đảng Cộng hòa Mitt Romney.

Dự kiến hôm nay 13-11, các quan chức cấp cao của FBI và CIA giải trình với quốc hội về vụ việc này.

VIỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên