14/02/2014 06:25 GMT+7

Thủ công mỹ nghệ tăng ca

LÊ SƠN - NGUYỄN TRÍ
LÊ SƠN - NGUYỄN TRÍ

TT - Hàng loạt doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ đang tất bật tăng ca sản xuất, mở rộng kho xưởng để đáp ứng đủ sản phẩm cho nhiều đơn hàng mới.

Hàng thủ công mỹ nghệ: Dồn dập xuất sang Mỹ, EUHội chợ quốc tế đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ 2013

riHcvBmx.jpgPhóng to
Làm mành trúc xuất khẩu tại HTX mây tre lá mành trúc xuất khẩu Bình Minh, TP.HCM - Ảnh: Thanh Đạm

Không chỉ chờ đối tác tìm đến, nhiều đơn vị chủ động tham gia hội chợ, triển lãm tìm kiếm đối tác, nâng cao giá trị sản phẩm.

Dồn dập đơn hàng xuất khẩu

Ngay từ ngày 10-2, tại xưởng sản xuất của Công ty Phước Dũ Long (Bình Dương), chuyên sản xuất gốm sứ xuất khẩu, đã hối hả làm việc để kịp tiến độ giao hàng cho đối tác.

Ông Vương Siêu Tín - giám đốc Công ty Phước Dũ Long - cho biết đầu năm đến nay đơn vị này xuất qua Mỹ trên 30 container gốm sứ, tăng khoảng 30% so với thời điểm này năm ngoái.

“Chúng tôi phải hối thúc lao động trở lại làm việc sớm và tiến hành kế hoạch tăng ca ngay từ đầu năm. Hiện đơn hàng công ty đã ký ổn định đến giữa năm” - ông Tín nói.

Cũng theo ông Tín, không khó để có hợp đồng sản xuất lớn đến hết năm song doanh nghiệp ông cần thư thả để chọn lựa những đơn hàng phù hợp với giá trị cao.

Không sản phẩm mới đừng nên tham gia hội chợ

Đại diện Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ VN cho biết việc tham gia hội chợ để quảng bá sản phẩm đòi hỏi phải tính toán kỹ lưỡng nhiều yếu tố như chọn dòng sản phẩm cũng như hội chợ phù hợp với chi phí, quy mô doanh nghiệp. Trong đó, việc chọn dòng sản phẩm tham gia hội chợ ngoài việc phù hợp còn đòi hỏi yếu tố độc đáo, mới lạ, giá thành cạnh tranh. Nếu không có yếu tố này doanh nghiệp không nên tham gia hội chợ. Bởi nếu không tạo dấu ấn, không có gì mới, ngoài việc tốn chi phí còn có thể gây ảnh hưởng tới hình ảnh của ngành thủ công mỹ nghệ VN.

Tương tự, ông Nguyễn Hữu Bèn, giám đốc Công ty xuất khẩu mành trúc Thanh Trúc (Củ Chi, TP.HCM), cho biết không dám nhận thêm đơn hàng mới do năng lực sản xuất không đáp ứng kịp.

Từ nay đến cuối tháng 6, công ty phải tiếp tục tuyển thêm nhân công để đảm bảo năng lực sản xuất cho hàng loạt hợp đồng với tổng số lượng trên 30.000 sản phẩm.

Đặc biệt trong năm Giáp Ngọ, các mẫu mành trúc có trang trí hình ngựa được khách lựa chọn rất nhiều, không chỉ ở các nước châu Á mà cả châu Âu.

Trong khi đó, các doanh nghiệp, HTX sản xuất mặt hàng mây tre lá tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai cho biết ngay từ đầu năm phải thực hiện tăng ca để đáp ứng đơn hàng. Nhiều lao động vệ tinh nhận nguyên liệu để sản xuất ngay trong dịp tết.

Ông Lê Thanh Tùng, phó chủ nhiệm HTX mây tre lá Ba Nhất (Bình Thạnh), cho biết chỉ tính riêng thị trường Mỹ, trong tháng 1-2014 HTX đã xuất hơn 700.000 sản phẩm, chưa kể khoảng 600.000 sản phẩm khác phải giao trong tháng này.

“Các đối tác nhập khẩu cũng cạnh tranh lẫn nhau, tăng phí đặt cọc và sẵn sàng rút ngắn thời gian thanh toán toàn bộ giá trị hợp đồng sớm hơn một tháng so với trước đó. Nhờ vậy chúng tôi quay vòng vốn nhanh, đầu tư phát triển sản phẩm tốt hơn” - ông Tùng nói.

Quảng bá “hoa hậu làng”

Vừa dứt tết, ông Trần Việt Tiến, giám đốc Công ty CP mỹ thuật Gia Long (Q.3, TP.HCM), tất tả bay sang Frankfurt, Đức để tham gia Hội chợ quốc tế Ambiente 2014 tổ chức từ ngày 7 đến 11-2.

Để tham gia gian hàng tại hội chợ triển lãm các mặt hàng mỹ nghệ, nội thất, trang trí lớn bậc nhất châu Âu với sự tham gia của hơn 100 quốc gia, ông Tiến cho biết đơn vị phải chuẩn bị chu đáo từ vài tháng trước.

Trong lần này, công ty đem theo hàng trăm mẫu mã với trên 30 mẫu thiết kế mới được làm từ nguyên liệu composite.

“Bạn hàng rất ấn tượng với sự tinh xảo và độc đáo của hàng mỹ nghệ trong nước. Tuy nhiên, sự trầm trồ luôn kèm theo ý tiếc nuối doanh nghiệp của ta có những sản phẩm tốt, rẻ nhưng “giấu” kỹ quá! Họ ví sản phẩm của ta như những cô hoa hậu nhưng cứ ở làng, họ kiếm không ra” - ông Tiến dí dỏm.

Cũng theo ông Tiến, năm 2014 công ty sẽ bung mạnh tham gia hàng loạt hội chợ triển lãm nước ngoài. Sau hội chợ tại Đức sẽ là Hà Lan, Pháp và đặc biệt ba lần tham gia tại Mỹ. Để đáp ứng các đơn hàng dồn dập từ đối tác, ngay từ đầu năm công ty dời lên Bình Dương để mở rộng xưởng sản xuất lên 5.000m2, do xưởng 1.200m2 tại TP.HCM không đáp ứng được nhu cầu.

Không quảng bá trực tiếp qua các hội chợ triển lãm quốc tế, ông Nguyễn Hữu Bèn tìm cách “gõ cửa” các doanh nghiệp trung gian bằng việc tặng kèm, làm hàng mẫu miễn phí để họ quảng bá, chào mời đối tác.

“Mấu chốt vẫn là việc chúng ta có gì mới để chào mời hay không. Hiện nay mẫu mã chúng tôi có đến gần 4.000 chủng loại nhưng phải chọn lọc kỹ càng trước khi đem quảng bá. Trong năm nay, chúng tôi cho ra thị trường 30 mẫu mã mới chuyên về chủ đề ngựa. Mới đây, đối tác tại Đức đã đặt làm lô hàng thử với trên 1.000 tấm” - ông Bèn cho biết.

Cải tiến mẫu mã hiện cũng được các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ xem là yếu tố hàng đầu để tiếp cận đối tác mới cũng như chăm sóc khách hàng quen thuộc.

Bà Lương Thị Thúy, chủ nhiệm HTX Hiệp Lực (Đồng Nai), cho biết việc thay đổi mẫu mã không nhất thiết phải tạo ra sản phẩm hoàn toàn mới. Thay vào đó, cơ sở tập trung cải tiến những dòng hàng đang bán chạy. “Từ những bình gốm đã khá quen thuộc với khách hàng, chúng tôi sử dụng lục bình, cói để bọc lại, tạo họa tiết là đã tạo nên một chút lạ lẫm, mới mẻ cho khách hàng” - bà Thúy chia sẻ.

Xu hướng chuyển dịch đơn hàng từ Trung Quốc sang VN

Theo khảo sát của Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), đang có xu hướng khách hàng các nước châu Âu, Mỹ, Nhật... chuyển qua đặt hàng doanh nghiệp VN thay vì trước đó từ Trung Quốc. Ông Đặng Quốc Hùng, phó chủ tịch HAWA, cho rằng đây là cơ hội chung cho tất cả doanh nghiệp trong nước. “Nhưng muốn có nhiều đơn hàng, các doanh nghiệp phải có sự chủ động tìm kiếm đối tác cũng như hoàn thiện quy mô, trình độ sản xuất” - ông Hùng nói.

LÊ SƠN - NGUYỄN TRÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên